Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Trưa nay ăn gì: Đặc sắc lẩu heo rừng nuôi cho bữa trưa cuối tuần thêm thú vị

(SGTT) – Những món lẩu từ thịt heo không quá phổ biến như thịt bò hay thịt gà, thế nhưng, lẩu heo rừng (heo rừng nuôi vốn đang phổ biến ở Việt Nam) lại gây thú vị cho thực khách bởi vị ngọt, dai, dòn từ thịt hòa quyện trong phần nước dùng thanh tao, hứa hẹn mang đến sự thú vị cho mọi người trong bữa trưa cuối tuần.

Thông thường, nhắc đến lẩu từ thịt heo, mọi người hay nghĩ đến món lẩu giò heo hầm thuốc Bắc, lẩu đuôi heo tiêu xanh, lẩu mắm heo quay hay đơn giản nhất là lẩu xí quách (xương heo). Tuy nhiên, vẫn còn một phiên bản lẩu hấp dẫn từ loại thịt rất phổ biến này, được gọi là lẩu thịt heo rừng.

Thay vì là ba chỉ heo trong nước hay nhập khẩu thì các đầu bếp đã thay thế bằng thịt heo rừng để mang lại trải nghiệm ẩm thực khác lạ hơn. Heo rừng, một loài heo mang đặc tính hoang dã, vận động nhiều nên phần thịt rất săn chắc, dù là thịt ba chỉ.

Theo kinh nghiệm từ các đầu bếp chuyên món ăn từ heo rừng, một miếng thịt heo rừng chuẩn là có một số nhận biết như thịt nạc đỏ, ít mỡ; da dày, màu vàng; đặc biệt là lỗ chân lông ở heo rừng có đến ba lông cứng.

Có một điều thú vị về món lẩu này là tại Nhật Bản, nó cũng là món ăn truyền thống với tên gọi - Botan nabe, gồm thịt heo rừng, các loại rau, củ, nấm, đậu hũ dùng kèm nước lẩu nấu với công thức như nấu súp miso. Tại một số nhà hàng cao cấp, thịt heo rừng không chỉ được cắt lát mà còn được các đầu bếp bày trí khéo léo tạo hình bông hoa hồng bắt mắt.

Sau khi tìm mua được thịt heo rừng, cách sơ chế chúng cũng khá quan trọng, ảnh hưởng đến độ ngon món lẩu. Cụ thể, thịt heo cần cạo sạch lông cẩn thận, bởi lông heo rừng rất cứng. Sau đó, đem thịt rửa qua với vài lát gừng để khử mùi rồi thái bản theo sở thích.

Về nước dùng, có hai phiên bản nấu là nước dùng kim chi trong ẩm thực Hàn Quốc hay nước dùng như cách nấu súp miso trong Nhật Bản. Nếu chọn nước dùng kim chi, thực khách sẽ cảm nhận được các tầng hương vị chua, cay, mặn, ngọt hòa quyện nhau. Còn ở phiên bản miso thì nước dùng thanh ngọt, phù hợp cho những thực khách không chuộng vị cay, chua.

Rau, củ dùng kèm cho món lẩu heo rừng cũng không cố định mà tùy thuộc vào sở thích người dùng. Theo đó, một số loại rau, củ phổ biến được ưa chuộng nhúng lẩu là các loại nấm như kim châm, nấm hương, đùi gà; rau thì là cải ngọt, cải bẹ xanh còn củ, quả thì là cà rốt, hành tây. Đặc biệt, đậu hũ non là thực phẩm không thể thiếu để phần nước dùng thêm chút béo bùi nhẹ từ đậu nành.

Giờ trưa đã gần đến, mọi người có thể đến các nhà hàng Nhật Bản hoặc ẩm thực Việt để thưởng thức lẩu heo rừng đặc sắc. Ngoài ra, nếu yêu thích nấu nướng, mọi người có thể tìm mua các nguyên liệu khá dễ dàng và chế biến theo công thức đơn giản dưới đây.

Gia Hân tổng hợp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề