Xuất hiện vài năm trở lại đây, travel blogger (người viết nhật ký khi đi du lịch) được xem như công việc hấp dẫn, có thể kiếm tiền từ những chuyến đi đây đó thay vì phải trả tiền cho chúng.

Nghề đi đó đây
Khoảng sáu năm trở lại đây, travel blogger bắt đầu nhen nhóm ở Việt Nam và thu hút đông đảo lượt theo dõi, lượt yêu thích của giới trẻ trên mạng xã hội. Họ thu hút được hàng trăm ngàn lượt theo dõi không thua kém gì những ngôi sao nổi tiếng của làng giải trí, ví dụ như Nhị Đặng, Đinh Hằng, Mr.Vivu, Trần Việt Anh…
Travel blogger là cụm từ để chỉ những người ham mê du lịch, điểm đến là bất cứ nơi nào họ muốn khám phá. Bản chất của nghề này là thường xuyên di chuyển, khám phá nhiều vùng đất, nền văn hóa mới để từ đó có những bài viết, đoạn phim bổ ích chia sẻ với cộng đồng. Những vật dụng quen thuộc và gần như không thể thiếu của họ là điện thoại, máy chụp hình/quay phim, máy tính xách tay...
Bên cạnh những bài viết, hình ảnh chia sẻ về những điểm đến hấp dẫn trong và ngoài nước trên mạng xã hội, nhật ký điện tử (blog), kênh YouTube (dịch vụ chia sẻ video trực tuyến) nhiều người còn viết thêm sách như Tâm Bùi với Bụi đường tuổi trẻ, Đinh Hằng với Chân đi không mỏi, Rose Nguyễn với Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?…
Những lý do để đi
Trước khi trở thành một travel blogger nổi tiếng với những video, hình ảnh về các chuyến đi Myanmar, Iran, Campuchia, Indonesia, Ấn Độ, Nepal… thì Nhị Đặng (tên thật là Đặng Thị Hương Nhị) đã quyết định từ bỏ công việc của một người làm hiệu ứng video trong một công ty truyền thông. Lý do là sau ba năm làm việc, nguồn cảm hứng cho công việc gần như không còn, không có nhiều đột phá, cô quyết định nghỉ phép một thời gian ngắn để du lịch ở Indonesia và sau đó khi trở về thì cô quyết định nghỉ hẳn.
Sau khi nghỉ, cô đã nhận được những dự án làm tự do thú vị và bắt đầu hành trình. Ban đầu cô cũng chưa nghĩ đến việc trở thành một travel blogger, chỉ đơn giản vì cô muốn được tự do thoát khỏi không gian làm việc trong văn phòng ngày tám tiếng. Nhưng rồi càng đi, càng trải nghiệm và cô thấy công việc mới phù hợp với mình, Nhị Đặng cho biết thêm.
Chọn hướng đi khác biệt hơn so với một số travel blogger hiện nay, Nhị Đặng thiên về làm video hành trình trải nghiệm thay vì những bài viết với chi phí thấp. Những chuyến đi của cô thường cùng nhóm bạn 3-4 người để có thể hỗ trợ nhau trong việc quay, chụp và dựng phim cũng như để an toàn hơn cho phái nữ trên những hành trình dài.
Còn với Mr.Vivu (Nguyễn Văn Nguyên) thì những chuyến đi là một là cách để học hỏi và khám phá, nhất là học ngoại ngữ. Công việc của một người làm tiếp thị trực tuyến không bó buộc về không gian và thời gian nên anh bắt đầu những hành trình đây đó để thoả mãn đam mê du lịch và khám phá. Chuyến đi đầu tiên đến Thái Lan và hoàn toàn không thể giao tiếp bằng tiếng Anh, nhưng với đam mê khám phá, chàng trai ở tuổi 9x vẫn liều lĩnh đi thêm một vài nước ở châu Á, trong đó có Philippines, rồi quyết định quay trở lại đây một lần nữa để học Anh văn. “Sau khoá học hai tháng ở Philippines, mình được trung tâm mời ở lại để quản lý du học sinh Việt Nam, mình ở lại đây làm việc thêm sáu tháng, dành dụm và bắt đầu hành trình vòng quanh châu Á,” anh Nguyên chia sẻ.

Anh nhớ lại: “Ban đầu mình ghi lại mọi thứ và chia sẻ lên trang cá nhân như cách để ghi lại kỷ niệm. Dần dần anh nhận được sự quan tâm, bình luận phản hồi từ mọi người, cả những yêu cầu bài viết hướng dẫn chi tiết hơn về các điểm đến. Từ từ mọi người biết đến mình như một travel blogger nhiều hơn”.
Không dễ như đi chơi
Tuy nhiên, chỉ xách ba-lô đi cùng một vài tấm ảnh chia sẻ lên mạng xã hội thì hoàn toàn không phải là một travel blogger. Trần Việt Anh chia sẻ rằng mọi thứ không dễ dàng như chuyện đi chơi, nghỉ dưỡng mà để trở thành một travel blogger thu hút nhiều lượt theo dõi (từ đó mới có thể nhận được tài trợ từ các nhãn hàng) đòi hỏi phải đầu tư rất nhiều về hình ảnh, viết lách, sức khoẻ và tài chính.
“Mỗi chuyến đi của các travel blogger hiện nay thường là đi một mình nên sức khoẻ tốt cùng những kỹ năng bảo vệ bản thân là rất cần thiết, sau mỗi chuyến đi không chỉ vài tấm ảnh là xong, mà cần phải có những bài viết chia sẻ thông tin bổ ích cho cộng đồng. Trước khi nhận được tài trợ từ các nhãn hàng thì chi phí cho mỗi hành trình đều tự mình bỏ ra trước” Việt Anh nói.
Cách kiếm tiền của các travel bloggerKiếm tiền từ quảng cáo trên YouTube: Thu nhập có được bằng việc đặt quảng cáo tự động của Google trong trang blog cá nhân, được tính bằng số lượt nhấp chuột và lượt xem thông qua quảng cáo. Nhưng thu nhập từ việc này không thể xem là nguồn thu chính vì mức phí mà Google hay YouTube chi trả ở Việt Nam là rất thấp. Giá CPM (cost per 1.000 impressions - là giá mỗi 1.000 lần hiển thị) mà YouTube chi trả ở Việt Nam là xấp xỉ 2 đô la Mỹ/CPM. Nếu video có 100.000 lượt xem, người đăng tải sẽ được 200 đô la Mỹ tương ứng với hơn 4 triệu đồng.Nhận tài trợ từ các nhãn hàng: Một travel blogger nổi tiếng được nhiều lượt theo dõi, những bài viết, hình ảnh nhận được nhiều lượt thích (like), chia sẻ (share), bình luận (comment) sẽ dễ dàng có được những hợp đồng quảng cáo từ các nhãn hàng về du lịch như tour du lịch, vé máy bay, phòng khách sạn, nhà hàng… cho mỗi chuyến đi.Kiếm tiền từ Affiliate Marketing (tiếp thị liên kết): Đây là cách kiếm tiền phổ biến của khá nhiều travel blogger trên thế giới. Tại Mỹ ước tính cứ 10 người thì có 4 người thu nhập chính từ Affiliate Marketing. Theo đó, khi họ đăng tải video lên YouTube hay nội dung lên mạng xã hội thì đồng thời kèm đường dẫn sản phẩm, mỗi lần nhấp chuột vào đường dẫn của khán giả sẽ được theo dõi và khi họ mua hàng, người đăng sẽ nhận được khoản hoa hồng nhất định.
Thanh Dương