(SGTT) – Vượt qua nhiều “chiến binh” tại giải Vietnam Mountain Marathon 2022 (VMM 2022) Sa Pa để về nhất cự ly 100 miles (khoảng 160km), anh Quang Trần, 33 tuổi, đã về đích với thành tích 23 giờ 19 phút trong sự thán phục của nhiều vận động viên khác. Với dáng người nhỏ bé cùng nghị lực mạnh mẽ, anh đã tự tạo nên kỳ tích lớn cho bản thân khi hoàn thành đường đua trong chưa đến 24 giờ đồng hồ.
- Nhà vô địch giải chạy Vietnam Trail Marathon 2021 ở cự ly 70km chia sẻ bí quyết chạy đường mòn
- Nghe “Iron girl” Thanh Bùi chia sẻ chiến thuật chạy ultra trail an toàn
Nhiều lần vô địch giải chạy trail
Là một người thích chơi thể thao, đặc biệt những môn có tính khám phá như leo núi, anh Quang Trần tiết lộ cơ duyên đưa mình đến niềm đam mê lớn với giải chạy địa hình bây giờ nhờ vào một lần leo núi ở Sa Pa năm 2014. Ngay khi phát hiện có giải chạy địa hình tổ chức ở đây, anh đã mạnh dạn đăng ký và tham gia vào năm 2015 với cự ly đầu tiên là 42km. Được biết, anh đã tham dự VMM bốn mùa, năm 2016 anh chạy 100km, cũng là năm đầu tiên có cự ly này ở Việt Nam, sau đó anh đã hai lần vô địch cự ly 100km vào năm 2017 và 2020.
“Đến năm nay, VMM cũng lần đầu mở thêm cự ly 160km bên cạnh cự ly 10km, 15km, 21km, 42km, 70km, 100km. Ngay giây phút điền vào đơn đăng ký, tôi đã trải qua giai đoạn tập luyện và tích lũy nhiều năm để quyết định chinh phục cự ly 100 miles này. Đối với tôi, đây không phải là lựa chọn liều lĩnh hay điên rồ trong ngày một ngày hai”, anh bộc bạch.
Để chuẩn bị trước thềm giải đấu lớn với siêu cự ly chạy trail, anh đã cân bằng thời gian tập luyện và công việc thường ngày tại công ty phân tích gen Genetica ở TPHCM bằng cách phân chia thời gian và từ bỏ nhiều sở thích cá nhân, tập trung nhiều hơn cho việc tích lũy thể lực, sức bền. Mỗi ngày, anh dành hai tiếng để chạy khoảng 15-20km, cuối tuần sẽ có một buổi chạy ở núi Dinh cho quen với điều kiện đồi núi, anh cũng thường chạy vào buổi chiều tối khi kết thúc công việc hàng ngày. Theo anh Quang Trần, thời gian tập luyện của mỗi người sẽ khác nhau nhưng một đặc điểm chung của các vận động viên thi đấu 100 miles là họ đều ưu tiên việc rèn luyện bất cứ khi nào có thời gian cho riêng mình.
Chạy trail, đặc biệt là những cự ly siêu dài giúp anh Quang Trần tìm lại bên trong con người mình. Anh tâm sự “Nó giúp tôi nhìn nhận về cuộc sống này một cách khác hơn là một cuộc hành xác chinh phục. Vô địch hay không đã không còn quá quan trọng với tôi, vì chính những cảm xúc khi chạy mới là cái mà tôi muốn tìm về”.
Chiến thắng suy nghĩ bỏ cuộc
Cự ly 100 miles năm nay có 178 vận động viên tham dự, trong đó có 15 nữ và 163 nam. Theo quy định, runner sẽ xuất phát và hoàn thành cuộc đua trong vòng 44 tiếng tức là phải chạy liên tục gần hai ngày hai đêm. Chia sẻ những cây số khởi đầu trong điều kiện thời tiết nắng mưa thất thường, kết hợp với địa hình hiểm trở ở đồi núi Sa Pa, anh Quang Trần kể lại mình đã gặp những khó khăn như gậy leo núi hỏng, nhịp tim cao hơn bình thường khá nhiều cộng với thời tiết mưa ngay lúc xuất phát làm cung đường chạy rất trơn trượt.
