(SGTT) - Ở các trường mầm non, các bé thường tổ chức sinh nhật nho nhỏ trong lớp, cùng chung vui với bạn bè. Sinh nhật nào cũng có bánh kem, thức uống, tặng và trao đổi qua. Thỉnh thoảng, khi đi học về, trong ba lô con trai tôi lại có ít bánh kẹo, trái cây, hộp sữa… quà tặng từ các buổi sinh nhật bạn. Lớp có 25 - 30 em, cả năm có ít nhất 20 lần sinh nhật.
Tôi thường hỏi con và chuẩn bị quà hơi khác. Bánh kẹo, các cháu ăn lai rai cả năm, nhiều khi đến ngán. Tôi tìm những món quà thiết thực hơn cho con tặng bạn. Con tôi từ nhỏ, đã có thói quen xem truyện tranh, dù chưa biết chữ. Tôi cùng con vào nhà sách, chọn những cuốn có nội dung hấp dẫn, hình vẽ sinh động, làm quà tặng nhân dịp sinh nhật con và cả sinh nhật bạn của con.
Các bé rất thích vì ít khi được ai tặng quà như vậy. Hình như bé nào cũng mê truyện tranh, nhất là những truyện phù hợp với sở thích vốn có. Các bé đọc và còn trao đổi truyện cho nhau, hình thành thói quen đọc cho các bé từ nhỏ, tạo văn hóa đọc khi trưởng thành. Đó là cách tự học và nghiên cứu hiệu quả cho đến hết đời, bất chấp tuổi tác.
Tôi mong các phụ huynh cùng nhau đọc và chọn sách truyện làm quà tặng, cùng nhau san sẻ và mở rộng tủ sách gia đình cho con thêm phong phú, đa dạng. Mỗi cuốn sách nhỏ trao tặng, có giá trị lâu dài cho cả quãng đời tuổi thơ, gợi mở ước mơ, hình thành nhân cách, bổ ích hơn nhiều so với bánh kẹo, dù số tiền bỏ ra tương đương.
Từng trang sách mở ra một câu chuyện mới, một thế giới mới với trẻ con, lôi cuốn các bé xa rời màn ảnh tivi, điện thoại thông minh, máy tính bảng, đồ chơi điện tử... Tập dần dần thường xuyên, các bé sẽ có thói quen yêu thích đọc sách và tiếp nhận kiến thức từ sách một cách nhẹ nhàng.
Khi nhận một cuốn sách mới, các bé đều hứng thú, vui mừng và bắt tay vào khám phá. Rất mong ngày càng có thêm nhiều phụ huynh lan tỏa món quà sách truyện.
Ngọc Hân