Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

637 trẻ khiếm thính được cấy ốc tai điện tử giúp phục hồi khả năng nghe nói

(SGTT) - Sau 24 năm kể từ ca phẫu thuật cấy ốc tai điện tử đầu tiên, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM đã thực hiện cấy ốc tai điện tử cho 637 trường hợp, giúp cho nhiều trẻ khiếm thính có thể hồi phục khả năng nghe nói một cách tự nhiên.

Tại Hội nghị khoa học kỹ thuật thường niên năm 2022 nhân kỷ niệm 35 năm thành lập Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM vào ngày 29-9, nhiều thành tựu y tế mang ý nghĩa to lớn trong lĩnh vực khám, chữa bệnh của bệnh viện này đã được nhắc đến.

Trong số đó phải kể đến thành tựu phẫu thuật cấy ốc tai điện tử cho trẻ em, giúp hồi phục khả năng nghe một cách tự nhiên. Phương pháp phẫu thuật cấy ốc tai điện tử đã giúp ích rất nhiều bệnh nhân điếc nặng, điếc sâu có thể nghe nói, tiếp cận với thế giới âm thanh và giao tiếp xã hội.

Theo Tiến sĩ Lê Trần Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM, ca phẫu thuật cấy ốc tai điện tử đầu tiên được bệnh viện tiến hành vào năm 1998. Cho đến nay, sau 24 năm, bệnh viện này đã thực hiện cấy ốc tai điện tử cho 637 trường hợp. Bệnh viện đã đánh giá được hiệu quả của phẫu thuật cấy ốc tai điện tử thông qua kết quả của nghiên cứu hồi cứu trên 637 bệnh nhân.

Phẫu thuật cấy ốc tai điện tử ban đầu chỉ được chỉ định ở những bệnh nhân nghe kém tiếp nhận mức độ nặng hay sâu ở cả hai bên tai. Tuy nhiên, ngày nay, với sự phát triển của công nghệ sản xuất ốc tai điện tử, cũng như các tiến bộ trong phẫu thuật, chỉ định của phẫu thuật cấy ốc tai điện tử đã được mở rộng cho các trường hợp. Cụ thể như bệnh nhân có khiếm khuyết thần kinh ốc tai, có bất thường cấu trúc tai trong, bệnh nhân nghe kém tiếp nhận một bên, bệnh nhân sau phẫu thuật sàn sọ bên…

Phương pháp phẫu thuật cấy ốc tai điện tử giúp ích cho rất nhiều bệnh nhân điếc nặng, điếc sâu có thể nghe nói được. Ảnh minh hoạ: BVCC

Đa số các bệnh nhân được cấy ốc tai điện tử ở độ tuổi từ 2-5 (chiếm tỷ lệ 59,3%). Trong số 637 trường hợp được phẫu thuật cấy ốc tai điện tử, 72 trường hợp bị bất thường tai trong (chiếm tỷ lệ 11,3%). Có 86,7% bệnh nhân đã được cấy ốc tai điện tử một bên, tai phải được phẫu thuật nhiều hơn tai trái. Sau khi được phẫu thuật, 93,1% bệnh nhân đạt kết quả tốt.

Theo các bác sĩ, nghe kém là một trong những khiếm khuyết giác quan thường gặp và ảnh hưởng rất nhiều tới khả năng hoà nhập cuộc sống của bệnh nhân, đặc biệt là nhóm trẻ em. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, ước tính cứ 1.000 trẻ sơ sinh thì sẽ có 1,7 trẻ được phát hiện nghe kém. Đối với bệnh nhân nghe kém mức độ nặng, nhất là xảy ra ở cả hai tai mà đeo máy trợ thính không hiệu quả thì phương pháp tối ưu nhất là phẫu thuật cấy ốc tai điện tử.

Minh Thảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Kết nối