(SGTT) - Quảng Bình, vùng đất văn vật ở nam đèo Ngang, được nhiều người biết đến với những thắng cảnh như động Phong Nha, động Tiên Sơn, động Thiên Đường, sông Son...
Sông có thể đổi màu
Theo truyền thuyết, có một đôi trai gái yêu nhau thắm thiết nhưng tình yêu của họ bị gia đình phản đối do không môn đăng hộ đối; nàng, con nhà trâm anh thế phiệt, chàng, một tiều phu đốn củi độ nhật mà thôi. Một trưa hè, hai người yêu nhau đã cùng bơi ra giữa dòng sông.
Đến đó, họ thấy một bông sen hồng đã nở và toả hương ngào ngạt. Người nam bèn nói: “Chúng ta hãy ở lại đây.” Người nữ đáp lời: “Em không bỏ anh đâu, chúng ta sống cùng sống, chết cùng chết!”. Rồi họ đã tự trầm ngay ở đó.
Người dân trong vùng biết chuyện, tiếc thương cho đôi trai gái chúng tình, đã đổi tên dòng sông thành sông Son, ý nói “lòng son dạ sắt với nhau.” Nhưng tên chính gốc của dòng sông, rất dân dã: sông Tróc.
Tuy nhiên, cậu lái đò đưa chúng tôi vào động Phong Nha, lại nói khác. Theo cậu ấy, dòng sông này cứ đến mùa mưa lạnh, do phù sa từ thượng nguồn đổ về, đổi thành màu đỏ quạch, nên mang tên gọi sông Son. Thiệt cũng quá đỗi đời thường. Vẫn theo cậu ấy, truyền thuyết nói trên đã được “sáng tác” sau này, chỉ nhằm có câu chuyện kể thơ mộng, hấp dẫn cho khách du lịch nghe mà thôi!
Ngày nay, sông Son vẫn là nguồn nước quan trọng nhất khu vực. Nó uốn lượn theo chân núi, ôm lấy những nương ngô, nương chuối thường thấy bên cạnh những bản làng yên bình, tạo thành một khung cảnh đẹp vào mùa hè.
Theo những tài liệu lịch sử, sau năm 1630, ranh giới giữa châu Bắc Bố Chính với châu Nam Bố Chính đã do sông Son cùng sông Gianh tạo thành. Sau này, ranh giới giữa đàng Ngoài với đàng Trong cũng do hai con sông này phân định.
Riêng đối với sông Son, một chi lưu của sông Gianh, hầu như dòng chảy của nó nằm hoàn toàn ở trên đất Quảng Bình, tạo ra một con đường thủy. Một đoạn dài đến gần 8km thuộc thượng nguồn của sông chảy ngầm trong các núi đá vôi của vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Và nó cũng chảy ra từ cửa động Phong Nha thuộc làng Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch.
Mười năm trước thời Covid, khi du lịch Quảng Bình phát triển, sông Son chính là dòng nước mà trên đó những con đò nhỏ từ bến Xuân Sơn chạy chừng 5km đưa khách du lịch vào động Phong Nha. Ngay từ dòng sông, khách du lịch đã được hòa mình vào thiên nhiên non nước hữu tình của vùng đất Quảng Bình.
Phong Nha kỳ thú
Động Phong Nha, một kỳ quan thiên nhiên của Việt Nam, là một trong những hang động kỳ thú nhất Đông Nam Á được phát hiện vào năm 1995, nhưng thật ra người dân Quảng Bình đã biết đến nó từ lâu. Sau đó, UNESCO đã công nhận động là Di sản Thiên nhiên Thế giới, mà đến hai lần (2003 và 2015).
Nhờ thạch nhũ triệu năm, mà động nên tên Phong Nha; nôm na tiếng Việt là “động có gió luồn qua kẽ răng”. Động cao 50m và sâu bên dưới đến 83m, với nhiều nhánh hang phụ lớn nhỏ, được cho là dài và lớn nhất Việt Nam. Hang Bi Ký, hang Tiên và hang Cung Đình chỉ là một vài trong số những hang lớn nhỏ của động này.
Trong lòng Phong Nha có động khô lẫn động nước. Ở độ cao 200m là động khô; hồi rất xa xưa vẫn là động nước với một dòng sông, nhưng hiện tại chỉ còn lại vòm đá trắng vân nhũ và vô số cột đá màu xanh ngọc bích óng ánh.
Động nước thì do một dòng sông ngầm mà nên. Thường đò sẽ chèo nhè nhẹ đưa khách du lịch vào hang nhờ con sông này, vì không được phép chạy tiếp bằng máy nổ. Càng đi vào sâu, hang càng tối.
