Tôi nhớ hồi con được bốn tháng tuổi, tôi cho con bú và nổi hứng hát ru: “Gió đưa bụi chuối sau hè, anh mê vợ bé bỏ bè con thơ…”. Chưa dứt bài, tôi thảng thốt giật mình. Quái, mình đang hát cái gì vậy? Gì mà anh mê vợ bé, lại còn bỏ con. Sao mình hát về người chồng bội bạc, vô trách nhiệm trong khi chồng mình yêu thương và chăm lo cho vợ con hết mực? Sao mình để con mình nghe những từ ngữ đau buồn, ai oán, hờn trách như vậy?
Rồi tôi nhớ lại bài hát ru tôi từng nghe cô dì ru mấy đứa em họ khi tôi còn nhỏ. “Ví dầu tình bậu muốn thôi. Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra. Bậu ra bậu lấy ông câu. Bậu câu cá bống ngắt đầu kho tiêu”. Cái từ “ngắt đầu” cũng có vẻ không ổn lắm khi hát cho một đứa trẻ nghe.
Con lên hai, đi nhà trẻ. Đi học về, con ngọng nghịu hát bài Xúc xắc xúc xẻ. Cái hôm tôi vào trường dự lễ khai giảng của con, trường cũng mở bài này. Và tôi biết nhiều trường khác cũng hay mở bài này cho các bé nghe. Nghe mà hãi hùng cái câu “Ông sống một trăm linh năm tuổi lẻ. Vợ ông sinh đẻ đứa con tốt lành”. Tôi nhớ hồi nhỏ mình cũng đọc vanh vách mấy bài kiểu như là “Con chim manh manh. Nó đậu cành chanh. Tôi lấy miểng sành. Tôi chọi nó chết giầm. Tôi làm bảy mâm”. Hơi hướm bạo lực.
Con tôi giờ 28 tháng và bé rất thích nghe kể chuyện. Thoạt đầu, tôi định kể con nghe chuyện cổ tích Việt Nam, nhưng mà tôi thấy mình không thể kể những chuyện tôi từng được đọc như là Tấm Cám, Ăn khế trả vàng. Bởi trong Tấm Cám có mấy câu hăm he với lời lẽ “Lấy tranh chồng chị, chị khoét mắt ra”, và xưng hô “Giặt áo chồng tao thì giặt cho sạch. Giặt mà không sạch, tao vạch mặt ra”, chưa kể thủ đoạn giết hại lẫn nhau rất tàn độc. Còn trong Ăn khế trả vàng, anh em ruột trong một nhà không thương yêu, đùm bọc, lại ganh ghét, tỵ hiềm.
Lúc ấy, tôi chợt nghĩ, không biết có bao nhiêu bà mẹ hát cho con mình nghe những giai điệu sầu đau, than thân trách phận và kể cho con mình nghe những câu chuyện có lẫn những từ ngữ không đẹp đẽ ấy.
Ngày xưa, người đàn bà lấy chồng xa, sinh con và thường tự mình chăm sóc con, quán xuyến mọi việc. Họ buồn tủi, và nỗi lòng đó được gởi gắm qua những điệu ru, câu hát. Ngày xưa, ông bà cứ đặt ra những câu nói dân dã thành vần, miễn là có vần điệu, miễn là xuôi tai và có sao nói vậy. Những thế hệ sau cứ tiếp nối những điều xưa cũ, và đến lượt thế hệ chúng tôi cũng vậy, mà đôi khi quên mất, bây giờ đã khác. Trong số những câu chuyện dân gian, những bài vè, những câu ca dao hay, vẫn có những cái không nên truyền giữ. Có rất nhiều bài hát và những câu chuyện bổ ích đang chờ được kể. Hãy chọn những gì phù hợp và bỏ qua một bên những gì không còn hữu ích.
Lứa tuổi trước 6 tuổi học nhanh, nhớ nhanh. Thế nên, là mẹ, tôi cần dạy con những điều tốt đẹp, những ngôn từ đẹp, khơi dậy trong con óc sáng tạo và lòng yêu thương, trong đó những bài hát và những câu chuyện đóng một vai trò quan trọng không nhỏ. Dĩ nhiên, những bài hát và những câu chuyện này phải ngắn, dùng từ đơn giản, pha chút hài hước thì các bé mới tiếp thu nổi.
Những đầu sách cho lứa tuổi trước 6 tuổi bản tiếng Anh thì có quá nhiều và rất hay. Những bài hát dễ thương, vui nhộn để các bé tập làm quen chữ cái, số đếm, màu sắc, hình dạng cũng rất nhiều như Five little ducks, If you are happy and you know it, Row row row your boat, ABC song, Shape song, Colour song, Itsy bitsy spider, Three little kittens, Twinkle twinkle little star…
Đầu sách tiếng Việt giờ cũng khá, như dạy lễ giáo, dạy hình dạng, khám phá cuộc sống. Song bài hát thì còn hơi ít ỏi.
Sự phát triển tương lai của một đất nước nằm ở thế hệ măng non. Các con cần được giáo dục lễ giáo, khơi dậy óc tưởng tượng, khám phá, tự lực, từ khi còn nhỏ, để khi lớn lên, con cư xử văn minh, biết tự chăm sóc bản thân, biết tìm tòi, nghiên cứu. Con đường đến đó là qua những câu chuyện các con được nghe và những bài hát các con được dạy khi các con còn nhỏ xíu. Hãy trao cho thế hệ măng non của chúng ta một cơ hội.
Mẹ Sunny