Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Cũ người mới ta

Vũ Yến

Môi trường Internet cũng là một nơi để hình thành những chợ ảo. Ở đó, không khó để tìm mua một món đồ đã qua sử dụng. Người chủ món đồ thu về một khoản tiền, còn những người có nhu cầu thì mua được các sản phẩm ưng ý, giá rẻ.

Túi cát cho mèo cũng có người mua

“Mua ti vi mới nên cần thanh lý ti vi cũ. JVC 21 inch, mới 90%..., bao xài một năm”; “Khuôn bánh bông lan, xuất xứ Sài Gòn, cao 7 cm, đường kính 21 cm, chất liệu gang, giá 280.000 đồng, giao hàng tận nơi miễn phí...”. Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều lời rao bán đồ cũ trên chợ trực tuyến (online). Dạo quanh một vòng các trang mạng chuyên bán hàng hóa hay các trang mạng xã hội cá nhân, các diễn đàn... không khó để tìm một món hàng đã qua sử dụng được rao bán. Ở đó, người ta rao bán từ cây bút, chiếc USB đến cả con mèo, con chuột. Tất nhiên, vì là hàng đã qua sử dụng nên các sản phẩm này có mức giá bằng một nửa hoặc thấp hơn nhiều so với giá hàng mới.

Chị Trâm Anh (quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, chị có bốn bộ đồ chơi Barbie chính hãng mua cách đây sáu năm với giá gần 2 triệu đồng, được giữ cẩn thận nên còn mới. Đồng thời có một chiếc lồng đã sử dụng cho mèo và một túi cát dùng cho mèo chỉ mới cắt bao bì, chưa sử dụng. Vì không sử dụng nữa, bỏ đi thì tiếc nên chị đã rao bán trên mạng. Chỉ một ngày sau khi đăng tin, chị nhận được hàng chục cuộc gọi và những món đồ kia đã đổi chủ. “Tôi khá bất ngờ vì có thứ tưởng không ai mua là túi cát dùng cho mèo cũng có người hỏi mua”, chị Trâm Anh nói.

Một “phiên giao dịch” giữa người bán – chị Như Ý (trái) và khách hàng với những món đồ đã qua sử dụng.             Ảnh: Thành Hoa
Một “phiên giao dịch” giữa người bán – chị Như Ý (trái) và khách hàng với những món đồ đã qua sử dụng. Ảnh: Thành Hoa

Anh Lưu Khiêm, quận Gò Vấp, TPHCM kể, anh có nhu cầu mua một chiếc máy tính hiệu Macbook Air cho vợ. Vì chưa có điều kiện mua hàng mới nên anh săn lùng hàng đã dùng rồi trên mạng và khi đến xem hàng trực tiếp thì anh đã chọn được chiếc máy có giá 16 triệu đồng. “Máy còn tốt dù vỏ ngoài có móp một vết nhỏ, tôi thấy hài lòng về chiếc máy này với số tiền bỏ ra”, anh Khiêm nói.

Nguyên tắc thứ nhất: Người quen

Chị Thanh Xuân (quận 1, TPHCM), một người chuyên bán những sản phẩm đồ hiệu trên mạng xã hội cho biết, đồ cũ hàng hiệu như quần áo, giày dép, kính, thắt lưng, mỹ phẩm, túi xách... luôn được nhiều người săn lùng. Theo chị, những món đồ hàng hiệu rao bán là những món người dùng không còn cần đến hoặc đã chán do có “đồ chơi” mới. Bên cạnh đó, bán đi để “thu hồi vốn” cũng là một cách duy trì tài chính nhằm mua những món đồ mới. Những người mua đa số là bạn bè, người quen, đồng nghiệp, còn người lạ là do truyền miệng từ những người quen này.

