(SGTT) - Quận 3 (TPHCM) là vùng đất có lịch sử lâu đời, tiềm năng du lịch lớn với những điểm đến "độc bản", các khu phố ẩm thực, khu mua sắm độc đáo và chùm tour đặc trưng. Tuy nhiên, để du lịch quận 3 phát triển xứng tầm, còn nhiều việc phải làm.
Từ trước 1975, dân Sài Gòn đã kháo nhau “ăn quận 5, nằm quận 3, hát ca quận Nhất”. Hơn nửa thế kỷ sau, bất chấp những đổi thay, với rất nhiều người, đúc kết này vẫn mặc định. Ngay cả dân quận 3 cũng nghĩ “vui chơi, du lịch, phải ra quận 1; ăn uống phải vào quận 5”. Nhưng thực tế, có phải vậy?
Quận 3 – vùng đất lâu đời, tiềm năng du lịch lớn
Quận 3 được khai sinh từ 1920. Trước đó, thuộc Bình Trị Trung (kênh Nhiêu Lộc là Bình Trị Giang), huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định.
Là quận trung tâm của TPHCM, vùng đất cổ của Sài Gòn - Gia Định. Diện tích quận gần 5km², dân số hơn 191.000 người với 12 phường, có 10 Tổng Lãnh sự nước ngoài, 11 bệnh viện, 10 trường đại học và học viện, 2/3 trường trung học xưa nhất Sài Gòn và hàng chục tòa soạn và văn phòng đại diện báo chí, xuất bản…
Tiềm năng du lịch quận 3 khá phong phú nhưng lâu nay hầu như đang “ngủ đông” chưa được tận dụng. Quận có hai khách sạn 5 sao, bốn khách sạn 4 sao, 12 khách sạn 3 sao, chín khách sạn 2 sao, 24 khách sạn 1 sao; 75 công ty Lữ hành Quốc tế, 39 Lữ hành Nội địa, sáu đại lý Lữ hành.
"Kiểm kê gia tài", quận 3 đâu kém ai.
Đó là ngôi nhà xưa nhất Sài Gòn, hiện nằm trong khuôn viên tòa Tổng Giám mục Sài Gòn (180 Nguyễn Đình Chiểu). Từ năm 1789, nhà ở khu vực Thảo Cầm Viên hiện tại, xây bằng gỗ, lợp ngói. Đến năm 1864, dời về đường Alexandre de Rhodes. Năm 1900, dời về Tòa Tổng Giám mục cho đến bây giờ.
Nhà thờ Tân Định hay còn gọi là Thánh Tâm Chúa Jesus, tọa lạc tại số 289 Hai Bà Trưng. Xây dựng từ 1870, kiến trúc tinh xảo theo phong cách Roman kết hợp Gothic, Baroque. Nhà thờ sơn toàn màu hồng trẻ trung.
Nhà thờ Kỳ Đồng và dòng Chúa Cứu Thế, tọa lạc tại 39 Kỳ Đồng, xây dựng từ 1925, kiến trúc đơn giản, độc đáo, Đông - Tây hài hòa.
Chùa Pháp Hoa, di tích lịch sử, thành lập từ năm 1928, bên bờ kênh Nhiêu Lộc, kiến trúc lấy cảm hứng từ Văn Miếu và Quốc Tử Giám.
Chùa Chantarangsay, tiếng Khmer cổ nghĩa là Ánh Trăng, phái Nam Tông (Phật giáo nguyên thủy), kiến trúc Khmer đầu tiên ở Sài Gòn, xây dựng từ 1946, bên bờ kênh Nhiêu Lộc với 3 ngọn tháp chính (quốc kỳ Campuchia).
Chùa Vĩnh Nghiêm, kiến trúc chùa Bắc bộ, kiểu chữ Công, xây dựng năm 1964 với các tháp Xá Lợi cộng đồng, Quán Thế Âm, đá Vĩnh Nghiêm.
Trường Marie Curie, thành lập năm 1860, tọa lạc tại 150D Nam Kỳ Khởi Nghĩa; mang tên nhà nữ bác học từ 1918, trường duy nhất không đổi tên, trước 1975 là trường nữ. Trường Lê Quí Đôn, tọa lạc tại 110 Nguyễn Thị Minh Khai, thành lập năm 1874. Trường Nguyễn Thị Minh Khai (Miki, Áo Tím, Gia Long, tọa lạc tại 275 Điện Biên Phủ), thành lập năm 1913, trước 1975 là trường nữ…
Những điểm đến “độc bản”
Quận 3 có nhiều di tích kiến trúc, lịch sử, văn hóa “không đụng hàng”.
Đó là Nhà Thiếu nhi thành phố, vốn là dinh Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa trước 1975, di tích lịch sử, từng là nơi hoạt động công khai của Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn năm 1971.
Chợ Bàn Cờ cạnh tòa đại sứ Campuchia thời Lonnol (1970 – 1975), nay là Nhà Thiếu nhi quận 3; gắn với phong trào đấu tranh của sinh viên Sài Gòn, nguồn cảm hứng sáng tác bài hát lịch sử "Người Mẹ Bàn Cờ" (thơ Nguyễn Kim Ngân, nhạc Trần Long Ẩn). Đối diện là tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức (1893 – 1963) trong công viên cùng tên.
Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh là bảo tàng hoạt động đa dạng và hiệu quả nhất ở Việt Nam. Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, bảo tàng giới lớn nhất phía Nam (tư dinh của tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tổng nha Cảnh sát Việt Nam Cộng hòa).
