Một tuần trước Tết, bạn tôi nhận được món quà Tết sản xuất tại Sóc Trăng – một tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Dù đã được báo trước về món quà này, bạn tôi cũng bất ngờ khi mở ra. Bên trong chiếc thùng các tông đựng quà do dịch vụ chuyển hàng gửi đến là sáu hộp bánh pía. Bất ngờ ở chỗ, theo bạn tôi, bao bì và cách thức trình bày cũng như chất lượng sản phẩm đã mang lại cho chiếc bánh truyền thống này một diện mạo mới.
Bạn tôi bảo, trước hết, là hình thức trình bày. Hộp bánh bằng giấy có thiết kế trang nhã, không hề kém cạnh so với những hộp bánh trung thu hiện đại được chăm chút cẩn thận. Bên cạnh hình ảnh bắt mắt của sản phẩm bên trong, trên chiếc hộp còn ghi rõ thành phần các chất sử dụng làm bánh, khối lượng tịnh, cách bảo quản, hướng dẫn sử dụng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, tên và địa chỉ liên lạc của nhà sản xuất. Ngoài ra, còn có mã vạch và một số ký hiệu quốc tế thường thấy trên bao bì thực phẩm, cũng như chi tiết thành phần dinh dưởng của bánh.
Bên trong mỗi hộp là chín cái bánh đựng trong khay bằng nhựa PET trong suốt, chắc chắn. Mỗi chiếc bánh cũng được bọc nhựa riêng, niêm kín. Cách bảo quản này vừa giúp người sử dụng có thể dùng từng chiếc một mà vẫn bảo đảm hạn sử dụng cho số còn lại, vừa bảo đảm bánh không bị ảnh hưởng khi vận chuyển.
Trên hộp còn in một dòng chữ mà chắc người Việt nào cũng có thể thấy tự hào: MADE IN VIETNAM (sản xuất tại Việt Nam). Ngoài ra, mỗi hộp còn được tặng kèm một túi xách có quai, trên đó in tên sản phẩm và địa chỉ của nhà sản xuất. Nếu trên hộp bánh chủ yếu là tiếng Việt, thì trên túi giấy đựng hộp lại là tiếng Anh. Rõ ràng, đây là một chủ ý của nhà sản xuất hướng đến khách hàng nước ngoài hay thị trường xuất khẩu.
Bạn tôi kể, khi cắt bánh ăn thử cũng ngạc nhiên không kém những gì thấy trên bao bì. Theo bạn, ngoài việc giữ được hương vị truyền thống lâu nay của bánh pía Sóc Trăng, bánh pía bạn được tặng còn “cách tân” ở chỗ không quá ướt và không có nhiều dầu, bảo đảm dinh dưỡng tốt hơn theo quan điểm sức khỏe hiện nay.
Còn tôi thì bảo bạn đừng quá ngạc nhiên vì… xưa rồi Diễm. Một số nhà sản xuất thực phẩm trong nước đã chú ý đến tất cả những đặc điểm mà bạn tôi đã mô tả về chiếc bánh pía bạn được tặng. Chẳng hạn, bánh đậu xanh, sản phẩm nổi tiếng của Hải Dương, đã từ lâu có những điều như vây. Cũng phải thôi, vì đây là việc cần làm nếu muốn sản phẩm của mình được yêu chuộng trong nước và bước ra thế giới.
Ở đây, xin nói thêm một chút về một vấn đề khác có liên quan. Đó là chuyện xuất khẩu quà Tết sản xuất tại Việt Nam. Rõ ràng, nếu xét đến con số khoảng 5,3 triệu kiều bào đang sống ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ(1), đây cũng có thể là thị trường tiềm năng. Trong vòng năm năm, 2015-2020, người Việt ở nước ngoài đã gửi về lượng kiều hối hơn 71 tỉ đô la Mỹ, đạt tăng trưởng trung bình 6%/năm(2). Chắc chắn rằng nhiều người trong số đó vẫn còn nhớ Tết, nhớ hương vị xuân ở quê nhà, và quà Tết vẫn còn là một nhu cầu đối với họ.
Tuy nhiên, dường như thị trường tiềm năng này vẫn chưa được chú trọng và khai phá. Ở Việt Nam, có một số cơ sở sản xuất chỉ cần sản xuất một mùa Tết là đủ ăn cả năm. Vậy thì sao chúng ta không nghĩ đến thị trường này ở hải ngoại?
Người viết bài này đã thử gõ từ khóa “quà Tết xuất khẩu” và “xuất khẩu quà Tết” trên Google, kết quả chỉ toàn là các website “quà Tết nhập khẩu”! Có thể thấy, dường như chúng ta còn bỏ trống hay chưa chú ý khai thác thị trường này.
Ngày xuân, các nhà sản xuất Việt Nam, các tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài và các nơi khác có trách nhiệm hãy cùng suy nghĩ tìm hướng đi mới cho Tết năm sau nhé!
Trần Thanh Tâm
Theo KTSG Online
————–