Kim Ba
Một bên là lợi ích của người tiêu dùng, một bên là lợi ích của nhà sản xuất nhưng Mỹ cũng như nhiều nước trên thế giới vẫn chưa tìm được phương cách nào dung hòa tốt nhất cho vấn đề bẻ khóa điện thoại.
Hợp pháp hóa quyền bẻ khóa
Hồi tháng 8, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký một đạo luật có tên gọi Unlocking Consumer Choice and Wireless Competition, đảm bảo cho các công ty và khách hàng có quyền mở khóa điện thoại di động của chính mình. Đến nay, sau vài tháng, người Mỹ lại đang kiến nghị lên Quốc hội nước này một luật chỉnh sửa cho Luật Tác quyền số (DMCA – Digital Millennium Copyright Act) nhắm đến ngành công nghiệp tái chế.
Còn cách nay hai năm, Nhà Trắng cho rằng bẻ khóa điện thoại là hành động bất hợp pháp. Có khoảng 114.000 người, trong đó có các nhóm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các nhóm bản quyền số và cả nhóm tái chế, đều tỏ ra không đồng thuận với quyết định của Nhà Trắng. Do vậy đã dẫn đến một cuộc đấu tranh nhằm chống lại quan điểm ấy.
Bẻ khóa điện thoại cho phép người sở hữu điện thoại bị khóa có thể sử dụng mạng di động của nhà cung cấp dịch vụ khác, ngay cả khi không được phép của nhà cung cấp đó. Kỹ thuật này tỏ ra đặc biệt hữu dụng đối với người dùng thường xuyên di chuyển. Họ tránh phải sử dụng chức năng chuyển vùng (roaming) quốc tế rất tốn tiền, và chỉ việc đổi SIM ở vùng họ đến vào điện thoại là xong. Kỹ thuật này cũng hữu ích đối với ai yêu thích điện thoại nhưng không thích nhà cung cấp dịch vụ. Cuối hợp đồng, họ đơn giản chỉ việc chuyển sang nhà cung cấp dịch vụ khác. Đáng nói là các công ty tái chế sản phẩm điện tử cũng bẻ khóa để mở rộng thời hạn sử dụng cho điện thoại thay vì đưa chúng vào máy nghiền. Bẻ khóa điện thoại là chuyện “cơm bữa” và được dùng thường xuyên ở thị trường đồ cũ (second-hand).
Rắc rối
Đạo luật mới cho phép bẻ khóa điện thoại có vẻ trôi qua một cách êm đềm, cho dù nhiều doanh nghiệp và người dùng sở hữu điện thoại đã nêu vấn đề này trước cả Quốc hội và Nhà Trắng từ lâu. Đạo luật mới được Quốc hội Mỹ thông qua với sự đồng thuận cao và có được chữ ký của ông Obama mà không gặp chuyện gì ầm ĩ.
Vậy tại sao vấn đề này lại được nêu lên một lần nữa? Lý do đó là vì Luật Tác quyền số – DMCA.
Luật DMCA nổi tiếng ra đời từ năm 1998, giải quyết được các rắc rối, xung đột lúc bấy giờ giữa tài sản trí tuệ và tài sản hữu hình. Luật DMCA ra đời khi xảy ra các vụ ăn cắp bản quyền số (như DVD và nhạc số) nhưng nó lại có lỗ hổng. Để vá nó, Quốc hội Mỹ đưa ra luật bổ sung cho DMCA, quy định tại Section 1201. Luật bổ sung này quy định vi phạm bản quyền cũng là hành động phá vỡ bất kỳ cơ chế bảo mật công nghệ nào đối với nội dung, ví dụ như phá vỡ mã hóa DVD. Nhưng DMCA không đi đến tận cùng của vấn đề. Bẻ khóa là vi phạm, bất kể nội dung bị khóa bên trong có phải là nội dung ăn cắp hay không.
Trở về giai đoạn khi DMCA được chấp bút, các nhà làm luật không có ý niệm gì về mặt nội dung số cần được bảo vệ, nghĩa là phần mềm và phần điều khiển phần cứng (firmware), là hai loại nội dung có trong mỗi thiết bị mà chúng ta sử dụng ngày nay. Từ chiếc router phát Wi-Fi cho đến lò vi sóng, mọi thứ đều có tích hợp một con chip có chứa một loại nội dung nào đó được bảo vệ bản quyền. Và các nhà làm luật lúc ấy không có khái niệm gì về việc các nhà sản xuất gắn một “ổ khóa” bên trên chương trình của họ để ngăn không cho người dùng truy cập và chỉnh sửa chương trình ấy.
Gây khó cho nhà sản xuất
Các nhà làm luật vô tình gây khó dễ cho các kỹ sư sản xuất phần cứng, phần mềm vì những mặt hạn chế của DMCA, nhưng họ cũng mở ra một lối thoát khác: DMCA sẽ được đánh giá và chỉnh sửa, bổ sung ba năm một lần.
Cứ mỗi ba năm, công chúng có thể kiến nghị lên Quốc hội Mỹ các hạn chế và giải pháp của Luật DMCA hiện hành. Nhưng quy trình xét duyệt cho từng trường hợp tốn rất nhiều công sức, thời gian. Còn luật cho phép bẻ khóa mới đây lại lật ngược vấn đề, trái với Luật DMCA.
Vì vậy, cho dù có nhiều cố gắng để luật bẻ khóa được thông qua nhưng tính hợp pháp của việc bẻ khóa một lần nữa vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Đối với nhiều người, DMCA là cái gai trong mắt họ.
Những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bẻ khóa không mấy vui với DMCA. Như công ty tái chế điện thoại di động Hobi International, trong suốt hai năm khi mà việc bẻ khóa là bất hợp pháp thì giá cả điện thoại không bẻ khóa được giảm khoảng 20 đô la mỗi chiếc. Hobi là một trong vài công ty may mắn vì họ làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp dịch vụ nên có thể thích nghi và điều chỉnh mô hình kinh doanh. Còn đối với những công ty bẻ khóa theo dạng số nhiều thì Luật DMCA tác động mạnh hơn nhiều.
Và vì vậy, một lần nữa, các nhà chủ trương cố gắng đảm bảo một lệnh miễn trừ đối với việc bẻ khóa điện thoại.
Section 1201 tác động xấu đến các công ty tái chế và người tiêu dùng, hạ thấp giá trị điện thoại mà người tiêu dùng mua, trong khi tăng chi phí điện thoại tái sử dụng thông qua thị trường đồ cũ. Nếu không có được khả năng can thiệp bằng biện pháp kỹ thuật để bẻ khóa điện thoại, các nhà tái chế không thể phục hồi và xử lý những thiết bị này một cách có hiệu quả và kinh tế.
Dù gì đi nữa, có một điều chắc chắn là khi nào Section 1201 và DMCA vẫn còn thì chủ doanh nghiệp phải sống với khả năng là cứ một lần trong vòng ba năm, việc kinh doanh của họ có thể đột nhiên thành ra làm ăn phi pháp.