Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Cần Giờ cần gì?

Con đường băng qua rừng Sác bây giờ thật đẹp nhờ mảng xanh rậm của bần, đước, dừa nước và những tuyến kênh rạch hoang sơ… làm nên khung cảnh sinh thái đặc thù. Vào ngày đầu mùa thu, con đường dài hơn 30 cây số trong khu dự trữ sinh quyển này đẹp không thua kém những cung đường thơ mộng xuyên rừng ở châu Âu.
Vẫn là đi ghe tham quan rừng ngập mặn – một trong những sản phẩm du lịch phổ biến ở Cần Giờ.

Có thể chầm chậm tận hưởng sự trong lành của thiên nhiên khi ta đi vào một môi trường đặc biệt – nơi giao thoa của hệ sinh thái thủy vực và trên cạn, là nơi hai con sông lớn – sông Đồng Nai và sông Sài Gòn – hòa mình vào biển.

Cần Giờ vì thế trở thành lá phổi xanh của đô thị Sài Gòn – TPHCM và vùng tiếp giáp là thành phố Vũng Tàu. Rừng Sác như một khoảng vườn rộng rãi tốt lành âm thầm hóa giải những bức bối nảy sinh trong sự biến đổi môi trường, đặc biệt là chất lượng không khí – hệ lụy không thể tránh khỏi của phát triển công nghiệp và đô thị.

Vì là khu dự trữ sinh quyển thế giới nên các hình thái phát triển du lịch bên trong phải theo chiều hướng hài hòa với tự nhiên, không đánh mất giá trị cốt lõi và giá trị đặc hữu. Nhưng có phải vì vậy mà du lịch rừng Sác trong rất nhiều năm vẫn theo lối cũ?

Cần Giờ có thể có nhiều gợi ý đến từ không gian sinh thái, từ lợi thế gần các trung tâm lớn để tổ chức những khu phố đêm, giúp du khách tạm thời “thoát ly” nhịp sống căng thẳng ở những đô thị lớn để tìm sự cân bằng và phục hồi sức khỏe.

Bây giờ, nếu trở lại rừng Sác qua một chuyến tham quan đi về trong ngày, du khách nhận ra ngoài sự cải thiện đường sá cho việc đi lại thì dịch vụ và sản phẩm du lịch không có nhiều sự thay đổi. Kiểu tổ chức tham quan đảo khỉ vẫn “đơn sơ”: khách mua vé vào cổng, đi bộ tham quan, nghe phát loa khuyến cáo chuyện lũ khỉ nghịch ngợm quá mức. Từ buổi ăn trưa theo kiểu bộ đội cho đến việc đi ghe tham quan rừng ngập mặn, tất cả đều với một phong cách dịch vụ đậm chất… “thanh niên xung phong”.

Ngoài những bài giới thiệu về các trận đánh, chuyện chiến khu xưa, thì rừng Vàm Sát còn kéo du khách trở về với quá khứ bằng một hệ thống dịch vụ cũng… thuộc về thì quá khứ, một cách thiết kế sản phẩm du lịch khá cũ kỹ nếu không muốn nói là lạc hậu.

Một điều dễ hiểu, trong rất nhiều năm, việc bảo tồn và phát triển du lịch ở nơi này quá chú trọng ý tưởng “về nguồn”, một dạng thức khai thác triệt để yếu tố lịch sử kháng chiến đi cùng với ý hướng “giáo dục tư tưởng”, cho nên nội dung khai thác sản phẩm trở nên khô khan, giáo điều, thiếu tính cởi mở và sinh động. Trong khi đó, một bức tranh lịch sử về môi trường, một bảo tàng sinh thái rộng lớn và giá trị của nó là câu chuyện rất hấp dẫn, có thể triển khai thành những sản phẩm du lịch quan trọng thì vẫn còn là những gợi ý bỏ ngỏ.

Lịch sử vẫn cứ được giới thiệu bằng một phương pháp thô sơ, thiếu sự mở rộng bối cảnh môi trường và tính phát triển, kéo theo việc khai thác dịch vụ chưa đạt đến tính chuyên nghiệp. Rừng Sác vì thế không thể hấp dẫn những du khách hiện đại. Đây cũng là một trong những lý do khiến du khách chưa ưu tiên quay trở lại tham quan rừng Sác hay dành thời gian dừng chân lâu hơn khi đến với Cần Giờ.

