Phát triển du lịch nông thôn được xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Theo đó, các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Nam, Hậu Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới nhằm mang đến du khách nhiều trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn; góp phần phát triển ngành du lịch địa phương.
- Ninh Thuận: Phát triển du lịch khám phá cát – muối, săn bắn bán hoang dã
- Nhiều doanh nghiệp Việt tập trung phát triển du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm
- Tam Đảo trở thành ‘Thị trấn du lịch hàng đầu thế giới’
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện cả nước có khoảng 365 điểm du lịch nông thôn ở 37 tỉnh, thành phố và hơn 2.000 làng nghề truyền thống có tiềm năng phát triển về du lịch.
Quảng Ninh phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh, việc khai thác hiệu quả lợi thế về cảnh quan thiên nhiên cùng những thành quả từ xây dựng nông thôn mới trong hơn 10 năm qua đã và đang trở thành điểm tựa vững chắc để Quảng Ninh phát triển du lịch nông nghiệp.
Tại Quảng Ninh, huyện Bình Liêu là điểm sáng trong thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển các mô hình hợp tác xã nông nghiệp gắn với du lịch, góp phần tạo thêm hướng phát triển mới, đa dạng cho du lịch Bình Liêu.
Song song hoàn thiện cơ sở hạ tầng, huyện Bình Liêu đặc biệt quan tâm phát triển mô hình du lịch cộng đồng thông qua duy trì tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống và ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch dựa trên khai thác cảnh quan thiên nhiên như Hội Mùa vàng, Hội Hoa sở, Ngày hội Kiêng gió.
Các mô hình hợp tác xã nông nghiệp sản xuất các sản phẩm thế mạnh như miến dong, cá nước lạnh, trồng hoa, tinh dầu hồi, quế... cũng đang phát triển hiệu quả, không chỉ mang lại thu nhập cho người dân mà còn trở thành những điểm đến du lịch với nhiều trải nghiệm thú vị dành cho du khách.
Không riêng Bình Liêu, nhiều địa phương trong tỉnh đã và đang phát huy thành quả từ xây dựng nông thôn mới để phát triển du lịch hiệu quả như Khu du lịch làng quê Yên Đức (Đông Triều), đồi chè xã Quảng Long (Hải Hà), trang trại hoa lan Đồng Ho, khu trồng cây ăn quả chất lượng cao xã Dân Chủ (TP Hạ Long), Khu trải nghiệm Song Hành Garden (TX Quảng Yên), vườn cam Vạn Yên (Vân Đồn)...
Quảng Nam đăng ký 12 điểm du lịch nông thôn
Theo Báo Văn hóa, thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh này vừa có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đăng ký triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, tỉnh Quảng Nam đăng ký 12 điểm du lịch hỗ trợ gồm Làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng (TP Hội An), làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh (TP Tam Kỳ), làng du lịch sinh thái cộng đồng hố Giang Thơm và vườn cây ăn trái thôn Tú Mỹ (huyện Núi Thành), làng cổ Lộc Yên (huyện Tiên Phước).
Các làng du lịch cộng đồng gồm: xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành), Cẩm Phú (thị xã Điện Bàn), Mô Chai (huyện Nam Trà My), Đại Bình (huyện Nông Sơn), Bhơ Hồng (huyện Đông Giang), Cơ Tu (huyện Nam Giang), thôn Ariêu (huyện Tây Giang).
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, triển khai phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới là hết sức cần thiết, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng về du lịch cộng đồng sẵn có của các địa phương, đặc biệt là những nơi có tiềm năng về du lịch nông nghiệp, nông thôn, miền núi, làng quê, làng nghề.
Hậu Giang phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững
Theo báo Hậu Giang, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Trong thời gian tới, ngành du lịch tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái cảnh quan của khu vực nông thôn tỉnh Hậu Giang.
Kế hoạch sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững. Tăng cường thu hút các nguồn lực, nhất là phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng, thúc đẩy sự tham gia tích cực và chủ động của doanh nghiệp cho đầu tư phát triển du lịch nông thôn tại Hậu Giang để xây dựng, phát triển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ về lĩnh vực du lịch có lợi thế của tỉnh, tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 sẽ phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn. Đến năm 2025, tỉnh có 3-5 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của tỉnh; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch và ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.
Đăng Huy tổng hợp