Mạnh Tùng
Các trường đại học tại TPHCM hiện tiếp tục kêu gọi xã hội hóa để tìm kiếm khả năng giải quyết nhu cầu chỗ ở, đáp ứng dịch vụ cho hàng chục ngàn sinh viên của mình.
Ký túc xá, chỉ 20% sinh viên được ở
Bốn năm qua, Nguyễn Văn Lập, quê An Giang, sinh viên năm cuối Trường Đại học Văn Hiến ở trọ cùng với một nhóm bạn tại quận 12 để theo học tại cơ sở của trường tại quận này. Với Lập, trường chưa có ký túc xá nên phải ở trọ, và đó cũng là điều bình thường như nhiều sinh viên khác. Tương tự, Trương Thị Lý, sinh viên Trường Đại học Công nghệ (quận Bình Thạnh) cũng phải ở khu nhà trọ giá rẻ tại khu vực ngã tư Bình Triệu (quận Thủ Đức) hơn ba năm nay vì không thuê được ký túc xá.
Hiện, nhiều trường đại học trên địa bàn TPHCM đang thiếu ký túc xá trầm trọng, nếu có thì ký túc xá của mỗi trường cũng chỉ đáp ứng được vài trăm chỗ ở so với số lượng hàng ngàn sinh viên của trường. Trong khi đó, nhiều công trình ký túc xá sinh viên hiện nay đang ngưng triển khai vì thiếu vốn giữa chừng như ký túc xá trường Đại học Văn hóa (quận 9), ký túc xá trường Đại học Giao thông Vận tải, cơ sở 2 (quận 9)... Tại khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG TPHCM), nằm trên địa bàn quận Thủ Đức (TPHCM) và thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương), nơi hiện có hơn 30.000 sinh viên chủ yếu theo học năm nhất, năm hai của các trường đại học thành viên cũng đang thiếu ký túc xá khá trầm trọng. Nguyễn Kim Anh, quê Gia Lai, sinh viên năm nhất trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết hiện đang phải ở trọ tại thị xã Dĩ An của tỉnh Bình Dương để theo học tại cơ sở của trường ở phường Linh Trung, quận Thủ Đức. Kim Anh cho biết, ở trọ tốn kém mà không đảm bảo an ninh, thường xuyên xảy ra trộm cắp. Song, muốn xin vào ở ký túc xá để rẻ hơn và an toàn thì không còn chỗ. Theo ghi nhận của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, rải rác trên địa bàn quận Thủ Đức, quận 9 cũng như các vùng giáp ranh thuộc thị xã Dĩ An có hàng trăm dãy nhà trọ lụp xụp là nơi ở cho sinh viên theo học tại các trường trên địa bàn với mức giá 600.000-800.000 đồng/người/tháng.
Báo cáo từ UBND TPHCM cho thấy hiện có khoảng 225.000 sinh viên tại TPHCM đến từ các địa phương khác đang có nhu cầu chỗ ở trong ký túc xá nhưng ký túc xá chỉ mới đáp ứng được 20% nhu cầu, số còn lại phải thuê nhà trọ tư nhân. Đây là vấn đề được đặt ra tại nhiều cuộc họp về nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp và sinh viên để tìm cách tháo gỡ. Ông Trần Thanh An, Giám đốc Trung tâm Quản lý ký túc xá (thuộc ĐHQG TPHCM) cho biết, hiện ký túc xá khu A và B chỉ đáp ứng khoảng 19.000 chỗ ở cho sinh viên. Tuy nhiên, từ năm 2015 trở đi, sinh viên tại khu đô thị ĐHQG TPHCM sẽ không thiếu chỗ ở vì có thêm hai lô nhà khu A và 17 khu nhà lô B được đưa vào sử dụng với công suất khoảng 26.000 chỗ ở. Ông An cho rằng, từ năm học sau, sinh viên tỉnh xa theo học các trường đại học tại xung quanh có thể đăng ký chỗ ở tại đây.
[box type="bio"] Ký túc xá ĐHQG TPHCM hiện có hai khu A và B. Trong đó, khu A nằm trên địa bàn phường Linh Trung, quận Thủ Đức (TPHCM). Khu ký túc xá này có 20 lô nhà đang hoạt động với sức chứa 10.000 chỗ ở cho sinh viên. Trong năm 2015, sẽ có thêm bốn lô nhà đi vào hoạt động với sức chứa 6.000 chỗ ở. Khu B ký túc xá nằm trên địa bàn phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Hiện quy mô của khu B là 10 lô nhà và có khả năng cung cấp 10.000 chỗ ở. Trong năm 2015, khu B sẽ có thêm 17 lô nhà đi vào hoạt động với quy mô 20.000 chỗ ở.
Giá thuê hiện nay được áp dụng chung là 120.000 đồng/ tháng/sinh viên (đóng theo học kỳ, mỗi học kỳ năm tháng). Ngoài ra, mỗi sinh viên sẽ đóng một lần trong suốt thời gian ở là 60.000 đồng lệ phí thẻ nội trú.[/box]
Kêu gọi đầu tư
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư 2014 của ĐHQG TPHCM hôm 17-12, ông Huỳnh Thành Đạt, Phó giám đốc ĐHQG TPHCM chia sẻ, muốn thu hút chủ đầu tư cho các công trình phục vụ đào tạo, sinh viên cần phải ưu đãi với họ. Chẳng hạn, cơ sở vật chất về điện lưới, giao thông, nước cần đầy đủ trước khi mời gọi họ đầu tư vào. Ngoài ra, các chính sách về miễn thuế sử dụng đất, cơ chế hành chính thủ tục một cửa cũng tạo sức hấp dẫn cho chủ đầu tư. ĐHQG TPHCM đã chính thức ban hành danh mục 20 dự án tại khu đô thị ĐHQG TPHCM gồm khu dịch vụ công cộng, khu nhà ăn, khu thể thao, bệnh viện, chung cư... với tổng vốn dự kiến hơn 8.600 tỉ đồng để kêu gọi các chủ đầu tư tham gia.
Theo quy hoạch, khu đô thị ĐHQG TPHCM sẽ rộng 643,7 ha với số lượng sinh viên, giảng viên tại đây lên đến 100.000 người. Vài năm trở lại đây, nhiều công trình nhà ở, dịch vụ, đường sá phục vụ đời sống sinh viên tại đây được hoàn thiện nhưng sinh viên vẫn khát chỗ ở, sân chơi. Xã hội hóa các công trình phục vụ cho sinh viên và các trường đại học là xu hướng được nhiều trường đang theo đuổi. Tuy nhiên, điều mà các chủ đầu tư băn khoăn là lợi nhuận thu lại từ các công trình dành cho sinh viên thấp đồng thời e ngại thủ tục hành chính rườm rà.
Về phía chủ đầu tư, ông Trần Văn Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Hưng Á, một chủ đầu tư công trình nhà ở cho sinh viên thuộc khu ĐHQG TPHCM từ năm 2007 đến nay thổ lộ, làm nhà ở cho sinh viên vẫn có lãi nếu chủ đầu tư biết cân đối các nguồn thu mà không nhất thiết phải tăng giá nhà, tăng giá dịch vụ.
Hiện ĐHQG TPHCM đang nỗ lực tối đa để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho sinh viên. Ngoài việc tạo điều kiện để sinh viên có nơi ăn ở thuận tiện cho việc học hành thì nói như ông Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐHQG TPHCM là “không có sân chơi thì đi học về các em sẽ đi nhậu hoặc tụ tập đi chơi, chứ biết đi đâu?”.