Một câu hỏi tiếp theo là nếu đến Cần Giờ thì liệu còn có gì khác ngoài di tích chiến khu rừng Sác?

Cần Giờ được biết đến là vùng biển có hải sản ngon do đặc thù cửa biển, nhưng biển Cần Giờ lại không hấp dẫn để tắm. Các nhà thiết kế city tour (tour trong thành phố) đã hướng tới những sản phẩm dân dã như tát mương bắt cá, ra biển cào nghêu bắt ốc theo lối hòa nhập đời sống bản địa. Nhưng ngay cả như vậy, những sản phẩm này cũng chưa thể hiện sức hấp dẫn và tính chuyên nghiệp so với các nhà vườn ở miền Tây.

Điều thuận lợi nhưng cũng là một áp lực lớn đối với Cần Giờ, đó chính là vị trí địa lý của huyện đảo này nằm rất gần TPHCM và Vũng Tàu. Khách chỉ tham quan Cần Giờ trong ngày, ăn uống hải sản, đi chợ Hàng Dương, Cần Thạnh mua hải sản làm quà, ghé lăng Ông Thủy Tướng rồi có thể đi xe về Sài Gòn trong chừng một tiếng đồng hồ, hoặc đi phà qua Vũng Tàu trong chưa đầy 30 phút. Vậy thì có lý do gì để khách ở lại Cần Giờ ban đêm, khi mà đêm xuống thì Cần Giờ đi ngủ sớm, không có dịch vụ gì đáng để dừng chân ngoài mấy hàng quán ăn nhậu, nướng hải sản dọc bờ biển?

Về tiềm năng tự nhiên, Cần Giờ có thể có nhiều gợi ý đến từ không gian sinh thái, từ lợi thế gần các trung tâm lớn để tổ chức những khu phố đêm, giúp du khách tạm thời “thoát ly” nhịp sống căng thẳng ở những đô thị lớn để tìm sự cân bằng và phục hồi sức khỏe.

Có thể ghi nhận là trong những năm gần đây, các cơ sở dịch vụ nghỉ dưỡng, lưu trú đã mọc lên khá nhiều ở đây và tương đối phong phú, bên cạnh những homestay ven biển, làm cho bộ mặt vành đai biển có thêm sự lựa chọn để níu chân du khách qua đêm. Nhưng câu hỏi “Cần Giờ cần gì?” thì vẫn còn đó.

Phải chăng ngoài cần sự quyết liệt hơn trong bảo vệ môi trường sinh thái đặc thù thì bên cạnh đó cũng cần sự tư duy lại để giúp hệ thống dịch vụ phát triển phong phú, sáng tạo, thức thời và chuyên nghiệp hơn, tương xứng hơn với tiềm năng và lợi thế đặc thù của Cần Giờ?

Nguyễn An Nam

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Hơn 50 quốc gia cam kết phát triển du lịch thân...

0
(SGTT) - Ngày 20-11, Liên Hiệp Quốc thông báo hơn 50 chính phủ đã ký tuyên bố chung thúc đẩy du lịch bền vững...

Di tích Pompeii ở Ý giới hạn 20.000 người tham quan...

0
(SGTT) - Khu khảo cổ Pompeii - nơi lưu giữ tàn tích của thành phố cổ La Mã ở miền Nam nước Ý, vừa...

Bàn cách xác định ‘dấu chân’ carbon để hướng đến du...

0
(SGTT) – Xác định "dấu chân" carbon, phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan và đảm bảo lợi ích cho cộng đồng...

Phác thảo lộ trình hướng tới du lịch bền vững của...

0
(SGTT) - Việc một số nước trên thế giới đang có quan điểm “phản đối phát triển du lịch quá mức” là cơ hội...

Hệ quả của ‘du lịch quá mức’ và giải pháp để...

0
(SGTT) - Hiện tượng phản đối du lịch quá mức cũng đã có nhưng chưa đáng báo động ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc...

Phát triển du lịch bền vững trên nền tảng ‘Triple Bottom...

0
(SGTT) -  Hậu Covid-19, chủ đề quá tải du lịch (overtourism) lại trở nên nhức nhối tại nhiều thành phố du lịch nổi tiếng...

Kết nối