Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Làng chài Đà Nẵng dưới góc nhìn công nghệ số

(SGTT) - Diễn ra hơn một tuần (từ 19-2 đến 27-2), tại số 130 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Hải Châu, Đà Nẵng; triển lãm Lênh Đênh nhằm giới thiệu đến người yêu văn hóa địa phương những giá trị của làng chài ven biển Đà Nẵng thông qua nghệ thuật hội họa có ứng dụng công nghệ số.
Lênh Đênh là triển lãm với chủ đề về làng chài ven biển Đà Nẵng có ứng dụng công nghệ số. Ảnh: Cao Linh

Theo đó, triển lãm do nhóm bạn trẻ (gồm 60 người đến từ các ngành nghề, trường lớp khác nhau) có tên là Đà Nẵng tui tổ chức với chủ đề Lênh Đênh và nhận được sự hỗ trợ kinh phí tổ chức từ Hội đồng Anh (British Council).

Cụ thể, triển lãm khai thác chất liệu từ những trải nghiệm ấn tượng của mỗi người trong chuyến hành trình nghiên cứu khoảng hai năm về ngư dân, con người ở làng chài Mân Thái, cảng cá Thọ Quang, rạn biển Nam Ô…

Hành trình nghiên cứu văn hoá vùng ven biển Đà Nẵng được thể hiện qua loạt ảnh cùng thiết kế độc và lạ mắt. Ảnh: Cao Linh

Điều đặc biệt là triển lãm không chỉ dừng lại ở những tác phẩm hội họa, tranh ảnh được vẽ bằng màu nước hay chì vẽ mà nó còn được ứng dụng một số công nghệ kỹ thuật số. Có thể kể đến như công nghệ vẽ tranh bằng điểm ảnh (pixel art); ảnh toàn ký hologram; công nghệ (AR) thực tế ảo; sách nổi pop-up; ảnh xạ chiếu (projection mapping) hay đồ họa vẽ về những người làng chài đi đánh cá được thể hiện một cách sinh động.

Sách nổi pop-up vẽ về hành trình lênh đênh của ngư dân làng chài. Ảnh: Cao Linh
Sự tương đồng về thuyền thúng của ngư dân Anh Quốc và Việt Nam là nguồn cảm hứng của triển lãm. Ảnh: Cao Linh
Một tác phẩm tranh được thể hiện bằng công nghệ hologram do bạn Đặng Công Tuyên thể hiện. Ảnh: Cao Linh

Một trong những tác phẩm được đánh giá cao tại triển lãm là Sóng trong đời sống khi thể hiện qua tranh ảnh ánh xạ chiếu. Và tác phẩm như một bộ phim về con người của vùng đất biển cả phải mưu sinh nơi xa bờ để đem về nguồn thủy sản quý giá. Qua đó, người xem có thể đồng cảm với những người chọn nghề này để sinh sống.

Tác phẩm Sóng trong đời sống được thể hiện qua tranh ảnh ánh xạ chiếu. Ảnh: Cao Linh

Theo chị Nguyễn Ngọc Thiên Hiếu, quản lý dự án triển lãm, trong một lần tham gia dự án văn hóa có sự hợp tác giữa Việt Nam và Anh Quốc, nhóm của chị đã được tìm hiểu về văn hóa ngư biển ở “xứ sở sương mù” và nhận ra rằng hình dạng thuyền thúng ở Anh có sự tương đồng với thuyền thúng Việt Nam.

"Thế là Lênh Đênh được hình thành từ đó, và chúng tôi chọn thuyền thúng là điểm kết nối giữa hai nền văn hóa này. Cộng thêm phát triển nội dung về thành phố biển Đà Nẵng khi nói về làng chài, ngư dân, đời sống biển cả lênh đênh... đã hình thành nên triển lãm", chị Hiếu chia sẻ thêm.

Được biết, triển lãm ngoài trưng bày ảnh thì còn có một số hoạt động trải nghiệm về nghề đan lưới truyền thống hay trải nghiệm làm thiệp nổi pop-up và trang trí bìa số bằng màu Gouache.

