(SGTT) - Các bậc phụ huynh tại TPHCM cho biết, sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19, nhiều trẻ em (đa phần là học sinh lớp 6) có phản ứng bị sốt cao, đau nhức tay. Tuy nhiên, khi liên hệ với số điện thoại do điểm tiêm chủng cung cấp thì không nhận được thông tin trả lời.
- TPHCM: Hàng ngàn học sinh lớp 6 được tiêm vắc-xin phòng Covid-19
- TPHCM sẽ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ lớp 6 đến hết ngày 30-4
- Bác sĩ cảnh báo hậu quả khôn lường sau tiêm filler ở thẩm mỹ viện “chui”
Trả lời vấn đề này tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM vào chiều 21-4, bà Lê Thiện Huỳnh Như, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, cho biết ngoài số điện thoại của trạm y tế, nhân viên y tế tại điểm tiêm chủng, các bậc phụ huynh có thể liên hệ với kênh thông tin hỗ trợ tư vấn số 1022 (nhấn 3). Đây là kênh có sự tham gia tình nguyện của đội ngũ các chuyên gia bệnh truyền nhiễm; các y bác sĩ thuộc Hội Y học TPHCM, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TPHCM (HCDC)…
Thông qua kênh này, phụ huynh có thể tiếp cận nhanh chóng với các chuyên gia y tế. Thời gian tư vấn là tất cả các ngày trong tuần, theo khung giờ cố định (buổi sáng từ 8:00-12:00, chiều từ 14:00-16:00, tối từ 19:00-21:00).
Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo phụ huynh cần chú ý chăm sóc, theo dõi trẻ sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Cụ thể, trẻ được theo dõi tại chỗ trong vòng 30 phút. Trước khi ra về, phụ huynh được các y, bác sĩ tư vấn về việc chăm sóc và theo dõi các dấu hiệu ở trẻ trong vòng 7 ngày sau tiêm.
Một số trẻ có thể bị đau nơi tiêm, chóng mặt, nhức đầu, sốt, mệt mỏi… nhưng thường ổn dần trong 24 đến 48 giờ. Phụ huynh có thể cho trẻ uống thuốc paracetamol nếu nhiệt độ đo ở nách từ 38,5°C trở lên, heo dõi sát trẻ và hạn chế các hoạt động gắng sức trong ba ngày đầu sau tiêm.
Trường hợp phát hiện bất kể dấu hiệu bất thường, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Thông tin về tình hình tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, tính đến hết ngày 20-4, TPHCM có 93.562 trẻ đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 (trong đó có 3.321 trẻ đã được tiêm ở những ngày trước), có 1.798 trẻ chưa tiêm và ghi nhận có 458 trẻ được chỉ định đến các bệnh viện để tiêm.
Về lý do hoãn tiêm đối với một số trẻ và trẻ phải vào bệnh viện để tiêm vắc-xin, bà Như cho biết đó là những trẻ đã nhiễm Covid-19, chưa đủ thời gian tiêm nên phải chờ.
Các trường hợp phải đến bệnh viện tiêm chủng là nhóm trẻ này có bệnh nền trước đó. Những trường hợp phản ứng sau tiêm vắc-xin đều được phát hiện sớm, xử trí kịp thời và hiện sức khỏe đã ổn định.
Đối với việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ điều trị nội trú tại bệnh viện trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TPHCM (HCDC), cho biết với nhóm trẻ điều trị nội trú đã được tiêm mũi 1 tại bệnh viện; khi đến thời hạn tiêm mũi 2, nếu đã xuất viện về nhà, phụ huynh có thể đăng ký tiêm ở cộng đồng. Trường hợp vẫn còn điều trị nội trú, bệnh viện sẽ thăm khám và quyết định trẻ có được tiêm ngừa hay phải hoãn tiêm đợt sau.
Trước đó, TPHCM được Bộ Y tế phân bổ 87.500 liều vắc-xin Moderna phục vụ cho chiến dịch tiêm chủng trẻ từ 5-11 tuổi; tiếp đến là Hà Nội với 72.700 liều vắc-xin.
Theo Bộ Y tế, cả nước hiện có khoảng 11,8 triệu trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi. Trong đó có khoảng 3,6 triệu trẻ đã mắc Covid-19. Trẻ đã mắc Covid-19 cần trì hoãn tiêm chủng 3 tháng sau khi khỏi bệnh. |
Minh Thảo
Theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 của Bộ Y tế, tính đến 14:00 ngày 21-4, cả nước đã tiêm hơn 210,5 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19, trong đó ngày 20-4 đã tiêm hơn 452.000 liều vắc-xin phòng Covid-19.Tỷ lệ bao phủ mũi 1 và mũi 2 của người trên 18 tuổi là 100%; mũi 3 là 53,2%. Tỷ lệ bao phủ mũi 1 và mũi 2 của trẻ từ 12- 17 tuổi lần lượt là 100% và 95,9%.Số vắc-xin phòng Covid-19 đã tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 192.755.792 liều, trong đó mũi 1 là 71.417.953 liều; mũi 2 là 70.052.669 liều; mũi bổ sung là 15.086.305 liều và mũi 3 là 36.198.865 liều.