Để tăng phần tiện nghi cho khách du lịch, những năm gần đây, ngành du lịch Quảng Bình đã mắc đèn dọc vách đá cho một số nơi gần miệng hang; nhưng đò muốn đi hết 1.500m được phép trong hang phải cần tới ánh sáng riêng. Thường đò đi vào hang khoảng chừng 1km thì dừng lại.
Con đò chở chúng tôi đã dừng lại đó, để chúng tôi lên bờ một hang khô khá rộng, đi dạo một chút, ngắm nhìn thạch nhũ nhiều hình dạng, màu sắc do bàn tay tạo hoá mà thành – tuỳ trí tưởng tượng của mỗi người - giữa hư và thực. Đó có thể là thạch nhũ hình quả bí hay nậm rượu cho đến cá sâu, voi hay sư tử… Được chừng nửa tiếng, như đã hẹn trước, cậu chèo đò đón chúng tôi, xuôi dòng sông Son trở về bến cũ…
Trên thực tế, theo tài liệu của UBND Quảng Bình, hang chính trong lòng Phong Nha gồm đến 14 phần trông giống như các phòng của một ngôi nhà dài và lớn; một hành lang vài hàng trăm mét nối chúng lại với nhau. Ở những phòng gần cửa động, phải khom người mà đi vì trần chỉ cách mặt nước độ 1m. Nhưng từ phòng thứ tư trở đi thì trần cao 25m đến 40m. Đến phòng thứ mười bốn, có thể cẩn thận men theo các hành lang nhỏ hẹp để vào các hang to và sâu bên trong.
Cũng có thể lội dọc các dòng sông ngầm dưới khối núi đá vôi Kẻ Bàng và khu rừng nguyên sinh 40 hecta, những nơi còn bao điều thú vị chưa được khám phá hết.
Phong Nha qua Tiên Sơn
Lâu nay, động Phong Nha đã trở thành điểm đến thu hút khách du lịch. Hơn nữa, do nó chỉ nằm cách Hà Nội khoảng 500km. Không quá xa. Lần đầu tiên, chúng tôi đến đây là vào năm 2011, nhưng mà từ TPHCM. Quả là một chuyến đi tuyệt vời.
Trước thời Covid, nhiều hang động của vùng Phong Nha – Kẻ Bàng đã được khai thác. Tuy nhiên, động Phong Nha vẫn được nhiều khách du lịch chọn lựa bởi đây là chuyến đi nhẹ nhàng, thích hợp cho người lớn tuổi lẫn trẻ em. Hơn nữa, cạnh động Phong Nha là động Tiên Sơn.
Cửa vào động khô này, với chiều dài gần 1km, trong động Tiên Sơn, khách du lịch chỉ được phép đi vào khoảng gần 0,5km mà thôi.
Là động khô nên động Tiên Sơn cao hơn mực nước biển khoảng 200m. Từ cửa động đi vào khoảng 400m sẽ bắt gặp một vực sâu chừng 10m, sau đó là động đá ngầm dài gần 500m. Khu vực này khá nguy hiểm, khách du lịch bình thường không được vào đến đó.
Động Tiên Sơn, cũng bao gồm nhiều thạch nhũ và măng đá giống như động Phong Nha. Tuy nhiên, nó sở hữu nét riêng: khi gõ vào thạch nhũ và măng đá trong lòng động, sẽ nghe vang vọng tựa tiếng cồng chiêng và tiếng trống miền núi rừng Tây Nguyên.
Trên thực tế, động Tiên Sơn được phát hiện từ năm 1935, không liên thông với động Phong Nha. Lúc ban đầu, người địa phương gọi nó là động Tiên.
Theo các nhà khoa học thuộc Hội hang động Hoàng gia Anh, động được hình thành cách đây hàng chục triệu năm, khi một dòng nước chảy qua núi đã đục rỗng, bào mòn núi đá vôi Kẻ Bàng. Sau đó, do kiến tạo địa chất khối núi này hoặc đã được nâng lên, hoặc đã bị hạ xuống khiến các khối đá đổ sụp ngăn chặn dòng chảy làm nên động Tiên Sơn ở phía trên. Còn phần có sông ngầm chảy qua thì tạo thành động Phong Nha.
Không bỏ qua “Thiên Đường”
Động khô Thiên Đường lớn và dài hơn động Phong Nha được phát hiện năm 2005. Thật ra, giống như động Tiên Sơn và Phong Nha, người địa phương đã biết đến nó từ lâu.
Theo trang quangbinhtravel.com, động Thiên Đường thuộc vùng Phong Nha – Kẻ Bàng có chiều dài hơn 31,4km, chiều rộng dao động từ 30 đến 100m nơi rộng nhất đến 150m. Chiều cao từ đáy động lên đến trần động khoảng 60-80m. Nó đã được Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh cho là động khô dài nhất châu Á.
