Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, gây sức ép lên chi phí sinh hoạt, người tiêu dùng ở châu Âu và Mỹ bắt đầu hạn chế mua các sản phẩm tiêu dùng của thương hiệu nổi tiếng. Thay vào đó, khách hàng tăng mua sản phẩm mang thương hiệu của các nhà bán lẻ (siêu thị, cửa hàng) hay còn gọi là nhãn hàng riêng (private label brand), có giá bán mềm hơn.
- Đến siêu thị dùng bữa: ngày càng được lòng thực khách Việt
- Hàng hóa đầy kệ, TPHCM yêu cầu siêu thị bán đồ ăn sẵn cho người dân
Một số nhà sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới sẽ đối mặt với doanh số bán hàng sụt giảm trong những tháng tới khi người mua sắm chuyển sang các thương hiệu riêng của siêu thị có giá bán rẻ hơn để tiết kiệm chi phí trong thời kỳ bão giá.
Các nhà sản xuất thực phẩm và sản phẩm gia dụng đa quốc gia, bao gồm Unilever và Danone sắp công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm, với kết quả dự báo khả quan. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, những công ty này sẽ ghi nhận doanh số bán hàng giảm trong những tháng tới vì doanh số nhãn hàng riêng của các siêu thị đã bắt đầu tăng.
Những nhà phân tích tại Ngân hàng Jefferies cho biết, các nhãn hàng riêng đã tăng thị phần trên khắp châu Âu trong bốn tuần qua, trái ngược với đà sụt giảm thị phần vào trước năm nay.
Theo đó, nhiều hộ gia đình ở châu Âu đang dần giảm mua các sản phẩm sữa chua, cà phê, snack, kem, thịt đông lạnh và giấy của các thương hiệu nổi tiếng để chuyển sang sử dụng nhãn hàng riêng của các siêu thị. Các nhãn hàng riêng đã tăng 1,1 điểm phần trăm thị phần ở châu Âu trong bốn tuần qua, so với mức tăng chỉ 0,38 điểm phần trăm trong năm qua.
Tại Mỹ, các sản phẩm nhãn hiệu riêng của siêu thị đã tăng thị phần trong bốn tháng liên tiếp tính đến giữa tháng 6, theo các nhà phân tích của Ngân hàng đầu tư Stifel. Sự gia tăng thị phần này diễn ra sau hai năm “liên tục mất thị phần” của các nhãn hàng riêng.
Christopher Growe, nhà phân tích tại Stifel, nói “Sự tăng trưởng của nhãn hàng riêng là một mối đe dọa dai dẳng với các công ty thực phẩm lớn và có thể tiếp tục là mối đe dọa đối với họ trong vòng 5 đến 10 năm tới”.
Ngân hàng Berenberg cho biết doanh số bán hàng tại các công ty hàng tiêu dùng lớn nhất toàn cầu ổn định trong quý đầu tiên của năm và dự báo số liệu kinh doanh tương đối khả quan cho quý thứ hai. Tuy nhiên, ngân hàng này cảnh báo doanh số sẽ giảm trong những tháng còn lại của năm.
Berenberg dự báo, doanh số của tập đoàn hàng tiêu dùng nhanh Unilever (Anh), hãng thực phẩm và đồ uống Danone (Pháp); hãng đồ uống JDE Peet (Hà Lan), tập đoàn hàng tiêu dùng Henkel của Đức và nhà sản xuất đồ ăn nhẹ Mondelez sẽ giảm 3% trong nửa cuối năm nay.
Các nhà phân tích của Berenberg cho biết, nhà sản xuất thực phẩm lớn nhất thế giới Nestlé và tập đoàn mỹ phẩm L’Oréal sẽ gặp ít gặp rủi ro hơn.
Nhà phân tích James Targett của Berenberg cho biết, Unilever đối mặt với rủi ro cao nhất trong xu hướng người tiêu dùng giảm mua sản phẩm của thương hiệu nổi tiếng để chuyển sang các nhãn hàng riêng. Các mặt hàng của Unilever có nguy cơ bị mất thị phần bao gồm sữa rửa mặt, xà phòng rửa tay, chất tẩy rửa gia dụng, nguyên liệu nấu ăn, chất khử mùi, bột giặt và kem. Các nhà phân tích của Jefferies lưu ý, Danone cũng dễ bị tổn thương trong thời kỳ lạm phát tăng cao.
Một cuộc khảo sát của Berenberg đối với người tiêu dùng Anh cho thấy, một nửa số người được hỏi dự kiến sẽ thôi sử dụng sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng. Trong khi đó, 58% nói rằng đang cân nhắc chuyển sang các nhãn hàng riêng.
Các chủ sở hữu của các thương hiệu toàn cầu đã và đang tăng giá khi chi phí hàng hóa, nhân công và vận tải tăng mạnh. Trong quý đầu tiên, các công ty tiêu dùng đa quốc gia cho biết đã tăng giá khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Chủ sở hữu của các thương hiệu toàn cầu đã phải tăng giá khi chi phí hàng hóa, nhân công và vận tải tăng mạnh. Trong quý đầu tiên, các hãng kinh doanh hàng tiêu dùng nhanh đa quốc gia cho biết, đã tăng giá bán các sản phẩm khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu năm của Unilever, Mondelez, Danone, Nestlé và Procter & Gamble vào cuối tháng này sẽ cho thấy liệu những doanh nghiệp này có khả năng chuyển chi phí tăng thêm sang khách hàng mà không bị mất mát doanh số hay không.
Trong khi giá cả hàng hóa đã giảm phần nào so với mức cao của năm nay, các tập đoàn hàng tiêu dùng vẫn còn những chi phí phụ trội lớn để chuyển sang cho khách hàng vốn đang chi tiêu tiết kiệm hơn trong thời buổi lạm phát tăng nhanh.
Nhà phân tích James Targett cho rằng, châu Âu có tỷ lệ thâm nhập nhãn hàng riêng cao nhất. Vì vậy, đây rõ ràng sẽ là thị trường dễ bị tổn thương nhất đối với xu hướng chuyển sang sử dụng các nhãn hàng riêng. Trong khi đó, người tiêu dùng Mỹ vẫn còn nhiều lựa chọn hơn đối với sản phẩm giá rẻ của các thương hiệu nổi tiếng.
Khánh Lan
Theo Financial Times, KTSGO