Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Khi các ứng dụng nhắn tin bắt đầu thu phí…

Sau thời gian phát triển cộng đồng, các ứng dụng nhắn tin đều liên kết với bên thứ 3 để phân phối các dịch vụ và thu phí từ mô hình doanh thu liên kết. Bước tiếp theo, các bên phát triển tính năng nâng cao, đặc thù cho từng nhóm người dùng và thu phí từ họ. Đối tượng nào sẽ được chọn để thu phí tùy thuộc đặc điểm thị trường từng khu vực. Với Zalo, nhóm thích hợp là khách hàng doanh nghiệp, thay vì cá nhân như Snapchat hay Telegram.

Nhiều ứng dụng “rục rịch” thu phí

Chỉ tính riêng trong tháng 6-2022, ba ứng dụng nhắn tin OTT (Over The Top messaging – ứng dụng nhắn tin trực tiếp đến người dùng qua Internet) là Telegram, Snapchat và Zalo đã có động thái công bố các gói dịch vụ có thu phí. Trong đó Telegram công bố gói Telegram Premium với giá 4,99 đô la Mỹ/tháng, tương đương hơn 110.000 đồng/tháng; Snapchat cũng có thêm gói Snapchat Plus với giá 3,99 đô/tháng, tương đương gần 100.000 đồng/tháng. Ứng dụng còn lại là ứng dụng “quốc dân” Zalo cũng đưa ra gói Zalo Business Account với giá 84.000 đồng/tháng cho phiên bản tiêu chuẩn (Standard).

Trước đó, nhiều ứng dụng khác cũng đã phát triển các tính năng thu phí như Twitter (gói Twitter Blue) hay WhatsApp (gói WhatsApp Premium).

Việc thu phí từ các dịch vụ nhắn tin OTT không phải là mới khi nhiều ứng dụng lớn trên thế giới như Viber, WeChat… đều đã có tính năng thu phí từ nhiều năm trước. Tuy nhiên việc trả phí cho ứng dụng vẫn còn khá mới mẻ với người dùng châu Á nói chung và người dùng Việt Nam nói riêng.

Thu phí là tất yếu

Giải thích cho vấn đề này, đầu tiên cần phải quay lại với mô hình kinh doanh của các ứng dụng nhắn tin OTT.

Nhìn chung việc thu phí của các ứng dụng OTT đều tập trung vào ba nhóm đối tượng: (1) Các bên cung cấp dịch vụ thứ 3 như đơn vị quảng cáo, đối tác thương mại điện tử; (2) Người dùng là khách hàng doanh nghiệp và (3) Người dùng là khách hàng cá nhân. Với mỗi nhóm đối tượng, các ứng dụng OTT sẽ phát triển các tính năng thu phí như dưới đây.

Ban đầu, các ứng dụng OTT đều phát triển các tính năng hữu ích, hấp dẫn và cho sử dụng miễn phí để xây dựng cộng đồng người dùng lớn mạnh (Network effect). Sau đó, các ứng dụng này sẽ bắt đầu liên kết với các bên thứ 3 để phân phối các dịch vụ quảng cáo, thương mại điện tử, thanh toán… và thu phí từ mô hình doanh thu liên kết. Tiếp theo, các ứng dụng sẽ tiếp tục phát triển các tính năng nâng cao và đặc thù cho một số nhóm người dùng và tiến tới thu phí nhóm này từ việc đăng ký tài khoản.

Với mỗi ứng dụng nhắn tin OTT, họ sẽ có những cách thức phát triển nguồn thu khác nhau. Lấy ví dụ, Facebook tập trung nhiều nhất vào doanh thu đến từ quảng cáo (Facebook ads). Trong khi ứng dụng WeChat lại phát triển rất mạnh thương mại điện tử và hỗ trợ thanh toán qua Wechat Pay và tài khoản của người dùng doanh nghiệp (Official Account).

Chiến lược thu phí phân hóa theo từng khu vực

Mặc dù đều phát triển tính năng thu phí nhưng tùy đặc điểm của từng quốc gia hay khu vực mà các công ty này sẽ đưa ra chiến lược thu phí khác nhau. Về mặt thói quen người dùng, có sự phân biệt rõ ràng giữa khu vực châu Âu, châu Mỹ và châu Á.

