Tháng 10 vừa qua, thị xã Tân Uyên đã chính thức được công nhận là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Bình Dương và đang tiếp tục hướng đến đô thị loại II vào năm 2020. Sự kiện này mở ra cơ hội cho thị trường bất động sản phát triển nhờ hệ thống hạ tầng, tiện ích được đầu tư ngày càng tốt hơn.
Cú hích từ đô thị loại III
Để trở thành đô thị loại III, Tân Uyên đã tập trung phát triển các ngành dịch vụ cao cấp, gắn với phát triển công nghiệp, đô thị. Thị xã Tân Uyên có diện tích hơn 19.000 ha với 12 xã, phường có chức năng là đô thị dịch vụ thương mại, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh BìnhDương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thời gian qua, bên cạnh việc nâng cấp hệ thống giao thông đô thị, Tân Uyên đã ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp – dịch vụ, đô thị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, văn minh, hiện đại. Cùng với đó, thị xã đã mở rộng Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, chỉnh trang các vùng sản xuất công nghiệp, quy hoạch hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại... Sắp tới, Tân Uyên sẽ quy hoạch phát triển du lịch sinh thái cù lao Rùa, cù lao Bạch Đằng, du lịch ven sông Đồng Nai và phát triển thêm mảng nông nghiệp đô thị.
Tân Uyên hiện có các khu công nghiệp gồm Nam Tân Uyên, Tân Uyên, Tân Hiệp, Uyên Hưng và Phú Chánh với tổng diện tích 1.900 ha. Các khu công nghiệp này được đang thu hút nhiều dự án tạo nên không gian đô thị công nghiệp hiện đại. Tính đến nay, Tân Uyên đang có 895 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 9.265 tỉ đồng và 546 doanh nghiệp nước ngoài với tổng vốn 3,659 tỉ đô la Mỹ. Ngoài ra, Tân Uyên còn tập trung phát triển các ngành dịch vụ có hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao.
Ông Trần Khắc Thạch, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Bình Dương, nhận định: “Tân Uyên đang là một trong những địa phương phát triển năng động và xây dựng được môi trường thu hút vốn đầu tư tốt nhất tại Bình Dương. Các khu công nghiệp trên địa bàn thị xã được đầu tư tốt, qua đó thu hút rất đông doanh nghiệp đến mở cơ sở sản xuất, kéo theo một lượng lớn lao động nhập cư đến làm việc, sinh sống. Cùng với ‘cú hích’ từ việc được công nhận là đô thị loại III, đây sẽ là điểm tựa giúp cho thị trường bất động sản phát triển bền vững vì nhu cầu nhà ở cũng như mặt bằng kinh doanh thương mại – dịch vụ rất lớn”.
Bất động sản đón đầu cơ hội
Thời gian qua, thị xã Tân Uyên đã quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025; quy hoạch chung xây dựng đô thị Nam Tân Uyên; quy hoạch phân khu 6 phường; quy hoạch nông thôn mới 6 xã... Mục tiêu của các quy hoạch này là đạt tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, đưa Tân Uyên thành đô thị văn minh, hiện đại.
Nhằm tạo động lực, Tân Uyên cũng tập trung phát triển hệ thống giao thông. Cùng với bốn tuyến đường tỉnh là ĐT742, ĐT746, ĐT747A, ĐT747B, 25 tuyến đường huyện, 194 tuyến đường khu vực, hệ thống giao thông nội đô trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn đều được đầu tư đồng bộ. Sắp tới, đường 30-4, tuyến phố đi bộ phường Uyên Hưng, đường ĐH 406, Công viên Uyên Hưng… sẽ tiếp tục được đầu tư nhằm đạt đô thị loại II vào năm 2020.
Mặt khác, theo Quy hoạch Phát triển du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2020, Tân Uyên sẽ là nơi phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng trên cù lao Bạch Đằng và cù lao Thạnh Hội. Về lâu dài, thị xã sẽ tập trung thu hút đầu tư cơ sở phục vụ du lịch như bến thuyền, nhà hàng, khách sạn; phát triển vườn cây trái đặc thù; tổ chức các lễ hội đua thuyền, lễ hội Hương Bưởi. Những yếu tố này sẽ tạo động lực cho thị trường bất động sản Tân Uyên phát triển.
Đón đầu cơ hội, gần đây nhiều doanh nghiệp bắt đầu tìm đến phát triển dự án bất động sản. Điển hình như khu dân cư Tuấn Điền Phát nằm trên trục đường ĐT 746 với quy mô 9,2 ha đáp ứng nhu cầu nhà ở của công nhân, giáo viên, chuyên viên làm việc khu công nghiệp Nam Tân Uyên; hay như dự án Hoàng Thái 2 tại phường Tân Phước Khánh có diện tích khoảng 4.603 mét vuông với đích ngắm hình thành một khu nhà ở hiện đại.
Đặc biệt, khu đô thị New Town 8 có quy mô 7,95 ha tọa lạc ngay ngay mặt tiền đường ĐT 747, trung tâm thị xã Tân Uyên và cách trung tâm thành phố mới Bình Dương, khu đô thị công nghiêp VSIP 2, đô thị Thuận An chỉ hơn 10 phút di chuyển. Dự án được quy hoạch đồng bộ với các tuyến đường rộng từ 13 - 33m, hệ thống điện âm, cấp - thoát nước riêng biệt… Lợi thế của New Town 8 là nằm liền kề Bệnh viện Đa khoa Tân Uyên 400 giường và khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng nên chủ nhân có thể dễ dàng xây nhà kinh doanh nhiều ngành nghề như nhà hàng, quán ăn, khách sạn, nhà thuốc Tây, tiệm tạp hóa… Được biết, hiện nay New Town 8 đang giao dịch với mức giá chỉ từ 680 triệu đồng/nền (có sổ đỏ riêng).
Mai Khôi