Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

‘Đánh thức’ du lịch Quảng Ngãi, lấy Lý Sơn làm hạt nhân phát triển

(SGTT) - Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã thông qua đề án Phát triển du lịch Quảng
Ngãi đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, phát triển du lịch biển, đảo là
hướng chủ đạo. Đảo Lý Sơn là hạt nhân trong tứ giác phát triển gồm: Lý Sơn - Bình
Sơn - Mỹ Khê - Sa Huỳnh.
Đảo Lý Sơn là hạt nhân trong tứ giác phát triển gồm: Lý Sơn - Bình Sơn - Mỹ Khê - Sa Huỳnh. Ảnh: Nguyễn Khải Trung

Đề án đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, du lịch Quảng Ngãi cơ bản sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà, phấn đấu đưa Quảng Ngãi trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của vùng duyên hải Nam Trung Bộ... Ngoài ra, phát triển du lịch biển, đảo làm chủ đạo, lấy Lý Sơn làm hạt nhân trong tứ giác phát triển du lịch, gồm: Lý Sơn - Bình Sơn - Mỹ Khê - Sa Huỳnh, tập trung khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch biển, đảo để hình thành các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, tổ hợp giải trí có quy mô lớn…

Với nhiều "tín đồ" đi du lịch, Quảng Ngãi hiện nay có rất nhiều điểm đến, có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng đẹp "mê hồn". Có thể nói, đảo Lý Sơn là một trong điểm đến lý tưởng nhất, là sự lựa chọn đối với nhiều du khách thập phương trong và ngoài nước.

Nhiều điểm đến rất có tiềm năng để có thể phát huy thế mạnh về du lịch, đặc biệt là du lịch "xanh", thân thiện với môi trường thế nhưng việc đầu tư phát triển ngành du lịch tỉnh nhà vẫn chưa tương xứng.

Luống rau trên đảo Lý Sơn. Ảnh: Nguyễn Khải Trung

Có thể nói, trong vòng trên dưới 10 năm trở lại đây, đảo Lý Sơn được rất nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến và là điểm du lịch tham quan được du khách ưa thích. Nét chính để thu hút khách thập phương là đảo hiện có nhiều bãi biển vẫn giữ nguyên nét hoang sơ, hoang dã, thiên nhiên hùng vĩ, kỳ thú, đây có thể thấy là nét đặc trưng để thu hút một lượng lớn du khách. Thế nhưng việc phát triển thế mạnh của điểm đến du lịch độc đáo vốn có này vẫn chưa tương xứng với những gì mà thiên nhiên đã ban tặng.

Theo số liệu thống kê trong năm 2019 lượng du khách đến đảo Lý Sơn đạt 265.000 nghìn lượt, doanh thu 317 tỉ đồng. Trong năm 2020 và năm 2021 lượng du khách đến đảo Lý Sơn sụt giảm nghiêm trọng xuất phát từ một phần nguyên nhân do đại dịch diễn ra toàn cầu. Có thể thấy lượng du khách trong và ngoài nước đến với Lý Sơn vẫn chưa được như kỳ vọng.

Ngoài du lịch, tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ, mua hải sản, tỏi… Lý Sơn vẫn đang thiếu một khu nghỉ dưỡng cần được triển khai và đầu tư đúng mức, xứng tầm với nhà hàng, khách sạn theo tiêu chuẩn “5 sao” để đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, đơn vị có nhu cầu tổ chức các chương trình văn hóa, nghệ thuật với quy mô lớn, mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Cần đầu tư xây dựng các trung tâm, các điểm mua sắm hay một chợ đêm đúng nghĩa để đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm của du khách thập phương.

Tâm lý khách đi du lịch, đặc biệt là đối với nhiều khách du lịch quốc tế khi tìm đến các điểm du lịch họ mong muốn không chỉ tìm đến những nơi, những điểm du lịch nổi tiếng hiện đại với những trung tâm, khu đô thị, khu thương mại mua sắm hiện đại, sầm uất với những tòa nhà cao chọc trời, với lối kiến trúc hiện đại, độc đáo hút mắt mà tâm lý một bộ phận khách du lịch họ tìm đến với những nét văn hóa mang tính chất tâm linh hay nét văn hóa đặc trưng địa phương, vùng miền.

Du lịch Quảng Ngãi không phải không có những điểm đến mang nét văn hóa tâm linh hay văn hóa vùng miền chẳng hạn như danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử “Núi Ấn Sông Trà”, có thể nói đây là biểu tượng của TP Quảng Ngãi với nhiều nét văn hóa độc đáo, đền chùa có từ mấy trăm năm trước cùng những câu chuyện tâm linh độc đáo hút khách, ngành du lịch cần khai thác triệt để yếu tố này để hút khách.

Vùng đồng bằng Quảng Ngãi, lưu vực bốn con sông nổi tiếng đã đi vào thơ ca nhạc họa như sông Trà Bồng, sông Trà Khúc, Sông Vệ, sông Trà Câu, đây có thể nói là mảnh đất ngọt ngào với những điệu lý, câu hò nổi tiếng như: lý ngựa ô, lý vọng phu, hò chèo thuyền, hò giật trì… Ngoài ra còn có những bài hát hố, nói vè, bài chòi, hò dô ta, hát múa Bả trạo hay những làn điệu dân ca của người dân tộc Cor…

Khi tổ chức các tour du lịch tại các điểm đến, đặc biệt là đảo Lý Sơn cần kết hợp và thường xuyên tổ chức những nét văn hóa độc đáo này để hút du khách khám phá nét độc đáo đặc trưng vùng miền. Đó cũng còn là cách để bảo tồn, giữ gìn nét văn hóa mang tính di sản, tính dân gian để không bị thui chuột, mai một.