Tại sao gọi là Thiên đường? Động giống như một thiên đường trong tưởng tượng bởi những nhũ đá và măng đá kỳ ảo. Như cung Thạch Hoa Viên với một khối thạch nhũ trông như tượng đức mẹ đồng trinh tay bồng Chúa hài đồng.
Khu vực mang tên cung Quảng Hằng là nơi độc đáo nhất của động, theo trang phongnhaexplorer.com. Tại đây, thạch nhũ rũ xuống trông như bức rèm the của tiên nữ. Còn có thể tưởng tượng ra cả một nhóm tượng Phật với tháp Liên Hoa.
Sau khi đi hết 1km cầu thang gỗ, nếu còn sức, có thể đi bộ thêm 6km nữa, để khám phá thêm thạch nhũ, măng đá. Điểm đến cuối cùng là giếng trời - nơi một cột ánh sáng mặt trời chiếu thẳng xuống động.
Trên đường đến động này từ bến đò Xuân Sơn, cách đó chừng 35km, chúng tôi đã băng qua những con đường mòn nằm xen kẽ với những cánh đồng xanh bát ngát. Chúng tôi chạy xe vào cả những con đường làng giữa những hàng cây dâm bụt và hàng cau. Mất hết gần 45 phút.
Nếu chạy từ Đồng Hới đến động Thiên Đường thì phải mất khoảng hai tiếng đồng hồ, do phải chạy xe đến gần 80km.
Động Thiên Đường cũng đã được đầu tư cung cấp phương tiện và mở đường vào động, với con đường “phổ thông” bên trong động dài 1,1km, và đã đón khách du lịch từ những tháng gần cuối năm 2010. Trước thời Covid, động Thiên Đường đã trở thành một điểm thu hút khách du lịch, không thua gì động Phong Nha, tuy từ chân núi, phải đi bộ gần 600m để lên đến cửa động.
Phần lớn nền động khá bằng phẳng. Có người từng cho rằng, nếu như biến động này thành một hội trường để… họp sẽ rất tuyệt vời, không cần đến máy lạnh. Nhiệt độ trong hang luôn ở 20-21 độ C. Trong cái nóng 36-37 độ C, ngồi trước cửa động không thôi, cũng có thể thấy mát mẻ do những luồng hơi mát từ động thổi lên.
Mạo hiểm tý với Zipline
Sau khi rời "thiên đường" và ăn trưa, chúng tôi "xuống đất", đến khu du lịch sông Chày - hang Tối, để chơi Zipline.
Năm 2011, dù không còn trẻ nữa, nhưng vợ chồng chúng tôi vẫn chơi trò hơi có phần mạo hiểm này! Đương nhiên, phải đội nón bảo hộ, đeo dây an toàn gắn vào sợi cáp thép phía trên.
Nhờ chơi Zipline với chiều dài của đường trượt khoảng 400m, chiều cao của cáp khoảng 50m, rơi xuống hang Tối, chúng tôi đã có dịp ngắm nhìn quang cảnh sông Chày, nhưng thật ra rất nhanh, không khác chim đại bàng chao cánh, nhào nhanh xuống bắt mồi... Chủ yếu là thưởng thức chút ít âm thanh thiên nhiên lẫn mùi của núi rừng.
Tuy nhiên, chúng tôi đã không vào hang Tối vì phải bơi một khoảng, mà chúng tôi thì bơi không giỏi.
Để chơi Zipline, phải có chút ít hiểu biết về môn này, thể trạng cũng phải tương đối tốt. Hồi ấy, thực ra chúng tôi đã xấp xỉ 60 tuổi cả rồi, nhưng những người phụ trách Zipline, chắc thấy vóc dáng thể thao của chúng tôi nên đã cho qua!
Trượt Zipline là trò trượt dây xuất phát từ cách đi lại tại một số vùng núi cao, không đường lộ.
Bây giờ, Zipline gần nhất TPHCM là ở khu du lịch Hồ Mây trên Núi Lớn, Vũng Tàu. Đường trượt tại đây đổ xuống từ độ cao 500m, nhưng chỉ dài hơn 200m một chút. Với Zipline này, khách có thể ngắm nhìn một chút mặt nước biển và để gió mơn trớn mặt mình; thật ra, không bằng Zipline trên sông Chày của Quảng Bình.
Sau khi chơi Zipline tại khu du lịch sông Chày - hang Tối, chúng tôi lên bờ lại, tắm rửa thay đồ khô rồi và phải… đi ăn tiếp bởi bụng lại đói meo rồi. Sau đó, dong xe quay lại khách sạn ở thành phố Đồng Hới, bên dòng sông Nhật Lệ, kết thúc chuyến đi một ngày có thể gọi là “tuyệt vời”!
Ngọc Trân