(SGTT) - Bên cạnh tuyến du lịch ven biển Phú Yên với hàng loạt địa danh quen thuộc như vịnh Xuân Đài, gành Đá Dĩa, nhà thờ Mằng Lăng, đầm Ô Loan, tháp Nghinh Phong, Mũi Điện, Vũng Rô… khách du lịch tiếp tục khám phá tuyến du lịch phía Tây của địa phương “mới nổi” trên bản đồ du lịch này với cao nguyên Vân Hòa được xem như một “Đà Lạt thứ hai”. Và những thác, những vực, những “gành Đá Dĩa” trên cạn của vùng đất gạch nối giữa miền duyên hải với Tây Nguyên này lại tiếp tục thu hút du khách, trong đó có thác Jrai Tang.
- Phú Yên chuẩn bị hồ sơ nộp UNESCO để được công nhận Công viên địa chất toàn cầu
- Khám phá cảnh đẹp trên cung đường ven biển Phú Yên
- Bất ngờ vẻ đẹp của thác Vực Song, Vực Hòm ở xứ sở hoa vàng cỏ xanh
Nhìn từ trên cao, thác Jrai Tang tựa như mái tóc dài óng ả của một thiếu nữ Ê đê. Jrai Tang nằm trên suối Trol Na, bắt nguồn từ nhiều dòng chảy nhỏ trên dãy núi Hòn Đen đổ về.
Xung quanh suối Trol Na có nhiều ngọn núi cao bao bọc, hai bên bờ suối là rừng tự nhiên với nhiều cây cổ thụ và hoa trang rừng. Khu vực suối có nguồn nước quanh năm và không khí trong lành, mát mẻ.
Thác Jrai Tang có chiều dài trên 1.500m, chiều rộng trung bình 400m do đặc điểm địa hình phần lớn là núi thuộc dãy Trường Sơn và có độ cao từ 500 - 1000m, dưới lòng suối có nhiều gộp đá chồng lên nhau, có nơi bằng phẳng, rộng từ 3 - 5m2, được dòng chảy bào mòn qua năm tháng.
Vì độ cao không chênh lệch lớn và có nhiều núi nên khi dòng nước đổ xuống uốn lượn tạo ra nhiều thác nhỏ, phía dưới thác là hồ nước sâu và rộng, rất thích hợp để bơi lội.
Đặc biệt vào tháng 2 âm lịch hàng năm, hoa trang dọc hai bên bờ suối nở rộ, làm cho “mái tóc dài óng ả của thiếu nữ Ê Đê” được điểm tô thêm giữa cảnh quang hùng vĩ, xinh đẹp, quyến rũ đến lạ thường.
Thác Jrai Tang nằm trong khu vực sinh sống lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số Ê đê bản địa, có nhiều giá trị di sản như các lễ, hội bỏ mả, xây cột, cầu mưa, cúng bến nước, cúng trưởng thành, mừng lúa mới…
Cách thác Jrai Tang 3km là buôn Ly, nơi sinh sống của số đông đồng bào dân tộc thiểu số Ê đê. Họ xem dòng nước suối Trol Na và thác Jrai Tăng như nguồn sữa từ mẹ thiên nhiên ban tặng, không những cung cấp nước sinh hoạt, nước tưới tiêu mà còn cho họ con cá, con ốc, con cua, nhiều loại rau, củ, quả rừng…
Jrai Tang cũng là một trong những nơi khơi nguồn cho lễ cúng bến nước của cộng đồng Ê Đê - Sông Hinh.
Chính những “chất liệu” du lịch đậm chất hoang sơ, bản địa ấy, Jrai Tang từ một địa danh chỉ cộng đồng bản địa biết đến, giờ dần trở thành địa điểm thu hút khách du lịch đến tham quan, nghỉ mát, nhất là vào dịp lễ và cuối tuần.
Thác Jrai Tang còn là điểm có thể kết nối với di tích thắng cảnh cấp tỉnh thác H’Ly, điểm du lịch văn hoá cộng đồng buôn Lê Diêm và một số điểm tham quan khác trên địa bàn Sông Hinh.
Đã có một doanh nghiệp và hai hộ ở địa phương đang khai thác du lịch tại thác Jrai Tang. Việc khai thác, phát huy giá trị nhiều mặt của thác Jrai Tang thành điểm du lịch sinh thái không chỉ đánh thức tiềm năng du lịch miền Tây Phú Yên, mà còn tạo việc làm, thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, vừa góp phần bảo vệ rừng, cảnh quan thiên nhiên.
Thác Jrai Tang chỉ cách trung tâm thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh 7km, cách Quốc lộ 19C 5km, cách trung tâm thành phố Tuy Hoà và sân bay Tuy Hoà khoảng 72 km.
Không chỉ được ngắm cảnh quan hùng vĩ giữa miền duyên hải, đắm mình giữa dòng suối mát trong lành, đến Jrai Tang du khách còn được thưởng thức nhiều sản vật địa phương như heo đen, bò nướng ống tre, canh bồi, canh lá sắn, các loại cá ở hồ thuỷ điện Sông Hinh (câu “cọp núi Lá, cá Sông Hinh” đã nổi tiếng từ xưa), cá ở thuỷ điện sông Ba Hạ, bò vàng, bò một nắng… Và lắng nghe những thanh âm của ngàn xưa vọng về qua những trường ca, những điệu xoan trầm bỗng giữa núi rừng.
Ngành du lịch đang tiến hành các thủ tục để được công nhận Jrai Tang là điểm du lịch sinh thái trên bản đồ du lịch Phú Yên.
Như Đông - Trung Dũng - Phong Điền