Quận 3 có những “con đường cổ thụ”, rợp bóng cây môi trường (sao đen) như Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), Pasteur, Duy Tân (nay là Phạm Ngọc Thạch) với bài hát bất hủ “Trả lại em yêu” (Phạm Duy), là "khung trời" đại học của trường Luật Khoa Sài Gòn (nay là trường Kinh tế) và Kiến Trúc.
Hồ Con Rùa (công trường Quốc Tế), vốn là cổng Khảm khuyết thành Bát Quái xưa (thành Quy), sau đổi thành Vọng Khuyết. Theo thuật phong thủy, là đuôi rồng của Phủ Đầu Rồng (Dinh Độc Lập)…
Quận 3 có sẵn chùm tour độc bản, “hoa hậu du lịch” đường thủy Việt Nam như “Du thuyền Nhiêu Lộc tour Sử - Xanh” (tìm hiểu lịch sử qua những cây cầu, nhấn mạnh cầu Công Lý, tham gia hoạt động bảo vệ môi trường), “Lãng mạn Hoàng hôn kênh Nhiêu Lộc” (thưởng thức hòa tấu violon, rượu vang, nước trái cây, du ngoạn trên kênh, ảo thuật vui, thả đèn hoa đăng nguyện ước), “Xuôi dòng An Lạc” ( ngày 1 và 15 âm lịch, ăn chay), “Vọng nguyệt” (trăng rằm)...
Ẩm thực, mua sắm và… chạy bộ
Quận 3 có các phố ẩm thực chính như "đường Ốc" (Nguyễn Thượng Hiền), lẩu cá kèo (Bà Huyện Thanh Quan), cơm niêu Sài Gòn (Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Pasteur). Quận có nhiều quán hủ tiếu và phở rất ngon. Nổi tiếng hơn cả là hủ tíu Hồng Phát (Võ Văn Tần) và phở Bình (Lý Chính Thắng).
Phở Bình không chỉ lừng danh vì món phở gia truyền, mà còn nổi tiếng bởi huyền thoại về Biệt động Sài Gòn. Trước 1975, phở Bình là "tổng hành dinh" đơn vị F100 Biệt động Sài Gòn, nơi phát lệnh cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, là Sở chỉ huy tiền phương - Phân khu 6, đặc khu Sài Gòn - Gia Ðịnh.
Các đường đàn và giày (Nguyễn Thiện Thuật), cá kiểng (Nguyễn Thông), áo dài (Pasteur) đáp ứng mọi nhu cầu du khách về sản phẩm.
Hoàng Sa là đường chạy bộ lý tưởng bậc nhất TPHCM vì dòng kênh đã được cải tạo, không khí trong lành, bờ kênh không có dân cư. Chạy bộ đường Hoàng Sa, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa nhắc nhở nhau về quần đảo thân yêu.
Để du lịch quận 3 xứng tầm
Để du lịch quận 3 phát triển xứng tầm, rất nhiều việc phải làm. Theo đó, tác giả cho rằng:
• Thay đổi cách nhìn về du lịch quận 3, bắt đầu từ cán bộ quản lý đến người dân. Có lộ trình nâng cấp, quảng bá và tổ chức hiệu quả. Công bố bộ sản phẩm tour du lịch đặc thù quận 3. Nối kết với các tour vùng phụ cận (quận 1, 5, 10, Phú Nhuận… và các chương trình tour của TPHCM).
• Cho mở lối lên xuống các chùa Pháp Hoa, Kantarangsay, Vĩnh Nghiêm từ kênh Nhiêu Lộc (giao Nhiêu Lộc Boat quản lý, chỉ mở cho du khách tham quan). Khai thác kênh Nhiêu Lộc đoạn Lê Văn Sỹ lên thượng nguồn với các dịch vụ thuyền sub, kayak, thuyền thúng, trò chơi vận động trên mặt nước…
• Xây dựng và triển khai kế hoạch "sông hoa" trên kênh Nhiêu Lộc và phố đi bộ, chợ đêm Hoàng Sa từ cầu Kiệu đến cầu Lê Văn Sỹ. Tổ chức bến Nội đô 661 Lê Văn Sỹ thành bến kiểu mẫu với phòng trưng bày tranh về kênh Nhiêu Lộc và du lịch quận 3
• Mở thêm các tour ẩm thực chay, trải nghiệm (nấu ăn, làm giày, làm đàn, yoga thiền) và tour “Yoga Nhiêu Lộc”, “Thiền trăng”… của Nhiêu Lộc Boat. Xây dựng các phố chuyên sản phẩm để tạo thế cạnh tranh và du khách dễ chọn lựa.
• Có kế hoạch tổ chức các famtrip báo chí, lữ hành, blogger để quảng bá. Bổ sung và cập nhật thông tin về du lịch quận 3 trên Google, website và các mạng xã hội. Khuyến khích doanh nghiệp tổ chức các sự kiện gắn với du lịch như marathon (ngày và đêm), thi sáng tác và triển lãm tranh, ảnh, sản phẩm đặc trưng đường phố…
Làm được vậy, du lịch quận sẽ khởi sắc.
Không chừng, du khách đến TPHCM sẽ kháo nhau “Ăn quận 5, nằm quận Nhất, du lịch quận 3”.
Nguyễn Vũ Mộc Thiêng