Theo đại diện Sở Y tế TPHCM, hiện tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TPHCM đã được kiểm soát và rất ít trường hợp chuyển nặng nên một số loại thuốc đặc trị trong điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 vẫn đang còn tồn kho. Vì vậy, các vật tư y tế và thuốc sẽ được điều chuyển cho những bệnh viện khác sử dụng để tránh lãng phí.
- Thiếu thuốc điều trị sốt xuất huyết, bệnh viện ‘khó kham nổi lâu dài’
- Hơn 90% nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước phải nhập khẩu
Tồn kho thuốc điều trị cho bệnh nhân Covid-19
Ngày 14-7, tại buổi họp báo thông tin về dịch Covid-19 và các vấn đề kinh tế – xã hội ở TPHCM, thông tin về phương án xử lý tồn kho các loại thuốc và vật tư y tế chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, cho biết thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại TPHCM có được từ hai nguồn.
Nguồn thuốc thứ nhất từ tài trợ, viện trợ được phân bổ từ Bộ Y tế như Remdesivir, Molnupiravir… là các thuốc đặc trị trong điều trị cho người bệnh mắc Covid-19.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TPHCM cơ bản được kiểm soát và rất ít trường hợp chuyển nặng. Vì vậy, các thuốc này hiện vẫn đang còn tồn. Sở Y tế TPHCM đang thống kê và xin ý kiến chỉ đạo từ Bộ Y tế.
Nguồn thuốc từ hai từ mua sắm tại các bệnh viện. Theo bà Như, đối với các thuốc mua sắm trong phòng, chống dịch nếu sử dụng không hết các bệnh viện thương lượng để các nhà cung cấp nhận lại và cung ứng cho các đơn vị khác. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng hướng dẫn cho phép chuyển mục đích sử dụng hoặc điều chuyển cho các bệnh viện khác sử dụng nhằm mục đích tránh lãng phí.
Về trang thiết bị vật tư y tế, bà Quỳnh Như cho biết, sau khi dịch Covid-19 tại TPHCM tạm thời được kiểm soát, Sở Y tế đã tham mưu UBND TPHCM kế hoạch giải thể các bệnh viện dã chiến theo lộ trình và tái cấu trúc các bệnh viện vừa khám chữa bệnh thông thường vừa sắp xếp thành lập các khoa Covid-19 trong bệnh viện.
Cùng với đó, Sở Y tế TPHCM và các bệnh viện thống kê và điều chuyển các trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch Covid-19 trước đây về lại các bệnh viện để vừa phục vụ công tác khám chữa bệnh thông thường và vừa phục vụ cho công tác phòng chống dịch nhằm tránh lãng phí.
Một số loại thuốc đặc trị trong điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 tại TPHCM vẫn đang còn tồn.
Đã gửi tiền thưởng đến hơn 25.000 nhân viên y tế
Vấn đề khen thưởng lực lượng phòng, chống dịch Covid-19, theo Phó chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, trước đó, Sở Y tế thành phố đã có tờ trình dự trù khen thưởng 40.000 cá nhân căn cứ trên số lượng nhân viên y tế tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TPHCM. Tuy nhiên, sau đó danh sách thực tế các đơn vị đề xuất khen thưởng gửi về Sở Y tế là khoảng 29.000 cá nhân.
Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, Sở Y tế TPHCM đang khẩn trương gửi giấy khen qua đường chuyển phát nhanh và gửi tiền thưởng đến 29.000 cá nhân này.
Theo bà Như, tính đến thời điểm hiện tại Sở Y tế đã gửi tiền thưởng đến 25.840 cá nhân thông qua tài khoản 176 đơn vị (là các Sở Y tế tỉnh, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ quốc phòng, các trường học) và sẽ hoàn tất việc gửi tiền thưởng trong tuần này.
Trước đó, ngày 29-6, Sở Y tế TPHCM cho biết đã có văn bản đề xuất khen thưởng cho hơn 40.000 nhân viên y tế với tổng kinh phí khoảng 19 tỉ đồng, nhưng Ban thi đua – Khen thưởng nói chỉ có giấy khen, không có kinh phí.
Cũng tại buổi họp của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố diễn ra ngày 5-7, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, có người nói nguyên nhân xuất phát từ kỹ năng làm việc, có ý kiến cho rằng thuộc về vấn đề trách nhiệm và nhiều luồng ý kiến khác. Bí thư Thành ủy TPHCM nhìn nhận, vụ việc chậm khen thưởng nhân viên y tế chống dịch Covid-19 là điều “vừa buồn, vừa hổ thẹn” bởi đây là việc quan trọng mà thành phố phải tìm mọi cách làm bằng được.
Minh Thảo
Theo KTSG Online