Trong khoảng vài tháng trở lại đây, trên các diễn đàn và mạng xã hội, câu chuyện về cây giấm (có nơi gọi là cây bụp giấm, a ti sô đỏ, hibiscus) lan truyền rất nhanh. Tại TPHCM, nhiều cô, nhiều bà nội trợ hỏi nhau công dụng, chia sẻ cách làm nước cốt, làm mứt từ hoa của cây này. Và thế là, cây giống tăng giá, những sản phẩm từ cây này cũng trở nên đắt hàng.
Thu tiền triệu
Bà Thu Thủy, nhà ở đường Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh), cho biết mấy năm gần đây người thân của bà tại tỉnh Đắk Lắk trồng cây giấm xen trong các vườn cà phê, hoa màu và chủ yếu bán sỉ cho thương lái để mang đi tiêu thụ tại Vũng Tàu, Gia Lai. Gần đây, thấy nhiều người hỏi về loại hoa này trên các diễn đàn nên bà thu gom và đưa hàng trực tiếp về TPHCM, bán trên trang Facebook cá nhân. Và cứ thế, sau khi nhận đơn hàng từ khách, bà Thủy lại nhờ người thân ở Đắk Lắk chuyển xuống. Loại mà bà bán là hoa tươi và và theo bà thì giá bán là 25.000 đồng/kg. “Khách mua về tự chế biến, tôi chỉ bán hoa tươi và mỗi tuần bán khoảng một tạ (100 kg), chỉ riêng ở Sài Gòn”, bà Thủy nói.
Cũng liên quan đến hoa giấm nhưng bà Hồ Trân ở quận 3 thì chỉ bán hoa đã qua chế biến. Theo đó, sau khi mua hoa tươi về, bà và gia đình chế biến thành dạng nước cốt đóng chai để bán. Theo bà Trân, trong khoảng ba tháng vừa qua, thông qua người quen cũng như bạn bè trên mạng xã hội, bà đã bán được khoảng 200 kg thành phẩm từ hoa giấm với giá 90.000 đồng/kg. “Bao nhiêu đó tương đương với 400 kg hoa tươi vì cứ 100 kg hoa tươi thì tôi làm được 50 kg thành phẩm. Hiện tôi cũng còn khoảng 200 kg thành phẩm chuẩn bị rao bán”, bà Trân nói.
Bà Lê Thị Tuyết Anh, Giám đốc Công ty Hồng Đài Việt, chuyên sản xuất dược liệu sạch tại TPHCM, cho biết công ty đang có những vùng trồng cây giấm dọc các tỉnh miền Trung. Công ty chỉ chế biến sản phẩm hoa khô và bột sấy phun (từ hoa tươi), chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Đức. “Số lượng sản phẩm bán tại thị trường trong nước thời gian gần đây cũng đã tăng hơn trước đây, với khoảng 5 tấn/năm”, bà Tuyết Anh nói.
Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị qua điện thoại, một nhân viên của Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Roselle Việt Nam (Hà Nội), chuyên trồng và chế biến các sản phẩm từ cây giấm, cho biết do người tiêu dùng truyền tai nhau nên thời gian gần đây lượng hàng bán ra khá lớn. Roselle Việt Nam hiện có các sản phẩm chế biến từ cây giấm như mứt, nước cốt quả, rượu, trà làm từ đài hoa...
Tranh thủ mua
Một nhân viên của một cửa hàng chuyên bán các sản phẩm mang từ miền Bắc vào trên đường Trần Quốc Toản (quận 3) cho biết hoa giấm bán khá chạy. Khách muốn mua phải đặt trước một ngày. “Có nhiều khách tới mua cả chục ki lô gam một lúc, hàng không có mà giao”, anh nhân viên này nói.