Tại khu vực tác phẩm Rổ rá, người xem có thể trải nghiệm vẽ một chiếc rổ mình yêu thích từ chiếc Ipad được trưng bày tại đây. Ảnh: Cao Linh
Khách tham quan có thể làm thiệp nổi pop-up về chủ đề làng chài. Ảnh: Cao Linh
Một trò chơi đánh cá vui nhộn. Ảnh: Cao Linh

Thông tin từ ban tổ chức, trung bình mỗi ngày, triển lãm đón khoảng 200-300 lượt khách tham quan (vé miễn phí), với độ tuổi trung bình từ 18-25 tuổi; gồm sinh viên và du khách yêu thích nghệ thuật và văn hóa địa phương.

Bày tỏ cảm xúc khi tham dự triển lãm, bạn Phạm Linh Quyên, sinh viên trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, cho hay: "Là người con xứ Quảng, cảm xúc của tôi rất lẫn lộn khi được đặt chân đến Lênh Đênh, được nhìn thấy một Đà Nẵng bất ngờ và đẹp hơn xưa. Ở Đà Nẵng 20 năm, hóa ra còn nhiều điều đẹp và lạ từ mảnh đất này mà tôi chưa hề biết tới. Các hoạt động như bói cá, thuyền ảo khiến tôi rất thích thú. Triển lãm cũng làm cho tôi chững lại và nghĩ ngợi nhiều hơn, về cuộc đời của ngư dân lênh đênh trên biển, hơn cả là đời người. Cuối cùng là tôi thấy tự hào về Đà Nẵng, về con người tuyệt vời nơi đây”.

Lênh Đênh là dự án triển lãm được nghiên cứu từ lâu và bắt đầu triển khai kế hoạch từ tháng 9-2021. Tuy nhiên, do vướng dịch bệnh Covid-19 nên các thành viên trong dự án tốn nhiều công sức khi đi đến các làng chài để thu thập dữ liệu. "Sự vất vả trong khoảng thời gian đó được bù đắp bằng thành công của triển lãm làm cho nhóm chúng tôi cảm thấy rất ấm lòng", đại diện ban tổ chức chia sẻ.

Nhóm Đà Nẵng tui được thành lập vào năm 2017, với những chàng trai, cô gái trong độ tuổi trẻ ngoài 20; yêu thích nghệ thuật, văn hóa địa phương và đang sinh sống, học tập tại Đà Nẵng. Nhóm đã thành công với những dự án triển lãm trước đây như Đà Nẵng tui (mùa 1 năm 2018) và Nghệ (mùa 2 năm 2020) với nhiều người quan tâm từ trong và ngoài nước.

Cao Linh

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Ngắm mặt trời đa sắc thái qua triển lãm của nữ...

0
(SGTT) – Từ những khoảnh khắc trên bầu trời mà nữ doanh nhân tình cờ bắt gặp trong cuộc sống hằng ngày, bà Hoàng...

Đà Nẵng gợi nhớ ký ức làng chài qua không gian...

0
(SGTT) – Các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt với chủ đề “Ký ức” sẽ được đặt tại Khuôn viên hè phố phía Bắc,...

Đà Nẵng tổ chức loạt sự kiện chào Giáng sinh và...

0
(SGTT) - Từ ngày 14-12-2024 đến 2-1-2025, Đà Nẵng sẽ tổ chức lễ hội Giáng sinh - Chào năm mới Đà Nẵng 2025 (Danang...

Tour du lịch thích ứng thời tiết: Không nên chỉ là...

1
(SGTT) – Theo nhận định từ một số chuyên gia du lịch và đơn vị lữ hành, sản phẩm du lịch thích ứng với...

Mở đường bay thẳng từ Đà Nẵng đến Ahmedabad của Ấn...

0
(SGTT) - Đường bay mới từ Đà Nẵng đến Ahmedabad, Ấn Độ đã được khai thác từ ngày 24-10, theo Báo Đà Nẵng. Mở...

Tour du lịch thích ứng thời tiết tại miền Trung

2
(SGTT) - Tình hình mưa lũ ngày càng diễn biến phức tạp đã đặt ra nhiều thách thức cho ngành du lịch. Tuy nhiên,...

Kết nối