Chị Phạm Thị Như Ý (Bến Vân Đồn, quận 4, TPHCM) thì cho biết, chị thường xuyên đăng thông tin bán các món hàng đã qua sử dụng tại một số diễn đàn. Theo chị, sau khi đăng hình ảnh cũng như giá cả sản phẩm, khách thích thì gọi điện hẹn gặp. Nếu ưng ý thì mới nhận hàng, trao tiền. “Có người mua xong thành bạn bè, lần sau lại nhắn tin hỏi có bán đồ tiếp không. Vì không nhằm mục đích kinh doanh mà chỉ là trao đổi, thanh lý hàng cũ nên quá trình giao dịch rất vui vẻ”, chị Như Ý chia sẻ.

Người bán hào hứng thì người mua cũng hài lòng vì tìm được món đồ ưng ý với giả cả hợp túi tiền. Như trường hợp chị Thùy Trang, là một nhân viên văn phòng, thu nhập không cao nên thỉnh thoảng chị vẫn mua quần áo, giày dép hàng hiệu cũ từ bạn bè hoặc qua lời giới thiệu. “Cũ người mới ta, những món đồ cũ này giúp tôi tiết kiệm được khoản tiền kha khá mà vẫn được xài đồ tốt, đồ hiệu”, chị Trang nói.

Nguyên tắc thứ hai: Phải có kinh nghiệm

Đối với những trang web chuyên bán hàng, như một ngôi chợ trên mạng thì khác, dù các thành viên có trao đổi, truyền kinh nghiệm mua bán cho nhau nhưng không vì thế mà món hàng giao dịch luôn đúng với sự tin tưởng. Với anh Khiêm, kinh nghiệm là muốn mua hàng gì thì vào trang mạng mà nơi đó lĩnh vực hàng hóa được người bán tập trung như một cộng đồng. Khi vào trang rồi, cũng cần quan sát, chú ý xem người bán đã bán hàng nhiều lần chưa, có uy tín không. Thông thường người bán sẽ để lại số điện thoại, mình lên mạng tra cứu thử xem số điện thoại đó có vấn đề gì hay không, có bị ai đó phàn nàn chưa. Với món đồ định mua, nếu bản thân không có kiến thức, không rành thì nên nhờ người có hiểu biết đi xem cùng. Đồng thời so sánh giá cả thị trường, máy mới thì bao nhiêu, máy cũ thì giá bao nhiêu... để có sự lựa chọn hợp lý nhất.

Tại trang web www.choto..., kinh nghiệm mua bán hàng hóa được chia sẻ công khai từ quản lý để các thành viên theo đó mà trang bị thêm kinh nghiệm. Ví dụ, không bao giờ trả tiền trước cho người bán mà mình không biết, cho dù người bán tiết lộ thông tin cá nhân hoặc số tài khoản ngân hàng. Khi có thể, yêu cầu biên nhận gốc và một biên nhận trên giấy về việc mua bán. Hẹn gặp ở nơi công cộng. Nếu mua hàng hiệu, hãy gặp mặt tại cửa hàng để nhờ xác minh, tránh mua phải hàng giả...

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Vì đâu giới trẻ lại chuộng ‘đồ cũ’?

0
(SGTT) - Hiện nay, xu hướng sắm đồ thời trang secondhand (đồ đã qua sử dụng, hay còn gọi là “hàng thùng”, “đồ sida”)...

Thị trường đồ cũ Việt Nam có thể đạt hơn 5...

0
(SGTT) - Việc ngày càng nhiều người tiêu dùng trong nước tái sử dụng đồ cũ đã thúc đẩy thị trường mua bán đồ...

“Lên đời” cho đồ cũ

0
(SGTT) – Hiện nay, các tín đồ thời trang đặc biệt là giới trẻ ưa chuộng loại quần cũ đã qua sử dụng vì...

Kiếm bộn tiền từ đống đồ cũ

0
Quần áo đã qua sử dụng, hay còn gọi là hàng si, hiện vẫn có nhóm khách hàng riêng của mình. Nhiều cửa hàng...

Kết nối