Việc lựa chọn trả phí hay không vẫn sẽ tùy thuộc vào nhu cầu người dùng, thường thì nếu như giá trị mà ứng dụng mang lại tương xứng…

Với người dùng châu Âu và châu Mỹ, việc sử dụng tính năng nhắn tin của ứng dụng chủ yếu là phục vụ cho nhu cầu cá nhân và kết nối xã hội. Do đó vai trò của các ứng dụng nhắn tin OTT cơ bản sẽ như một ứng dụng trò chuyện cá nhân thông thường. Trong khi đó các ứng dụng này đóng vai trò không đáng kể với doanh nghiệp khi hình thức làm việc và liên lạc được chấp nhận chủ yếu vẫn qua trang web, e-mail và điện thoại.

Ngược lại, với người dùng châu Á, các ứng dụng nhắn tin OTT được sử dụng cho cả mục đích cá nhân và kinh doanh, theo đó OTT vừa là ứng dụng để người dùng trò chuyện với bạn bè, người thân, đồng nghiệp, vừa là kênh quảng bá và giới thiệu sản phẩm cho doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp có thể nhanh chóng phản hồi và chăm sóc khách hàng qua ứng dụng nhắn tin OTT được xem là một chuẩn mực thể hiện sự tận tâm và chuyên nghiệp trong cách doanh nghiệp xử lý vấn đề của khách hàng.

Chính sự khác biệt ở từng khu vực sẽ quyết định cách các ứng dụng nhắn tin OTT đưa ra các sản phẩm dịch vụ như thế nào và tiến hành thu phí từ những sản phẩm dịch vụ đó. Với các khu vực phát triển trọng tâm vào nhóm khách hàng doanh nghiệp như châu Á, các tính năng liên quan đến nhận diện thương hiệu, chatbot chăm sóc khách hàng hay các tính năng thanh toán sẽ là các tính năng được phát triển với mục đích thu phí. Trong khi đó, với những khu vực tập trung vào nhóm người dùng cá nhân, các tính năng hỗ trợ về ẩn quảng cáo, sticker cá nhân, dịch vụ lưu trữ, nhạc chuông… sẽ là các tính năng chính để áp dụng tính phí.

Trả phí khi giá trị mang lại tương xứng

Vượt xa khỏi các tính năng ban đầu về nhắn tin, giờ đây các ứng dụng nhắn tin OTT đã phát triển được các hệ sinh thái về sản phẩm và người dùng phong phú, trở thành những “siêu ứng dụng” có thể đáp ứng được các nhu cầu đa dạng từ liên lạc, mạng xã hội đến mua sắm, thanh toán, bán hàng và hơn thế nữa.

Đây cũng là cơ sở để mô hình thu phí từ việc đăng ký tài khoản dần trở nên phổ biến khi các ứng dụng này đã có khả năng đóng gói được các tính năng của mình thành những sản phẩm mang lại giá trị cho người dùng. Tuy nhiên, việc lựa chọn trả phí hay không vẫn sẽ tùy thuộc vào nhu cầu người dùng, bản thân các ứng dụng vẫn đang duy trì bản miễn phí với đầy đủ các tính năng cơ bản phù hợp với nhu cầu của phần đông người sử dụng và người dùng sẽ chỉ phải trả phí khi họ cần đến những tính năng cao cấp hơn.

Trịnh Minh
Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Ứng dụng công nghệ, chia sẻ cơ sở dữ liệu trong...

0
(SGTT) - Bộ Giao thông vận tải vừa phê duyệt đề án ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý...

Sau Uber, Baemin, đến lượt Gojek ngừng hoạt động tại Việt...

0
(SGTT) - Dịch vụ xe công nghệ Gojek thông báo sẽ ngừng hoạt động tại thị trường Việt Nam từ giữa tháng 9 này...

Cảnh báo giả mạo văn bản trên ứng dụng VssID

0
(SGTT) - Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ra thông báo tình trạng giả mạo văn bản, yêu cầu cập nhật ứng dụng...

Từ 1-8 có thể đăng ký xe qua ứng dụng VneID...

0
(SGTT) - Cục Cảnh sát giao thông sẽ tiến hành đăng ký xe lần đầu bằng dịch vụ công trực tuyến toàn trình với...

Ra mắt Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online mini app...

0
(SGTT) - Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online chính thức ra mắt ứng dụng...

Nhà hàng tìm cách thích nghi khi các ứng dụng đồ...

0
(SGTT) - Cuộc chiến của các ứng dụng giao đồ ăn, đặt món trực tuyến (Food Apps) ngày càng cạnh tranh hơn khi chỉ...

Kết nối