Khách mua những sản phẩm này, theo ghi nhận của phóng viên, đa phần là các bà nội trợ. Chị Lê Lý, nhà ở quận Tân Phú, nói rằng sở dĩ chị tìm mua hoa giấm vì nghe bạn bè kháo nhau hoa này có nhiều công dụng, chữa được nhiều bệnh. Cũng như vậy, chị Hòa Minh ở quận Bình Tân cho biết, thấy bạn bè chia sẻ nhau cách ngâm cũng như thảo luận nhiều nên chị tò mò tìm hiểu thì thấy hoa có nhiều tác dụng như mát gan, lợi tiểu, tăng sức đề kháng, trị ho, trị viêm họng. Thế là lúc đầu chỉ mua thử 2 kg, sau một thời gian thấy “dùng được”, chị Minh đã mua thêm hơn chục ki lô gam để tiếp tục ngâm lấy nước uống. “Bạn bè nói hoa nhanh hết mùa nên tranh thủ mua. Nhà có người già bị bệnh tim mạch, tôi nghĩ uống sẽ tốt”, chị Minh nói.
Theo ghi nhận của Sài Gòn Tiếp Thị, tại TPHCM hoa giấm tươi chủ yếu được bán qua các trang cá nhân trên mạng xã hội cũng như có ở một số cửa hàng chuyên bán đồ miền Bắc. Trong lúc đó, hoa giấm khô cũng như nước cốt, mứt, trà thì được bán tại một số cửa hàng phân phối, chi nhánh của các công ty tại quận 3, 5, 11... Nước cốt từ trái của cây giấm hiện được một số quán cà phê, quán giải khát chế biến thành các món nước. Giá bán hoa tươi dao động 25.000-50.000 đồng/kg, trà 50.000 đồng/100 g, nước cốt trái cây giấm khoảng 180.000 đồng/kg.
Bác sĩ dặn dò
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Văn Năm, Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc, cây giấm có tên khoa học là hibiscus sabdarffa L. họ bông (Malvaceae). Ở Việt Nam, cây được trồng làm cảnh khá phổ biến trên khắp mọi vùng của đất nước vì khí hậu rất phù hợp cho cây phát triển. Bộ phận dùng làm thuốc chủ yếu là đài hoa (bộ phận màu xanh lục nằm dưới các cánh hoa). Theo một số công trình nghiên cứu của nước ngoài, đài hoa giấm có tác dụng lợi tiểu, giảm huyết áp, hạ cholesterol trong máu, chống các gốc tự do, chống viêm, kháng khuẩn, trị ho, viêm họng... Tại Việt Nam, chưa có nhiều công trình nghiên cứu chính thống về cây giấm được công bố. Theo y học cổ truyền, hoa cây giấm có vị chua, tính mát, có công năng hạ nhiệt, giảm ho, lợi tiểu, kháng khuẩn, lợi mật, giảm cholesterol xấu trong máu... “Hiện nay, dược liệu từ cây giấm chưa có trong danh mục dược liệu phổ biến”, ông Năm nói.
Nói về loài hoa này, PGT.TS. Trần Hùng, Trưởng khoa Dược, Đại học Y dược TPHCM, cho biết đây là loài cây có họ hàng gần gũi với cây đậu bắp ta. Toàn cây trên mặt đất có thể được sử dụng làm thuốc theo kinh nghiệm của nhiều dân tộc trên thế giới, nhưng được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là đài hoa phát triển đồng thời cùng với quả và thu hoạch khi quả đã già.
Về tác dụng dược lý của hoa giấm, ông Hùng cho biết đã có những công trình nghiên cứu trên thế giới chứng minh một số tác dụng của cây cũng như của đài hoa trong phòng thí nghiệm, trên thú vật và một số thử nghiệm trên lâm sàng. Tác dụng được quan tâm nhất của đài hoa giấm là khả năng chống ô xy hóa. Tác dụng này chủ yếu là do thành phần các chất màu anthocyanin, các flavonoid, các acid phenol và vitamin C có trong đài hoa.
Tuy nhiên, ông Hùng khẳng định rằng hoa giấm không phải là dược liệu có thể chữa được nhiều bệnh như mọi người thường suy diễn hay gán ghép cho nó, càng không phải là dược liệu chữa bách bệnh. “Sử dụng đúng cách có thể giúp phòng ngừa, ngăn chặn một số bệnh nhưng nếu dùng quá mức vẫn có thể gây hại. Không thể dựa vào kinh nghiệm cá nhân, lại càng không thể nghe theo tin đồn về những tác dụng chưa được kiểm chứng, chứng minh”, ông Hùng nói.
Vũ Yến