(SGTT) - Quê tôi lại sắp vào mùa hè nắng nóng, nhưng cũng là mùa vui như trẩy hội, bởi mới sáng sớm tinh mơ, đường thôn ngõ xóm đã rộn ràng với cảnh đàn ông, đàn bà, trai có, gái có, đang chuẩn bị vật dụng để xuống các khe, suối bắt hến về chế biến các món ăn bởi đang là mùa “mít non gửi xuống, hến nguồn nấu canh”.
- Cháo hến dân dã mà ngon
- Bản đồ ẩm thực: Đậm đà vị hến sông La đất Hà Tĩnh
- Dân dã món cá "bay" kho mít non xứ Quảng
Theo đó, canh hến là món ăn ngon miệng, bổ dưỡng bởi thịt hến là nguồn cung cấp vitamin, chất khoáng có ích cho cơ thể. Thịt loài này có thể chế biến cùng nhiều loại rau như bầu, cà chua, mướp... nhưng hợp vị với gia đình tôi nhất có lẽ là canh hến mít non.
Cứ vào khoảng tháng 3-4 Âm lịch, khi nghe con tu hú gọi bầy vang vọng trên không trung trong buổi chiều quê với điệp khúc “tu hú – tu hú”, thì cũng là lúc bắt đầu một mùa mít non đeo lủng lẳng trên cành. Người dân xứ Quảng dùng mít non để kho cá chuồn, làm gỏi, xé phay, nấu canh với tôm, cá và đặc biệt là với hến.
Mỗi lần làm món ăn này, mẹ tôi thường nói, hến chọn nấu phải là nguyên con còn sống bắt ở suối, đem về ngâm trong nước khoảng 3-4 giờ để hến nhả hết bùn, cát. Rồi khi ngâm thì cần quan sát thấy con nào nổi trên mặt nước nghĩa là hến chết, không được dùng. Sau khi chà hến thật sạch thì cho vào nồi nước sôi, nhớ thả thêm ít muối cho ruột hến săn và dai. Tiếp đến, nhắc xuống gạn lấy nước trong dùng để nấu canh hến mít non.
Còn về mít non, nếu hái từ vườn thì món ăn sẽ thật tròn vị. Mít hái từ vườn mang mít vô gọt vỏ, cắt miếng dày khoảng 1,5-2cm, rồi đem xả dưới nước để mít trắng đẹp mà cũng lược bỏ đi mủ mít. Lúc này, khử dầu với củ nén cho thơm và cho hến đã luộc vào đảo đều cùng ít gia vị. Đổ vào lượng nước luộc hến xâm xấp và cho mít non đã xắt lát mỏng vào nồi nấu và đậy vung lại chờ sôi. Vặn lửa nhỏ cho nồi canh sôi đều khoảng 20 phút sau là nồi canh chín. Việc còn lại chỉ là rắc ít lá lốt vào, đảo nhẹ rồi nhấc khỏi bếp.
Món canh tuy dân dã nhưng nó có hương vị độc đáo từ vị ngọt của hến hòa quyện cùng vị ngọt của mít, hai thứ dư vị ngọt này tưởng như "trùng nhau" nhưng lại có nét riêng.
Tiên Sa