Thứ năm, Tháng mười hai 5, 2024

Phận người trong Cố định một đám mây

Năm 2018, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nhận giải thưởng văn học LiBeraturpreis của Đức với tập truyện Cánh đồng bất tận; ra mắt tập thơ thứ hai Gọi xa xôi và tập truyện thứ 9 Cố định một đám mây. Nhìn lại năm cũ và nhìn sang năm mới, thấy chị vẫn lặng lẽ như phù sa sông mẹ Cửu Long...

Nguyễn Ngọc Tư ký tặng sách tại Hội sách Đức 2018.

Cánh đồng bất tận

Trong lời phát biểu tại lễ trao thưởng Giải thưởng LiBeraturpreis ở Đức (10/2018), nhà phê bình Katharina Borchardt, thành viên ban giám khảo, nhận xét: Cánh đồng bất tận gồm 14 truyện ngắn đã in từ 2005, “Thế nhưng đối với chúng ta, đó là những câu chuyện hoàn toàn mới mẻ và với sự trầm tư mang nặng chiều sâu hiện thực xã hội, đã làm chấn động trái tim người đọc. Những câu chuyện này dẫn chúng ta về miền Nam Việt Nam, về vùng châu thổ sông Mê Kông”.

Theo nhà phê bình Katharina Borchardt, ở tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư bao giờ cũng có những con người biến đi một cách vô tăm tích, bỏ lại phía sau những người thân của họ trong đổ vỡ. Các quan hệ xã hội quan trọng chừng nào thì chúng cũng dễ tổn thương và đổ vỡ chừng đó. Nguyễn Ngọc Tư kể những câu chuyện của mình với một tiêu cự hẹp, tập trung vào các diễn biến trực tiếp trong phạm vi gia đình, thường là từ giác độ của cái tôi tự sự, hoặc từ cái nhìn sát sườn của một cá nhân, nhưng ít khi từ giác độ của một người kể chuyện biết hết tất cả.

Thành viên ban giám khảo Giải thưởng văn học quốc tế LiBeraturpreis 2018 chốt lại: “Với Cánh đồng bất tận, chúng ta có một cuốn sách tuyệt đẹp: đó không chỉ là một tác phẩm được trình bày cẩn trọng, biên tập kỹ lưỡng và được dịch một cách chuẩn xác, mà trước hết được viết bởi một ngòi bút tuyệt vời. Đây là những câu chuyện kể về những điều thật cốt lõi: về chốn gia đình mà ta cần có, và về những con người mà ta yêu quý. Sẽ không phải là sáo ngữ nếu tôi nói: Chúng ta còn muốn được đọc nhiều tác phẩm nữa từ ngòi bút của Nguyễn Ngọc Tư!”.

Phù sa bất tận

Thế nhưng sau khi nhận giải trở về, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã trả lời báo chí nghe rất nhẹ nhàng: “Giải thưởng là thứ nhà văn nên quên đi”. Tôi gặng hỏi lý do, chị nói: “Quên thì sẽ có thêm khoảng nghĩ trong đầu để viết những thứ mới. Ngồi mãi với cái vinh quang của hôm qua, thì làm sao mà đi chơi chỗ khác. Không người nào có thể đi nhanh khi mà liên tục ngoái lại đằng sau, và mang theo quá nhiều hành lý vô nghĩa. Giải thưởng không giúp cho một tác phẩm sống sót sau hàng chục, hàng trăm năm nữa”.