Để chủ động tình hình, anh đã chạy chậm hơn khả năng của mình, cố gắng duy trì nhịp tim không quá cao, đảm bảo an toàn trước đoạn đường sình lầy trên đỉnh Hàm Rồng. “Thế nhưng sau khi chạy được vài giờ thì trời hết mưa thời tiết lại trở nên khô nóng, đây chính là giai đoạn khó khăn nhất của tôi trong cuộc đua. Mệt, nhịp tim tăng rất cao, khoảng cách với người dẫn đầu ngày càng xa dần. Cũng có lúc tôi thoáng nghĩ qua hai từ "dừng lại" nhưng cũng chỉ “thoáng qua” trong đầu. Tôi cần bình tĩnh và tôi muốn hoàn thành cuộc đua này”, anh nói.
Chiến đấu với quãng đường dài thôi chưa đủ, các vận động viên cần phải đối diện với đặc trưng chỉ có ở đường trail chính là đường chạy đầy thử thách và đồng thời runner phải phụ thuộc vào tình hình thời tiết, không tiên đoán được những cây số tiếp theo sẽ có điều gì xảy ra. Một mình băng qua đồi núi hùng vĩ, khoảnh khắc chạy trong đêm vẫn là giây phút đặc biệt trong nhà vô địch Quang Trần.
Anh tiết lộ mình thích chạy đêm một mình, đó là cảm giác tĩnh lặng giữa muôn trùng đồi núi, chỉ soi rọi cùng ánh đèn làm anh trở nên tập trung và mạnh mẽ hơn. Năm nay thời tiết thay đổi liên tục trong ngày khiến anh được dịp trải nghiệm một Sa Pa rất khác so với mọi năm. Từ mưa sang nắng, từ ngày sang đêm, từ đường bùn sình lầy lội đến nền bê-tông khô cứng, từ rượt đuổi đến dẫn đầu rồi vỡ òa về đích. Vùng đất này cũng là nơi để lại cho anh nhiều kỷ niệm vì đây là địa điểm anh chạy giải đầu tiên trong đời, giành vị trí đứng đầu giải ultra đầu tiên.
“Tôi quan niệm ai cũng có thể chinh phục cự ly 100 miles nếu họ có đủ thời gian dài tích lũy và tập luyện cực kỳ nghiêm túc trước cuộc đua. Thật bất ngờ tỷ lệ hoàn thành giải năm nay cũng lên đến 60%, gấp đôi con số mà tôi nghĩ trước khi cuộc đua diễn ra”, anh chia sẻ.
Trong suốt hành trình chạy, các runner phải tuân thủ yêu cầu từ phía ban tổ chức như mang theo tất cả những trang bị thiết yếu, cụ thể quần áo dài đi mưa, còi, đèn, bộ dụng cụ y tế cơ bản… phòng cho những trường hợp bất trắc. Ban tổ chức lần này cũng đã cung cấp cho các vận động viên một thiết bị định vị GPS, nó rất quan trọng để bộ phận hỗ trợ có thể theo dõi và xử lý nhanh khi có sự cố.
Sau giải đấu, thể lực anh hiện tại đã hồi phục hoàn toàn và anh có thể tập chạy nhẹ vài km, bắt đầu chu kỳ luyện tập thường ngày để thực hiện những dự định sắp tới là chinh phục giải Thailand by UTMB 168km vào tháng 12 tới, năm sau là UTMB Mont Blanc ở Pháp.
Theo anh Quang Trần, điều kiện cần và đủ để vận động viên chinh phục VMM 100 miles chính là nền tảng thể lực đã tích lũy cùng tinh thần bền bỉ. “Dù là người dẫn đầu hay về đích sau cùng, ai cũng từng có suy nghĩ bỏ cuộc giữa đường, nhưng rồi bằng khát khao làm chủ cuộc chơi 100 miles, tôi đã quên đi cơn đau để tiến về phía trước. Bởi ai cũng có thể tạo nên kỳ tích. Kỳ tích cho bản thân mình”, anh nhấn mạnh.
An Phú