(SGTT) - Trong bối cảnh ngành du lịch nỗ lực thu hút khách quốc tế, tại khuôn khổ sự kiện “Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam 2022” diễn ra hôm 8-8 tại TPHCM, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển du lịch, đã đưa ra bảy xu hướng du lịch quốc tế ở Việt Nam sau dịch Covid-19. Theo đó, các xu hướng du lịch an toàn, trở về với thiên nhiên, du lịch phục hồi sức khỏe… được dự báo thu hút nhiều khách nước ngoài trong thời gian tới.
- Thu hút khách quốc tế thông qua chuyển đổi số trong du lịch
- Liên kết là ‘yếu tố sống còn’ với du lịch sau dịch
Đây là cơ sở để đưa ra những giải pháp nhằm “hiện thực hóa” mục tiêu đạt 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022 của ngành du lịch Việt Nam.
Xu hướng du lịch ngoài trời, trở về với thiên nhiên
Du khách quốc tế ngày càng tìm đến những nơi còn giữ được nét hoang sơ để khám phá, trải nghiệm từ vùng núi xuống miền biển, thưởng ngoạn cảnh quan ngoài trời, tắm nắng, hít thở không khí trong lành, hòa mình vào không gian tự nhiên, giàu giá trị về sức khỏe tinh thần.
Yếu tố an toàn trong du lịch
Khách du lịch sẽ ưu tiên lựa chọn điểm đến có mức độ dịch thấp, hệ thống y tế tốt, những dịch vụ, điểm du lịch đảm bảo quy định về vệ sinh an toàn phòng chống dịch. Bên cạnh đó, du khách sẽ có xu hướng chọn những nơi riêng tư, có sự cách biệt để hạn chế tiếp xúc đông người.
Xu hướng du lịch phục hồi sức khỏe
Được nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe, thư giãn, phục hồi hoàn toàn sau khi nhiễm bệnh sẽ là một trong những nhu cầu du khách muốn hướng tới. Du khách còn quan tâm đến vấn đề vệ sinh, môi trường điểm đến, cơ sở lưu trú, nhà hàng… vì những yếu tố này ảnh hướng trực tiếp đến sức khỏe của họ, phần nào tác động đến thay đổi quyết định đặt dịch vụ của du khách.
Xu hướng lựa chọn phương thức di chuyển
Du khách quốc tế có xu hướng chọn phương tiện di chuyển mang tính riêng tư, bằng cách thuê xe riêng (xe máy, ô tô) nhằm giảm tải tiếp xúc, đảm bảo an toàn. Ngoài ra, các phương tiện đầy đủ tiện nghi, đi nhanh như máy bay, tàu cao tốc... cũng được ưa chuộng bởi thời gian di chuyển ít, giúp du khách có nhiều thời gian tham quan tại điểm đến.
Du lịch gắn với công nghệ cao
Đại dịch đã làm tăng tốc độ ứng dụng công nghệ trong ngành du lịch, du khách ở mọi lứa tuổi. Điều này cho phép các công ty du lịch tương tác với nhau, công ty tương tác với du khách và ngược lại trong việc tìm kiếm, trao đổi thông tin, ứng dụng công nghệ, phần mềm số trong việc đặt dịch vụ, thực hiện mua bán, thanh toán bằng các đồng tiền điện tử, ngân hàng trực tuyến một cách nhanh chóng, thuận tiện.
Sản phẩm du lịch mới
Thay vì chọn những sản phẩm du lịch truyền thống, sau đại dịch, nhiều du khách hướng đến sản phẩm du lịch mới nhằm trải nghiệm bằng hình thức trực tiếp hoặc online. Các loại hình du lịch mới có thể kể đến như: du lịch tu dưỡng tâm hồn, du lịch ngay tại địa phương sở tại (staycation), du lịch y tế hậu Covid-19, tour online mọi nơi trên thế giới, du lịch áp dụng công nghệ tự động hóa, du lịch thông minh, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch xanh, du lịch trải nghiệm kết hợp đào tạo kỹ năng (Ed-ventures).
Tính linh hoạt trong quá trình du lịch
Khoảng cách vùng miền, quốc gia, ngôn ngữ, hạn chế mà dịch bệnh mang lại khiến nhiều du khách thường không chắc chắn trong việc chọn điểm đến du lịch. Do vậy, yếu tố linh hoạt của các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch rất quan trọng, và được du khách ưu tiên xem xét. Đó bao gồm các dịch vụ tour, vé máy bay, phòng lưu trú, vé tham quan, hướng dẫn viên…
Nguyễn Phong