Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết đồng bằng sông Cửu Long được quy hoạch với định hướng trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp – nông thôn, du lịch sinh thái và du lịch biển giai đoạn 2021-2030.
- Du lịch ĐBSCL: Cản trở lớn từ những điều nhỏ
- Thay đổi tư duy để phát triển du lịch ĐBSCL
- 13 địa phương ĐBSCL hợp tác phục hồi và phát triển du lịch
Chia sẻ với báo chí trước thềm hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030, ông Trần Quốc Phương – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), cho biết các cơ quan quản lý đặt mục tiêu hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối ĐBSCL với vùng Đông Nam bộ, hệ thống cảng biển, các cửa khẩu quốc tế, hệ thống đường ven biển.
Bên cạnh định hướng trên, ông Phương cho biết cơ quan quản lý sẽ phát triển một số trục kết nối đến các đầu mối vận tải lớn, các khu công nghiệp. Khu vực này sẽ tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, trong đó chú trọng kết nối các trung tâm đầu mối với hành lang vận tải và hệ thống cảng chuyên dùng đường thủy nội địa.
Trước đó, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng hạ tầng tại ĐBSCL với sơ bộ tổng mức đầu tư gần 45.000 tỉ đồng.
Dự án sẽ hiện thực hoá mục tiêu hình thành trục ngang trung tâm vùng ĐBSCL qua các tỉnh/thành phố Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, kết nối các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc – Đông Nam.
Về nông nghiệp, ĐBSCL sẽ phát triển kinh tế gắn với thế mạnh nông nghiệp, tập trung vào 3 lĩnh vực chính gồm thủy sản, trái cây, lúa gạo. Định hướng phát triển là tăng tỉ trọng thủy sản, trái cây và giảm tỷ trọng lúa gạo.
Về công nghiệp, ĐBSCL sẽ phát triển bền vững dựa trên nền tảng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.
“Trọng tâm là phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, gắn với kinh tế biển, kiểm soát tài nguyên biển, phục hồi hệ sinh thái biển”, ông Phương nói.
Về du lịch, khu vực này sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, trong đó chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và năng lượng tái tạo, nuôi trồng và khai thác hải sản xa bờ.
Với quy hoạch này, ông Phương cho biết ĐBSCL sẽ định hướng trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp – nông thôn, du lịch sinh thái và du lịch biển trên cơ sở phát triển sản phẩm và xúc tiến chung cho thương hiệu toàn vùng.
Vân Phong
Theo KTSG Online