Các bậc cha mẹ thường không bao giờ muốn thấy con cái mình buồn bã. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đối diện với nỗi buồn là một phần cần thiết của sự trưởng thành.
Theo nghiên cứu từ Học viện Nhi khoa Mỹ, hội chứng trầm cảm cần được tách bạch với tâm trạng buồn bã. Trong khi trầm cảm là một tình trạng rối loạn cảm xúc nghiêm trọng và cần được chuyên gia kiểm tra, theo dõi thường xuyên thì buồn bã là một phản ứng hoàn toàn bình thường đối với các sự kiện không may trong cuộc sống.
Âu sầu không phải luôn có hại
Khi mải mê theo đuổi hạnh phúc, nhiều khi con người ta quên rằng niềm vui, sự phấn chấn và tâm trạng hồ hởi là những cảm xúc không bền vững. Ngược lại, sự đau khổ, thất vọng và những lần vỡ mộng là không thể tránh khỏi. Xét về khía cạnh tâm lý, những tâm trạng tiêu cực này giúp cho con người biết cảm kích những khoảnh khắc hạnh phúc hơn trước. Những trải nghiệm không vui dạy cho người ta biết đồng cảm, biết ứng xử chuẩn mực hơn trong quan hệ xã hội và quan trọng nhất là biết cách đối mặt với nghịch cảnh.
Katrina Rozga, chuyên viên trị liệu hành vi tại Trung tâm Phát triển Gia đình Jadis Blurton ở Hồng Kông, chỉ ra rằng tất cả các bậc cha mẹ đều muốn bảo bọc con để con luôn hạnh phúc. Cha mẹ theo lẽ thường luôn thích nhìn thấy nụ cười của con mình, và cảm thấy đau buồn khi con cái của họ không vui. Tuy nhiên, cô Rozga cho rằng nỗi buồn là một phần tự nhiên và đôi khi còn là cần thiết của cuộc sống để con trẻ trưởng thành, trở thành một người lớn hạnh phúc, khỏe mạnh.
Tiến sĩ Mike Shooter, cựu Chủ tịch của trường Cao đẳng Tâm thần học Hoàng gia (Vương quốc Anh), cho rằng nghịch cảnh cũng có mặt tốt của nó, và bày tỏ sự lo lắng của ông đối với những quan niệm sai lầm trong xã hội ngày nay. Ông nói: “Việc theo đuổi không ngừng nghỉ cuộc sống đầy đủ vật chất không cân bằng được cảm giác thỏa mãn về mặt tinh thần”. Ông cho rằng ngay cả khi có cuộc sống sung túc, bạn cũng không thể hoàn toàn thoát khỏi cảm giác buồn bã.
Nhà tâm thần học Lora Lee cho rằng hành xử của cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ con trẻ hoàn thiện về mặt cảm xúc. Cô đặt vấn đề: “Khi con còn nhỏ, ta có thể giúp ngăn cảm xúc thất vọng và buồn bã bằng cách mua món đồ chơi con thích. Nhưng liệu chúng ta có thể mua giùm con sức mạnh tinh thần giúp chúng vượt qua nghịch cảnh trong cuộc sống sau này hay không?”. Theo Lee, cách duy nhất là phải để con trẻ có thể tự mình học cách trở nên mạnh mẽ.
Giúp con trưởng thành
Tiến sĩ Shooter mới đây đã xuất bản quyển sách Growing Pains: Making Sense of Childhood. Phần quan trọng nhất của quyển sách, theo ông Shooter, là trẻ em không thể tự mình xây dựng cho mình tinh thần bền bỉ, sự tận tâm và tính kỷ luật. Tất cả những phẩm chất tốt đẹp đó đều đến từ những trải nghiệm trong cuộc sống. Các bậc cha mẹ có thể giúp con diễn đạt được nỗi đau về tinh thần của chúng, trở thành người bạn lắng nghe, chia sẻ với con mình.
Trong quyển sách này, Tiến sĩ Shooter cũng dành một phần để hướng dẫn cách giúp trẻ đối diện và vượt qua cảm xúc khó khăn. Trong đó, trước hết cha mẹ cần động viên và khuyến khích con trẻ nhận diện và gọi tên cảm xúc tiêu cực bởi vì trước khi có thể vượt qua cảm xúc tiêu cực, ta cần biết nó là gì. Việc này là khó bởi vì hầu hết trẻ em đều không cảm thấy những nỗi buồn, quan điểm và câu chuyện về cảm xúc của mình là quan trọng trong mắt cha mẹ. Hầu hết chúng luôn cho rằng cha mẹ không coi trọng cảm giác của chúng và không thực sự lắng nghe. Để làm được điều này cha mẹ cần nhạy cảm, nhận thấy những biểu hiện giận dữ hoặc buồn bã của con và hỏi han ngay một cách ân cần nhưng nghiêm túc.
Sau khi đã nhận diện được vấn đề, điều cần làm là để trẻ làm quen với những cảm giác tiêu cực. Điều này là nhằm giúp con trẻ không bị choáng ngợp trước cảm giác tiêu cực đó và dám đối diện với nó. Cần lưu ý là nếu trẻ ngỏ ý xin được ở một mình, cần có thời gian suy nghĩ thì hãy thoải mái chấp nhận. Đừng quá vồn vã lo lắng hay hỏi dồn, gây cảm giác xấu hổ và thu mình cho con.
Hãy dạy con cách giải quyết vấn đề qua những bài tập mô phỏng như giúp con nhận biết cảm xúc thông qua việc quan sát người xung quanh. Nếu trông thấy một người đang buồn hoặc giận dữ, hãy hỏi con mình đã từng cảm thấy như vậy hay chưa. Câu hỏi này vừa giúp trẻ con trở nên nhạy cảm hơn, vừa giúp con nhận diện được vấn đề. Tiếp theo, cần hỏi ý con về cách giải quyết vấn đề, cách vượt qua sự giận dữ và buồn bã nếu rơi vào trường hợp đó. Bước này giúp trẻ suy nghĩ nghiêm túc và tự học cách đối diện với điều không may. Ngoài ra, hãy tập cho con thói quen nhận diện và đối mặt với cảm xúc của bản thân, chẳng hạn như viết nhật ký hoặc vẽ tranh hàng ngày.
Vũ Hoàng