Thứ hai, Tháng mười một 18, 2024

Vắng khách quốc tế, công suất của nhiều khách sạn chỉ bằng 50% năm 2019

Mức độ khôi phục hoạt động kinh doanh của các khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam không đồng đều. Trong khi các khu nghỉ có thế mạnh về thị trường nội địa có công suất phòng tốt thì những dự án phụ thuộc vào nguồn khách quốc tế đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều nơi hiện chỉ mới đạt 50% mức công suất của năm trước dịch 2019.
Du khách quốc tế tại TPHCM. Ảnh: Minh Duy

Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương, nhiều khu nghỉ dưỡng tại các điểm đến phụ thuộc vào nguồn khách quốc tế như Nha Trang, Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) và Đà Nẵng hiện chỉ mới đạt được 50% mức công suất của năm 2019, thời điểm du lịch chưa bị tác động bởi dịch Covid-19.

Tính đến tháng 11 rồi, cả nước đón 2,95 triệu lượt khách quốc tế. Ước tính, lượng khách trong cả năm này chỉ đạt khoảng 3,5 triệu lượt. Khách quốc tế quá ít so với 18 triệu lượt của thời điểm trước dịch, đặc biệt là việc vắng bóng khách Trung Quốc và khách Nga, lượng khách quan trọng của những điểm đến trên đã làm rất nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng khó khăn.

“Chúng tôi vừa mở lại một phần của khu nghỉ dưỡng nhưng vắng khách. Công suất bình quân của khu vực mở cửa chưa được 50%, chủ yếu là khách trong nước và một số khách Hàn Quốc”, nguồn tin từ một khu nghỉ dưỡng ở Cam Ranh nói.

Khu nghỉ dưỡng trên đã đóng cửa hồi cuối tháng 3-2020, khi Việt Nam tạm dừng đón khách quốc tế để chống dịch Covid-19 và chỉ mới mở lại một phần vào tháng 10 vừa qua.

Theo ông Gasparotti, trong khi nhiều khu nghỉ ở những điểm đến trên vẫn rất khó khăn thì nhiều khách sạn tại Hà Nội và TPHCM lại ghi nhận mức độ hồi phục tốt. Sự phục hồi tích cực này nhờ nguồn khách công vụ, khách lưu trú dài hạn cũng như đoàn khách MICE (khách du lịch kết hợp tham gia các sự kiện). Tuy nhiên, giá phòng bình quân tại hai thành phố này vẫn thấp hơn so với năm 2019 từ 15% – 20%.

Cũng tại TPHCM và Hà Nội, quá trình khôi phục của các khách sạn thuộc phân khúc cao cấp khả quan hơn. Đặc biệt, phân khúc hạng sang ít chịu biến động hơn so với các phân khúc khác trong thời kỳ đại dịch và cũng ghi nhận tốc độ khôi phục giá phòng tốt hơn bình quân thị trường.

Thông tin từ nhiều khách sạn sao tại TPHCM cũng cho thấy tình hình tương tự. Trong khi nhiều khách sạn từ 3 sao trở xuống đang làm ăn khó khăn thì những khách sạn cao cấp, đặc biệt là khách sạn 5 sao do các tập đoàn quốc tế quản lý không những có công suất phòng cao, giá bán phòng tăng hơn hồi trước dịch mà lượng khách tổ chức hội nghị, tiệc cũng rất đông.

Quản lý của một khách sạn 5 sao ngay tại trung tâm TPHCM cho biết, hiện giá phòng (mức thấp) tại khách sạn này là 200 đô la Mỹ/đêm phòng, trong khi trước dịch chỉ 150 đô la. Khách sạn gần như kín phòng ngủ và phòng hội nghị trong tháng 11. Ước tính, công suất phòng bình quân trong tháng 12 này sẽ đạt trên 70%.

Tại nhiều khách sạn quốc tế, lượng khách trong tháng 12 thường ít hơn các tháng trước cho nên công suất dự báo này là cao.

Về quy mô cả nước, dù nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở những điểm đến có lợi thế đón khách nội địa như Đà Lạt, Phú Quốc, Bà Rịa – Vũng Tàu… thường xuyên kín khách nhưng do mảng quốc tế vẫn đình đốn nên mức độ phục hồi của mảng khách sạn vẫn còn thấp.

“Thị trường khách sạn Việt Nam mới ghi nhận công suất phòng đạt hơn 60% so với cùng kì 2019”, theo nhận định của Savills. Công ty này cũng cung cấp thông tin cho biết, nhiều nước trên thế giới đã ghi nhận quá trình khôi phục gần với mức trước đại dịch. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh khách sạn tại khu vực Đông Nam Á hiện đạt khoảng 70% công suất của năm 2019.

Theo ông Gasparotti, việc Trung Quốc bắt đầu điều chỉnh chính sách “Zero Covid”, cân nhắc nới lỏng các yêu cầu kiểm soát dịch trong những ngày gần đây và việc hàng không khôi phục các đường bay giữa Trung Quốc và Việt Nam là tín hiệu tích cực, giúp đẩy nhanh quá trình khôi phục của ngành nghỉ dưỡng Việt Nam.

“Chúng tôi kỳ vọng hoạt động của các khu nghỉ dưỡng tại các điểm đến du lịch ven biển, đặc biệt tại những thị trường vốn phụ thuộc vào nguồn khách này sẽ cải thiện hiệu quả hơn trong năm tới”, ông nói.

Vào đầu tháng 12 này, Vietnam Airlines đã nối lại một số đường bay thương mại thường lệ giữa Việt Nam và Trung Quốc sau gần ba năm gián đoạn vì đại dịch Covid-19. Trong giai đoạn đầu, hãng nối lại ba đường bay là TPHCM – Quảng Châu, Hà Nội – Thượng Hải và TPHCM – Thượng Hải.

Đào Loan
Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Liên ngành hàng không – du lịch cần ‘phối hợp ăn...

0
(SGTT) - Hai ngành du lịch, hàng không vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển, nhưng muốn phát triển hiệu quả thì...

Kinh doanh lưu trú qua ứng dụng tìm cách thích nghi...

0
(SGTT) -  Bước vào mùa hè 2024, giá vé máy bay nội địa ghi nhận vẫn còn mức cao ảnh hưởng nhiều đến kế...

Lễ 30-4, cơ sở lưu trú chờ khách ‘chốt’ phòng giờ...

0
(SGTT ) – Mặc dù kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 sắp tới kéo dài đến 5 ngày, nhưng nhiều cơ sở lưu trú...

Đến TTC Van Phong Bay Resort nghe chia sẻ kinh nghiệm...

0
Cuộc đời của mỗi doanh nhân được ví như “cuốn sách sống” truyền cảm hứng cho thế hệ kế tiếp. Những kinh nghiệm thực...

Du lịch toàn cầu có thể phục hồi hoàn toàn vào...

0
Theo dự đoán của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism), du lịch toàn cầu có thể sẽ phục hồi hoàn toàn...

Top 10 điểm du lịch có giá phòng thấp dịp cuối...

0
(SGTT) - Theo nền tảng đặt phòng khách sạn Agoda, trong khoảng thời gian từ ngày 22 đến 31-12, thành phố Đà Lạt của...

Kết nối