Nhưng tôi vẫn muốn đem chuyện cũ để hỏi chuyện mới, với tập truyện Cố định một đám mây phát hành cùng thời điểm trao giải thưởng LiBeraturpreis, như ý nhà phê bình Katharina Borchardt là “muốn được đọc nhiều tác phẩm nữa từ ngòi bút của Nguyễn Ngọc Tư”.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Tôi nói với chị rằng Cố định một đám mây có những phận người “ngầu” hơn, đau thương hơn những chuyện buồn thương của Cánh đồng bất tận. Rồi tôi hỏi: “Vì sao những thân phận này chỉ muốn thoát ra và bay đi như những đám mây?”, chị nói: “Thoát ra và bay đi, là bất khả, trong truyện của tôi. Vì vậy mà tên của cả tập, cũng là một hành động vô nghĩa. Không ai có thể cố định một đám mây, một giấc mơ. Tôi nghĩ mình đi quá chậm, những nhân vật mình luôn chịu đựng, nín nhịn, chờ đợi, họ có phản kháng thì cũng là yếu ớt. Có lẽ nhân vật của tôi đã quen với nỗi đau. Thay vì họ tìm cách hắt chúng đi, thì giữ lại mà nghiền ngẫm, nhâm nhi”. Khi được hỏi văn của Nguyễn Ngọc Tư trong tập truyện này sắc lạnh, kỹ càng từng câu chữ nhưng đầy sức tưởng tượng, khác với ngày xưa đôi khi trào cảm xúc và dường như chị ngày càng khó hơn với mình trong sáng tác? Và chị trả lời: “Tôi tiết chế một Nguyễn Ngọc Tư trữ tình bằng nhiều cách. Kỹ thuật viết, câu chữ, những tầng nghĩa. Có thể bây giờ tôi viết có ý thức, xưa thì bản năng. Đã bước khá xa qua cái tuổi bốn mươi, tôi đâu thể viết mãi như hồi trẻ dại. Trời cho nhiều cỡ nào, mà không rèn luyện học hỏi thêm, thì cũng cạn”.

Về thơ. Sau tập Chấm in năm 2013, như tự tình của những dấu chân rong ruổi khắp miền đất nước, tập Gọi xa xôi in trước chuyến đi Đức nhận giải thưởng lần này thì thấy quá nội tâm. Tác giả đã chọn ý câu thơ mở đầu bài Căn cước để làm đề từ cho cả tập thơ: “Nguyễn Ngọc Tư 1976, quê quán: phù sa. Mẹ giấu cuống rốn dưới chân cây đước/giọt nước mắt đầu tiên phát sáng dưới trăng/nước tràn bờ sau tiếng khóc”.

Tôi hỏi: “Chị gửi gắm những gì ở tập thơ này?” và thật bất ngờ khi nghe chị nói: “Lúc gửi sách tặng, tôi nói nửa chơi nửa thiệt với bạn bè, Gọi xa xôi là tập thơ cuối cùng của mình. Ít nhất là trong giai đoạn này. Tôi thấy mình phơi bày trong thơ nhiều quá. Nếu như văn xuôi là thứ kín kẽ, thì thơ lại là những lúc hở sườn. Và tôi không thích mình hiện hình theo cách ỉ ôi yếu đuối kiểu vậy”.

Thế mà bốn câu chót của bài thơ Căn cước đó được viết: “kết thành từ bao tinh thể muối/đứa trẻ miền sông/lăn hoa tay lên dải bùn/cắm bộ rễ vào phù sa thao thiết”.

Dường như cánh đồng bất tận ngày xưa vẫn lặng lẽ sinh sôi cùng những phù sa bất tận bây giờ.

Huỳnh Kim

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là Di sản...

0
UNESCO chính thức ghi danh di sản lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật...

Việt Nam từ trên cao: Tiểu chủng viện trăm tuổi giữa...

0
(SGTT) - Nằm giữa cánh đồng lúa của huyện Tuy Phước, tiểu chủng viện Làng Sông là công trình tôn giáo nổi bật tại...

Chinh phục đỉnh Tà Năng – Phan Dũng mùa cỏ cháy

0
(SGTT) - Những ngày đầu tháng 12, cung đường trekking Tà Năng - Phan Dũng được nhuộm vàng bởi trảng cỏ khô trải dài....

Những thách thức với hào quang xuất khẩu của Việt Nam

0
(SGTT) - Báo cáo Việt Nam 2045 - Nâng cao vị thế thương mại trong một thế giới đang thay đổi của Ngân hàng...

Thêm APG, Việt Nam có hai tuyến cáp quang biển gặp...

0
(SGTT) - Trong khi tuyến cáp quang biển AAE-1 đang gặp sự cố, chưa được khôi phục thì mới đây ghi nhận thêm một...

Khám phá ẩm thực quê hương TikToker Lê Tuấn Khang ’11...

0
(SGTT) - Sau khi được vinh danh ở hạng mục "Nhà sáng tạo nội dung giải trí của năm" do TikTok vừa tổ chức,...

Kết nối