Ngày 20-12, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chính thức công bố 10 sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2022.
- Lâm Đồng: ‘Gỡ khó’ để phát triển du lịch canh nông
- Khám phá 4 công trình kiến trúc ấn tượng tại Kon Tum
Trong đó, có ba sự kiện thuộc lĩnh vực văn hóa, du lịch, bao gồm: Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp; Di sản tư liệu “Bia ma nhai Ngũ Hành Sơn” và “Hệ thống văn bản làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)” được UNESCO ghi vào Danh mục di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15-3-2022, du lịch nội địa phục hồi mạnh mẽ, đạt trên 100 triệu lượt khách năm 2022.
Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp
Hôm 29-11, tại phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 17 của UNESCO diễn ra tại Rabat, Thủ đô của Vương quốc Ma-rốc, di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nghề gốm truyền thống của người Chăm đang có xu hướng biến đổi và mai một, thậm chí đứng trước nguy cơ biến mất.
Do đó, việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp là hết sức quan trọng, cùng với những hỗ trợ và giải pháp tích cực của Chính phủ và chính quyền địa phương sẽ giúp cho di sản này được quan tâm, bảo vệ tốt hơn cho thế hệ sau.
Quyết nghị ghi danh của UNESCO đối với di sản cũng khẳng định, sự ghi danh này sẽ góp phần đắc lực vào việc lưu giữ bản sắc văn hóa Chăm ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Di sản tư liệu “Bia ma nhai Ngũ Hành Sơn” và “Hệ thống văn bản làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)” được UNESCO ghi vào Danh mục di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Ngày 26-11, tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra ở TP. Andong (Hàn Quốc), Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO (MOWCAP) đã thông qua hai hồ sơ “Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng” và “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)” là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng là kho tàng di sản tư liệu quý giá bằng chữ Hán và chữ Nôm với số lượng lớn gồm 78 tư liệu bia ma nhai (trong đó có 76 bia chữ Hán và 02 bia chữ Nôm), nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, với nhiều thể loại như: ngự bút, bia ký, tán, thơ văn, đề từ, đề danh, câu đối… của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, các thế hệ tao nhân, mặc khách đã từng dừng chân lưu đề trên vách đá, hang động tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, từ nửa đầu thế kỷ thứ 17 đến thập niên 60 của thế kỷ thứ 20.
Bia ma nhai là những tư liệu cực kỳ giá trị, chân xác và đặc sắc, thể hiện rõ tính giao thoa, hòa điệu về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các quốc gia Nhật Bản – Trung Hoa - Việt Nam tại Việt Nam từ thế kỷ thứ 17 đến thế kỷ thứ 19. Bia ma nhai đa dạng về hình thức, phong cách biểu hiện; là các tác phẩm trên đá độc đáo, ấn tượng, nhiều kiểu chữ viết như Chân, Hành, Thảo, Triện, Lệ…
Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15-3-2022, du lịch nội địa phục hồi mạnh mẽ, đạt trên 100 triệu lượt khách năm 2022
Ngày 15-3-2022, Việt Nam công bố chính thức mở cửa trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới trên tất cả các cửa khẩu, bằng đường bộ, đường biển, đường sắt, đường hàng không.
Khôi phục toàn bộ chính sách visa như trước Covid-19. Không hạn chế bất cứ hoạt động du lịch nào với khách nội địa. Với việc mở cửa này, Việt Nam được Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) đánh giá là 1 trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở nhất thế giới. Việt Nam cũng là 1 trong những nước mở cửa sớm nhất khu vực.
Đến nay, chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch, trong đó miễn visa cho 24 quốc gia và vùng lãnh thổ; khôi phục lại quy trình và thủ tục xuất nhập cảnh như trước dịch Covid-19; áp dụng visa điện tử cho 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên mở cửa du lịch và không có rào cản hạn chế du khách.
Điều này cho thấy du lịch Việt Nam đã có những bước chuẩn bị tốt và đảm bảo các dịch vụ du lịch phục vụ du khách, đặc biệt khi nhu cầu của du khách có những sự thay đổi sau dịch. Dữ liệu từ công cụ tìm kiếm điểm đến của Google cho thấy Việt Nam liên tục nằm trong top điểm đến dẫn đầu thế giới về mức tăng trưởng lượng tìm kiếm thông tin du lịch.
Năm 2022, ngành du lịch Việt Nam và toàn cầu tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Du lịch nội địa lại phục hồi mạnh mẽ, đạt trên 100 triệu lượt khách, vượt qua tất cả các dự báo, tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019 (khi chưa xảy ra đại dịch).
10 sự kiện văn hóa, thể thao tiêu biểu năm 2022, bao gồm:
1. Triển khai thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021
2. Quốc hội Thông qua Luật Điện ảnh năm 2022
3. Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) năm 2022
4. Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp
5. Di sản tư liệu “Bia ma nhai Ngũ Hành Sơn” và “Hệ thống văn bản làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)” được UNESCO ghi vào Danh mục di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương
6. Đàm phán thành công việc hồi hương kim ấn “Hoàng đế chi bảo”
7. Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI
8. Tổ chức và thi đấu thành công tại SEA Games 31
9. Lần đầu tiên Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tham dự World Cup 2023
10. Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15-3-2022, du lịch nội địa phục hồi mạnh mẽ, đạt trên 100 triệu lượt khách năm 2022.
Đăng Huy
Theo Cổng thông tin Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch