Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Tết của ngày xưa, mứt của ngày nay

Mứt trái cây truyền thống có vẻ khiêm nhường hơn khi đặt bên cạnh những loại bánh kẹo ngoại nhập có trên thị trường hàng hóa giáp tết, nhưng vẫn giữ vị trí đặc biệt trong lòng nhiều người.

Mứt là món ngọt hấp dẫn không chỉ với trẻ con mà còn với người lớn trong những ngày tết. Mứt gừng nồng ấm, mứt sen sang trọng, mứt dừa ngọt ngào hay mứt tắc (quất) vàng óng thanh vị chua ngọt… là những món mứt quen thuộc. Nhâm nhi mứt cùng tách trà nóng, rôm rả những câu chuyện đầu xuân đã trở thành thói quen, phong vị ẩm thực đặc trưng với nhiều người. Chị Thanh Vân, 32 tuổi, nhân viên truyền thông ở quận 3, TPHCM, cho biết đi chợ tết phải mua rất nhiều thứ nhưng nếu không mua mứt là thấy thiếu. “Ngày tết trong nhà cũng phải có đĩa mứt, trước cúng ông bà, sau mời khách, rồi làm quà biếu cho người thân, hàng xóm nữa. Gói mứt nhỏ cũng là chút tình chút nghĩa ngày xuân”, chị Vân lý giải. Còn chị Lý Ngân, bếp trưởng một thương hiệu mứt truyền thống tại quận 4, chia sẻ: “Khi xưa, ông bà ta bảo quản trái cây bằng việc sên với đường để tạo ra mứt, rồi mứt trở thành món ăn vặt dùng chung với trà. Hình ảnh đó trong tuổi thơ của mỗi người dân Việt Nam đều còn tươi nguyên. Và khay mứt đã hiện hữu trong mỗi gia đình vào mỗi dịp tết, không chỉ làm quà cho trẻ con, mà còn để mọi người mời nhau chút vị ngọt ngào như là cách thêm sự may mắn cho những ngày đầu năm”.

Mứt công nghiệp – ép, sấy lạnh

Mùa sản xuất mứt tết thường bắt đầu từ khoảng tháng 10 âm lịch (trước Tết Nguyên đán gần hai tháng) vì phải trải qua nhiều công đoạn, như chọn trái cây làm nguyên liệu, phơi, sấy, ép, sên đường… để kịp bán tết. Những công đoạn làm mứt thủ công truyền thống đòi hỏi người làm phải cẩn thận, tỉ mỉ trong từng công đoạn mới có thể cho ra mẻ mứt chất lượng và sử dụng được lâu. Cùng với sự hỗ trợ của thiết bị công nghệ, ngoài cách sên đường truyền thống, nhiều loại trái cây được sấy, ép mang đến những hương vị mứt mới lạ cho người dùng.

Chị Đặng Trúc Hiền, 25 tuổi, người quản lý một thương hiệu mứt được trưng bày tại đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1, chia sẻ: “Những loại mứt như mứt dừa, mứt gừng sẽ có độ ngọt nhiều nên dùng với trà sẽ ngon nhất, còn nếu khách hàng muốn ăn loại ít ngọt thì bây giờ đã có công nghệ tiên tiến hơn đó là trái cây sấy lạnh với các loại trái cây như xoài, thơm, dâu tây… Với các loại mứt dễ bị tối màu trong quá trình làm thì nên sử dụng màu thực phẩm, như mứt dừa lá dứa, mứt dừa lá cẩm, mứt dừa vị cà phê... để tăng màu sắc cho mứt”.

Mứt nhà làm - miếng nhỏ, vị ngon

Nhiều người không thích mua loại mứt làm sẵn nên chọn cách tự làm, để bảo đảm vệ sinh thực phẩm. Nhiều hội nhóm về những mẹo vặt cuộc sống, dạy nấu ăn cũng liên tục đăng tải những bài viết hướng dẫn làm mứt tết trên mạng xã hội, thu hút nhiều lượt like (thích), share (chia sẻ bài viết) của người dùng.

Các tiệm làm bánh mứt tận dụng lợi thế không gian rộng rãi, mở ra nhiều buổi dạy làm mứt tết, với giá tiền từ 300.000-500.000 đồng cho một người, học từ một đến hai buổi. Học viên đăng ký và được hỗ trợ mọi nguyên liệu dụng cụ học làm mứt. Lịch học làm mứt tết cũng được các tiệm dàn trải theo nhiều khung giờ trong tuần và theo từng loại mứt phù hợp nhu cầu người học.

Theo chia sẻ từ chị Nguyễn Yên Thị – 32 tuổi, chủ cửa hàng bánh mứt trên đường Lê Thị Riêng, quận 1 – khâu chuẩn bị nguyên liệu và công thức làm mứt có lẽ là khó nhất, bởi lẽ mứt bảo quản được lâu mà không dùng chất bảo quản là nhờ độ ngọt khi sên với đường. Tuy nhiên, trái cây khi sên mứt vẫn còn một lượng nước nhất định bên trong, nước và đường đi chung với nhau kèm theo độ ẩm không phù hợp sẽ rất dễ lên men, gây hư hỏng. Vì vậy, các buổi học làm mứt luôn phải có nội dung hướng dẫn kèm cách bảo quản mứt. Tiệm cũng hướng dẫn học viên chọn học những loại mứt dễ làm, bảo quản được lâu để sau mỗi buổi học sẽ mang thành phẩm về nhà.

Mứt tết làm thủ công truyền thống với những công đoạn đòi hỏi người làm phải chăm chút, tỉ mỉ vẫn thu hút nhiều người, bởi hương vị thơm ngon trong từng miếng mứt nhỏ mà bánh mứt sản xuất công nghiệp khó sánh kịp. Từng tham gia buổi học làm mứt dừa non, chị Nguyễn Mai, 26 tuổi, nhân viên kinh doanh tại quận Tân Bình, cho hay mứt tết sản xuất đại trà mua ăn cũng không an tâm chuyện an toàn thực phẩm và hương vị cũng không bằng mứt làm thủ công lại sử dụng nhiều chất tạo ngọt, tạo mùi. Đi học làm mứt để tự tay làm cho cả nhà miếng mứt ngọt thanh rồi biếu cho họ hàng, bạn bè cũng thú vị.

Trước sự xuất hiện ồ ạt của bánh kẹo ngoại nhập rất ngon, sang trọng nhưng cũng đắt tiền, mứt tết truyền thống với nhiều vị và cách chế biến cũng có giá trị riêng trong lòng nhiều người. Khay mứt, tách trà vẫn tiếp tục hiện hữu bên cạnh mai, đào, bánh chưng, dưa hấu… dù là tết của ngày xưa hay ngày nay.

Thanh Dương

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

VCCI đề xuất giảm 2% thuế VAT cho tất cả các...

0
(SGTT) - Góp ý với dự án nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp...

Món phở người Việt nào cũng biết lọt top món súp...

0
(SGTT) - Ngày 17-11, tạp chí du lịch của Mỹ - CNN Travel – đã cập nhật danh sách 20 món súp ngon nhất...

Gặp nghệ nhân tạo hình bonsai dừa ‘rắn ngậm ngọc’ phục...

0
(SGTT) - Từ những trái dừa khô tưởng chừng bỏ đi, nghệ nhân Đậu Thanh Tùng (ngụ xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TPHCM)...

Tỷ lệ chỗ trên các chuyến bay Tết Ất Tỵ đạt...

0
(SGTT) - Các hãng hàng không trong nước đang tăng cường thêm các chuyến và bổ sung máy bay nhằm phục vụ cho dịp...

Xuất khẩu gạo Việt Nam đã vượt 8 triệu tấn

0
(SGTT) - Việt Nam đã xuất khẩu thêm 293.484 tấn gạo trong nửa đầu tháng 11, nâng tổng lượng gạo xuất khẩu của cả...

TPHCM thử nghiệm thu phí đậu xe qua tài khoản ETC

0
(SGTT) - Đường Hai Bà Trưng, Lê Lai (quận 1) và Phạm Hữu Chí (quận 5) sẽ chuyển sang hình thức thu phí đậu...

Kết nối