(SGTT) - Đến ghềnh đá Bàn Than ở xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành) du khách sẽ thích thú với biển trời bao la, nhất là những ghềnh đá đen óng hình thù kỳ thú, phủ rêu xanh mướt.
- Ngắm bình minh trên biển Bình Minh
- Vẻ đẹp nơi thượng nguồn sông Tranh, Quảng Nam
- Ghé thăm ‘làng thuốc nam’ ở Phường Củi, Quảng Nam
Đến ghềnh đá bàn than thế nào?
Đảo Tam Hải có diện tích 15km², cách thành phố Tam Kỳ 40km về phía Đông Nam. Tuy gọi là đảo nhưng Tam Hải nằm rất gần bờ, án ngữ nơi dòng Trường Giang đổ ra biển. Quanh năm nơi đây còn được phù sa sông Trường Giang bồi đắp nên có thể xem Tam Hải là một dạng nửa cồn, nửa đảo.
Hòn đảo này đã được đưa vào khai thác du lịch từ khá sớm nhưng không hiệu quả, phần lớn là do giao thông đi lại còn nhiều bất tiện. Để lên được đảo, bạn phải đi bằng phà và để lên được phà, bạn chỉ có thể sử dụng xe máy hoặc xe đạp.
Nếu đi từ hướng Hội An, Tam Kỳ, bạn hãy đi đường Thanh Niên - Liên xã dọc bờ biển xuống phía Nam là sẽ gặp bến phà Tam Hòa để lên đảo Tam Hải từ phía Tây. Nếu đi từ hướng Quảng Ngãi, bạn hãy đi Quốc lộ 1A, rẽ phải vào đường 618, đến ngã ba chợ Tam Quang thì rẽ trái là tới bến phà Tam Quang để lên đảo từ phía Nam.
Lên được đảo rồi, du khách có thể thuê xe máy đến đến ghềnh đá Bàn Than. Đường đi khá thú vị khi "chui" qua nhiều con đường, hẻm nhỏ. Những ngôi nhà đơn sơ của dân chài nơi đây vào buổi trưa thật yên ắng. Từng sợi nắng vàng ruộm nhảy nhót trên bức tường gạch cũ đã trắng bợt, đung đưa trên tấm lưới đang phơi rồi lại ghé thăm vài cái mẹt cá, làm khô đi lớp ngoài của đàn cá óng bạc đang sắp đạt tới cảnh giới “một nắng”.
Từ bến phà, đi lòng vòng khoảng 15 phút du khách sẽ ra được bãi Nồm. Đường bờ biển ở đây thoải, cát khá mịn, nước biển không trong xanh được như ở những vùng biển khác lân cận. Đó là điều dễ hiểu vì Tam Hải nằm ở cửa sông, nước không bị đục ngầu đã là một điểm tích cực rồi.
Ven biển có kha khá hàng quán giải khát, hải sản nhưng họ gần như không hoạt động vào các ngày trong tuần. Nếu muốn ăn uống, du khách phải vào gõ cửa tận nhà chủ quán. Hải sản ở đây rất tươi và giá khá rẻ.
KHÁM PHÁ Ghềnh đá Bàn Than
Ghềnh đá Bàn Than nằm sát chân núi phía bên trái đường biển. Cái tên “Bàn Than” được người dân lý giải: “Bàn ở đây có nghĩa là mặt bàn, bằng phẳng, còn than để chỉ màu đen.” Khi triều cường rút, du khách sẽ thấy được ghềnh đá ăn sát ra ngoài biển.
Những tảng đá lớn, hình thù kỳ dị cứ thế lớp lang xếp gối lên nhau bám theo chân núi, kéo dài tới tận 500 mét. Dưới ánh nắng mặt trời, ghềnh đá ánh lên một màu xám bạc, chứ không hẳn là tuyền một màu than.
Muốn đi được hết ghềnh thì hoặc du khách nên chân đất, hoặc trang bị một đôi giày đế tốt chống trơn. Khoảng 100 mét đầu tiên di chuyển khá dễ vì bề mặt đá bằng phẳng, khô, nổi cao so với mặt biển. Càng về sau ghềnh càng khó đi hơn do địa hình mấp mô, nước biển lấn sâu vào đen xen với các lớp đá khiến chúng trở nên trơn trượt.
Nơi đây có rất nhiều tảng đá lớn hơn hẳn, vươn mình ra biển như được thiên nhiên khắc tạc để minh chứng cho tinh thần chinh phục biển cả của những người dân chài Tam Hải. Đặc biệt nhất là hai tảng đá Ông Đụn - Bà Che từ lâu đã trở thành huyền thoại của vùng đất này. Rất tiếc, tảng Bà Che hiện nay đã bị sập, mất đi cổng đá từng thu hút rất đông các bạn trẻ đến check-in.
Những tảng đá ở đây khá đặc biệt. Hình dạng phong phú, kích thước đa dạng, màu sắc hầu hết là xám đen, một số tảng hơi xanh, có tảng lại ngả sang màu đỏ. Nhiều chỗ có kết cấu sỏi kết tạo thành những triền đá như được đính ngọc. Cảm giác như nơi đây giống như một công viên địa chất thu nhỏ.
Nguyễn Anh Đạt (LIPIT)