(SGTT) - Sáng ngày 6-3, buổi Talkshow Chuyện người kể chuyện: Gặp gỡ đoàn làm phim Cây táo nở hoa đã được tổ chức tại trường Đại học Khoa học Xã hội Và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM với sự tham gia đông đảo của các bạn trẻ yêu mến phim ảnh.
- Khi điện ảnh là chất “xúc tác” cho du lịch
- Quỹ Vẻ đẹp điện ảnh - Kinh tế sáng tạo hỗ trợ các nhóm làm phim ít được biết đến
- Từ truyện ngắn “Người tình sông Trà Bồng” đến kỹ năng hiểu biết điện ảnh
Trong buổi talkshow, đạo diễn Võ Thạch Thảo, nhà sản xuất (NSX) Trần Thu Hiền và biên kịch Lê Thị Tuyết Lan đã có những chia sẻ về quá trình làm phim, từ đó, đưa ra những góc nhìn về hướng phát triển của phim truyền hình Việt Nam cũng như trào lưu phim làm lại (remake).
Thách thức tạo nên thành công
Theo NSX Trần Thu Hiền, phim Cây táo nở hoa được quay vào thời điểm hết sức khó khăn, khi dịch bệnh tại TPHCM đang chuyển biến phức tạp. Để đảm bảo sức khỏe cho các thành viên trong đoàn, e-kip đã phải dừng hoạt động gần 1 tháng. Bên cạnh đó, việc xử lý hậu kỳ và kịch bản cũng mất nhiều thời gian khi phải dựng gấp rút và chiếu song song với đó.
Chia sẻ tại buổi trò chuyện về quá trình “chọn mặt gửi vàng” những vai diễn chính trong phim, đạo diễn Võ Thạch Thảo nhận định người đạo diễn cần phải hiểu rõ được kịch bản và khi đã hiểu được tâm lý nhân vật thì cần chọn được đúng diễn viên có đủ các yếu tố đó.
Chị cho rằng quá trình mời diễn viên Thái Hòa cho vai Ngọc là một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất. Theo chị, ở diễn viên này hội tụ nhiều yếu tố tạo nên nhân vật Ngọc như sự cam chịu, nhẫn nhịn, nhẹ nhàng nhưng vẫn có lúc mạnh mẽ. “Nếu không phải là diễn viên Thái Hòa, nhân vật Ngọc sẽ không thể có được cái hồn như mong đợi”, chị Thạch Thảo chia sẻ thêm.
Về phía biên kịch Lê Thị Tuyết Lan, chị cho biết điều quan trọng nhất khi viết kịch bản phim chính là hiểu được nhân vật của mình. Đặc biệt, kịch bản phim lần này là một kịch bản làm lại từ phim nước ngoài. Do đó, e-kip đã mất nhiều thời gian và công sức để chuyển hóa những yếu tố văn hóa của Hàn Quốc sang văn hóa nước ta. Chị chia sẻ nhóm biên kịch đã mất gần một tháng để viết ra hai tập đầu của phim.
Lối đi nào cho phim truyền hình Việt?
Lý giải về lý do khan hiếm nguồn diễn viên đủ thực lực, đạo diễn Võ Thạch Thảo nhận định nguyên nhân xuất phát từ việc họ không được trả công xứng đáng. Bên cạnh đó, đôi khi sự so sánh hay đánh giá phiến diện cũng là tác nhân dẫn tới bộ phim bị cho là kém chất lượng. Nữ đạo diễn cũng nhấn mạnh rằng, so sánh chính là thứ giết chết sự sáng tạo của người làm phim.
Có khán giả cho rằng, phim Việt Nam thường mắc phải lỗi “đầu voi đuôi chuột”, đặc biệt là các phim truyền hình. Cả NSX Trần Thu Hiền và đạo diễn Võ Thạch Thảo đều đồng tình với ý kiến này. Theo họ, nguyên nhân cốt lõi xuất phát từ nền tảng kiến thức nhân lực chưa đủ vững do chương trình đào tạo vẫn còn hạn chế. Điều đó ảnh hưởng nhiều đến tư duy của người làm phim.
Với câu hỏi Làm sao để phim Việt có thể vươn ra được thị trường thế giới?, nữ đạo diễn giải đáp “Để có thể hiện thực hóa điều đó, các nhà làm phim cần tận dụng những chất địa phương rất riêng của nước mình. Chính nhờ những điều đó, người dân trên thế giới sẽ biết đến và theo dõi phim ảnh nước ta. Tuy vậy, để có thể làm được, các khâu về kịch bản lẫn e-kip cần có sự đầu tư và hiện đại hơn nữa”.
Khán giả nghĩ gì?
Sau khi tham gia buổi talkshow, bạn Bùi Thị Nam Giang (21 tuổi, Bình Phước) cho rằng phim truyền hình nước ta đang sôi động trở lại, dù trong 2 năm gần đây dịch bệnh đang rất căng thẳng. Các tác phẩm nhận được sự chú ý và bàn luận rất nhiều trên các trang mạng xã hội. Đặc biệt, giới trẻ hiện nay đều có thể cân bằng giữa việc yêu thích phim truyền hình trong nước lẫn ngoài nước. Tuy nhiên, phim truyền hình Việt vẫn còn thiếu vắng những kịch bản gốc đủ tốt để đáp ứng thị trường nước nhà.
Cây táo nở hoa là một bộ phim truyền hình dài 71 tập của đạo diễn Võ Thạch Thảo, được Việt hóa từ tác phẩm What’s wrong, Poong Sang từng gây tiếng vang tại Hàn Quốc. Trong năm 2021, bộ phim “Cây táo nở hoa” được xem là hiện tượng truyền hình khi liên tiếp đạt được nhiều giải thưởng như Giải B dành cho phim truyền hình năm 2021 của Hội Điện ảnh TPHCM; Bộ phim điện ảnh - truyền hình được yêu thích nhất tại lễ trao giải Mai Vàng lần thứ 27, đạt được hạng mục Nội dung truyền cảm hứng ở Vietnam Entertainment Awards (VEA), Giải thưởng Giải trí Việt Nam.
Bảo Trâm
Rất ủng hộ những bộ phim Việt remake từ phim nước ngoài nếu có sáng tạo thêm những chi tiết phù hợp với văn hóa, cách sống của người Việt. Cảm ơn tác giả vì bài viết chỉn chu này <3