Mới đây, UBND TPHCM đã chấp thuận thí điểm 5 tuyến buýt điện trên địa bàn theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải.
- Đề xuất mở thêm buýt sông từ quận 1 qua quận 7 vì nhu cầu tăng
- Vắng khách, xe buýt TPHCM chạy hơn 30km chỉ bán được 3 vé
Theo đó, 5 tuyến buýt điện sẽ được thí điểm trong thời gian 24 tháng. Tuyến buýt đầu tiên được triển khai vào quý 1-2022 với giá vé dự kiến từ 3.000 đến 7.000 đồng tùy theo đối tượng và tuyến xe.
Phần trợ giá (của nhà nước) trên tổng chi phí các tuyến xe nêu trên có tỷ lệ là 44,1% và sẽ được xem xét điều chỉnh theo quy định sau khi Bộ tiêu chí về định mức kỹ thuật, đơn giá xe buýt điện được thành phố ban hành.
Trên 5 tuyến sẽ có khoảng 77 xe được đầu tư, mỗi xe 65-70 chỗ (đứng, ngồi), chạy bằng điện, hoạt động từ 5:00 đến 21:00 hằng ngày.
Cụ thể, tuyến 1: Vinhome Grand Park (khu đô thị ở quận 9) – Trung tâm thương mại Emart, quận Gò Vấp (bình quân 27 km); tuyến 2: Vinhome Grand Park – Sân bay Tân Sơn Nhất (30 km); tuyến 3: Vinhome Grand Park – Bến xe buýt Sài Gòn (29 km); tuyến 4: Vinhome Grand Park – Bến xe Miền Đông mới (8,5 km); tuyến 5: Bến xe Miền Đông mới – Khu đô thị Đại học Quốc gia (10 km).
Đồng thời, điểm đầu – cuối tại các bến xe buýt như bến xe buýt Sài Gòn, bãi hậu cần số 1, sân bay Tân Sơn Nhất, bến xe buýt Ký túc xá khu B Đại học Quốc gia, Bến xe Miền Đông mới.
Theo UBND TPHCM, sau thời gian thí điểm, các đơn vị tổ chức tổng kết, đánh giá để đề xuất triển khai bước tiếp theo, đảm bảo phù hợp với thực tiễn của thành phố.
Trước đó, vào tháng 12-2021, Hà Nội cũng đã triển khai ba tuyến buýt điện đầu tiên, kết nối với mạng xe buýt thủ đô, với tần suất 10-15 phút/chuyến.
Minh Hoàng
Theo Kinh tế Sài Gòn Online