Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Nữ HDV và câu chuyện 12 năm làm HDV tại điểm đến

(SGTT) - Suốt 12 năm gắn bó với nghề hướng dẫn viên (HDV) tại Khu Công viên tượng đài Long An, chị Lê Thị Như Ngọc luôn tâm huyết với nghề, không ngừng rèn luyện tác phong chuẩn mực, thân thiện hòa đồng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Tình yêu với nghề thuyết minh viên tại điểm

Ngay từ những năm học phổ thông, môn lịch sử luôn có sức hút đặc biệt đối với chị Ngọc. Vì vậy, trong khi các bạn đồng trang lứa chọn rất nhiều ngành nghề "hot" ở trường đại học như công nghệ thông tin, kinh tế, ngân hàng... thì chị Ngọc lại chọn học ngành Bảo tàng mà mình yêu thích. Một điều may mắn với chị Ngọc là sau khi tốt nghiệp đại học, chị có được việc ngay và gắn bó với công việc này cho đến hiện nay.

Theo chị Ngọc, đảm nhận công việc thuyết minh viên tại điểm, đặc biệt là điểm gắn liền với sự kiện lịch sử, bên cạnh việc nắm kiến thức chuẩn, chính xác, hướng dẫn viên cần phải rèn luyện tác phong chuẩn mực, thân thiện, hòa đồng. Ảnh: Như Ngọc

Theo chị Ngọc, đảm nhận công việc thuyết minh viên tại điểm, đặc biệt là điểm gắn liền với sự kiện lịch sử, bên cạnh việc nắm kiến thức chuẩn, chính xác, hướng dẫn viên cần phải rèn luyện tác phong chuẩn mực, thân thiện hòa đồng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Trong suốt 12 năm làm nghề, tiếp xúc hàng ngàn đoàn tham quan, chị Ngọc luôn cố gắng làm mới mình tùy theo nhu cầu từng đoàn, nuôi cảm xúc hòa mình theo từng nhóm du khách, tránh sự nhàm chán, lặp lại.

Chị Ngọc chia sẻ “Công việc thuyết minh tại điểm có cái khó là không thể chủ động được thời gian mà tùy thuộc vào lịch trình các đoàn, có những ngày cao điểm tiếp 5 -7 đoàn, thuyết minh đến khản tiếng, hay có đoàn đến tham quan ngoài giờ hành chính, có thể 5:00 giờ sáng hay 19:00 giờ tối. Vì bản thân khi làm việc luôn đề cao phương châm làm hết việc chứ không phải hết giờ, nên tôi luôn linh động để hoàn thành công việc tốt nhất có thể”.

Trong suốt 12 năm làm nghề, tiếp xúc hàng ngàn đoàn tham quan, chị Ngọc luôn cố gắng làm mới mình tùy theo nhu cầu từng đoàn, nuôi cảm xúc hòa mình theo từng nhóm du khách, tránh sự nhàm chán, lặp lại. Ảnh: Nam Sơn

Du khách đến tham quan khu Công viên tượng đài Long An có rất nhiều lứa tuổi. Có những đoàn trường mẫu giáo, các bé độ tuổi mầm non bập bẹ nói chưa rành, nhưng đến tham quan công viên các con thi phát biểu về những hình ảnh các con tận mắt nhìn thấy được như chú bộ đội, lá cờ, khẩu súng… đầy sự tự hào. Chị Ngọc luôn lắng nghe và truyền cảm hứng cho các bé. Ở chiều ngược lại, chị Ngọc cũng nhận được rất nhiều năng lượng tích cực qua các buổi làm việc như vậy.

Hay như các đoàn khách có rất nhiều các bác cựu chiến binh, tuy tuổi cao, vẫn tìm lại chiến trường xưa, ôn kỷ niệm. Chị Ngọc rất xúc động trước các câu chuyện của các cô, các chú vì bao nhiêu kỷ niệm chiến đấu tuy gian khổ nhưng hào hùng đã được kể ra từ những nhân chứng lịch sử. Chính những câu chuyện ý nghĩa ấy đã giúp chị Ngọc bổ sung vào vốn kiến thức của bản thân, thấy rõ trách nhiệm của mình trong công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh, truyền thống của địa phương.

Ngoài ra còn rất nhiều nhóm khách đến với khu Công viên tượng đài Long An như các cơ quan ban ngành đoàn thể, học sinh, sinh viên, đoàn viên với nhiều mục đích khác nhau như tham quan, tìm hiểu văn hóa, nghiên cứu sâu về lịch sử về truyền thống... Cảm nhận được niềm tự hào thể hiện rõ trên khuôn mặt du khách, bản thân chị Ngọc rất trân trọng những cảm xúc ấy, thật sự vui và hạnh phúc vì đã lan tỏa được những nét đẹp, những truyền thống quý báu của con người và mảnh đất Long An đến với du khách.