Cũng cần nói thêm rằng, ai cũng biết người dân Quảng Ngãi ngoài việc hiền hòa, hiếu khách, chất phát, họ còn là những người nông dân chăm chỉ, hay lam hay làm và giỏi nghề. Tại một số xã của trung tâm TP Quảng Ngãi như xã Tịnh Long, xã Tịnh An, xã Nghĩa Dũng, làng Thạch Bích... Có thể thấy, đây là những xã nằm ở trung tâm TP Quảng Ngãi với những vựa rau, luống rau được gieo trồng xanh mướt ngút ngàn, thu hoạch quanh năm.

Ảnh: Vi Xuân Hòa

Do vậy, cần có phương án tổ chức, kết hợp với người nông dân để có thể tổ chức, tạo nên những chuyến tham quan mang tính chất "cây nhà lá vườn" cho du khách, nhất là du khách nước ngoài bởi đây là một bộ phận những khách du lịch họ rất thích khám phá những nét đẹp, đặc trưng vùng miền, gần gũi với cuộc sống thiên nhiên của người nông dân.

Có thể qua đó người nông dân còn có thể phổ biến, hướng dẫn cho khách du lịch cách thức canh tác, gieo trồng và những đợt thu hoạch rau xanh. Tổ chức những bữa ăn đậm chất thiên nhiên cùng người dân quê mà một số địa phương đã thành công trong việc kết hợp và phát triển du lịch như Quảng Nam, Đà Nẵng… Người nông dân cũng chính là những người làm du lịch ngay tại "sân nhà".

Ngoài ra, hiện nay nguồn nhân lực về du lịch của tỉnh Quảng Ngãi rất cũng "vừa thiếu lại vừa yếu".  Theo thống kê của cơ quan quản lý về du lịch, hiện nay toàn tỉnh Quảng Ngãi chỉ có gần 100 hướng dẫn viên du lịch, trong đó có 50 hướng dẫn viên du lịch có thẻ nội địa và tuyến điểm, còn lại là hướng dẫn viên du lịch tự do. Có thể nói, đây một con số quá ít ỏi, còn quá khiêm tốn so với tiềm năng cho việc phát triển du lịch của tỉnh nhà.

Nhiều hướng dẫn viên còn thiếu và yếu về chuyên môn, kỹ năng cũng như là vốn tiếng Anh vốn có của người hướng dẫn viên du lịch. Do đó về lâu dài, đế đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong thời gian tới cần đào tạo và nâng cao nghề hướng dẫn viên du lịch và xem đó là một nguồn nhân lực không thể thiếu trong việc phát triển du lịch tỉnh nhà.

Biển Sa Huỳnh. Ảnh: Nguyễn Khải Trung

Thiết nghĩ nếu làm được những điều đó, đề án phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ngãi đưa ra cụ thể, đến năm 2025, tỉnh dự kiến sẽ đón 1,36 triệu lượt khách, gồm 160 nghìn lượt khách quốc tế, 1,2 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 2.780 tỉ đồng. Đến năm 2030, Quảng Ngãi phấn đấu đón 2,55 triệu lượt khách. Tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 13.825 tỉ đồng. Tạo việc làm cho khoảng 49.500 lao động, trong đó có khoảng 16.500 lao động trực tiếp; tăng trưởng bình quân khoảng 17,7%/năm... chắc chắn sẽ trở thành hiện thực.

Đảo Lý Sơn, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, biểu tượng của tỉnh nhà “Núi ấn sông Trà” và nhiều điểm đến du lịch khác sẽ  là những điểm đến lý tưởng, là sự lựa chọn của du khách thập phương trong thời gian tới.

Nguyễn Đước

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Ngắm ‘biển mây’ trên đèo Violak

0
(SGTT) – Vào những ngày tháng 10, đèo Violak nằm trên Quốc lộ 24 - nối Quảng Ngãi với thị trấn Măng Đen, huyện...

Huế nỗ lực giảm rác thải nhựa trong ngành du lịch

0
(SGTT) -  Ngành du lịch Thừa Thiên Huế đang đi những bước đi đầu tiên trong nỗ lực giảm rác thải nhựa tại hơn...

Làm gì để thực hành ESG trong du lịch?

0
(SGTT) – Song song với mục tiêu Net Zero, xu hướng áp dụng các tiêu chí ESG trong ngành du lịch đang ngày càng...

Bàn chuyện xây dựng cơ sở dữ liệu và tiêu chí...

0
(SGTT) – “Xây dựng cơ sở dữ liệu và tiêu chí thực hành du lịch Net Zero” là chủ đề của hội thảo chiều...

Phác thảo lộ trình hướng tới du lịch bền vững của...

0
(SGTT) - Việc một số nước trên thế giới đang có quan điểm “phản đối phát triển du lịch quá mức” là cơ hội...

Khu du lịch ven rừng ở Khánh Hoà thực hiện du...

0
(SGTT) – Làng Nhỏ - Hồ Láng Nhớt ở thôn Đá Mài, xã Diên Tân, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa là một khu...

Kết nối