Khu Công viên - Tượng đài Long An "Trung dũng kiên cường- Toàn dân đánh giặc” tọa lạc tại kp Thanh Xuân, phường 5, TP Tân An, tỉnh Long An. Ảnh: Như Ngọc

Những đoàn khách nước ngoài, đi theo đoàn, hoặc riêng lẻ, họ đều tìm đến Ban Quản lý khu Công viên tượng đài Long An để yêu cầu thuyết minh giúp họ tham quan tất cả các hạng mục, minh chứng được sức hút thú vị của điểm đến hấp dẫn này.

Một trong những kỷ niệm xúc động nhất đối với chị Ngọc là khi chị được tiếp các đoàn của những người khiếm khuyết (thành viên hội người mù, học viên trường khuyết tật). Tuy họ có những hạn chế về sức khỏe, họ vẫn cất công tìm đến tham quan. Chính những tình cảm của họ dành cho khu Công viên tượng đài Long An nói chung và cá nhân chị Ngọc nói riêng sau chuyến trải nghiệm, tham quan vô cùng lớn, rất đáng trân quý.

Mong muốn ngành du lịch Long An sẽ có những bước tiến vượt bậc

Chị Ngọc tâm sự, trong thời gian đại dịch Covid-19 xảy ra, hoạt động du lịch hầu như đóng băng, nhưng chị vẫn luôn tin tưởng ngành công nghiệp không khói sẽ sớm phục hồi. Tận dụng khoảng thời gian trống nghỉ dịch, chị Ngọc đã nghiên cứu thêm tài liệu bổ sung kiến thức, tập luyện giọng để có chất giọng khỏe hơn, trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp để tìm ra lối dẫn chuyện thu hút, hấp dẫn, chuyên nghiệp.

Và đến thời điểm hiện nay, ngành du lịch Long An đã có những hoạt động thể hiện sự chuyển mình mạnh mẽ sau đại dịch. Cụ thể là việc xúc tiến, tìm ra những điểm du lịch, kết nối thành các tour, tuyến tham quan đã hiệu quả, nên các đoàn tham quan tăng lại rõ rệt.

Chị Ngọc cho biết, trước khi đại dịch xảy ra, trung bình một tháng, khu Công viên tượng đài Long An tiếp hơn 30 đoàn tham quan và hàng trăm lượt khách vãng lai. Hiện tại, số lượng đoàn có giảm so với trước đây, nhưng vẫn đang trên đà tăng dần, mỗi tháng có từ 15-20 đoàn.

Chị Ngọc rất yêu lịch sử, đam mê với nghề tại khu Công viên - Tượng đài Long An. Ảnh: Nam Sơn

Tỉnh Long An là cửa ngõ kết nối giữa miền Đông và miền Tây Nam bộ. Du lịch Long An phong phú và đa dạng với nhiều công trình văn hóa, làng nghề, món ăn, du lịch sinh thái… Chính những yếu tố quan trọng như vậy, trong thời gian tới cùng với sự phát triển trở lại của ngành du lịch cả nước và các chính sách du lịch thiết thực của tỉnh Long An, ngành du lịch của vùng đất miền Tây Nam bộ này hy vọng sẽ có những bước tiến vượt bậc. Chị Ngọc cũng như đội ngũ thuyết minh viên của khu Công viên Tượng đài Long An hiện rất phấn khởi trước sự trở khởi sắc của ngành du lịch Long An.

12 năm gắn bó với nghề hướng dẫn viên tại khu Công viên tượng đài Long An "Trung dũng kiên cường- Toàn dân đánh giặc”, chị Lê Thị Như Ngọc luôn tâm huyết với nghề. Ảnh: Nam Sơn

“Tôi mong sẽ có thêm nhiều du khách đến với Long An trong thời gian tới. Tôi mong muốn được cống hiến hết mình, ra sức quảng bá du lịch, nhằm góp phần vào sự phát triển du lịch bền vững của tỉnh nhà”, chị Ngọc tâm sự.

Đinh Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Long An dự kiến tổ chức sự kiện ‘Khát vọng sông...

0
(SGTT) - "Khát vọng sông Vàm" sẽ là tên chủ đề của Tuần Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Long An lần thứ...

Mùa bông súng nở phủ sắc hồng trên đồng lũ Long...

1
(SGTT) – Hằng năm, khi mùa nước nổi về, những cánh đồng ngập nước ở Long An lại phủ sắc hồng bông súng, mời...

Việt Nam từ trên cao: Những mảng màu xanh mướt nơi...

0
(SGTT) – Làng nổi Tân Lập nằm tại huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, cách TPHCM khoảng hơn 100km. Nơi đây sở hữu không...

Chi hội HDV du lịch TPHCM sẽ đẩy mạnh công tác...

0
(SGTT) - Sáng nay, 8-5-2024, chi hội Hướng dẫn viên du lịch TPHCM, trực thuộc Hiệp hội Du lịch TPHCM, đã tổ chức Đại...

Việt Nam từ trên cao: Mùa thu hoạch bông súng ở...

0
(SGTT) – Với góc nhìn từ trên cao, khung cảnh người dân thu hoạch bông súng ở huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An hiện...

Dấu xưa – Hồn phố: Thăm nhà cổ trăm cột, trên...

0
(SGTT) – Nằm ở xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, "Nhà trăm cột" là di tích lịch sử hơn 120...

Kết nối