Cả thế giới trong đó có Việt Nam đã trải qua hai năm đại dịch Covid-19 ở cấp độ từ nặng đến nhẹ. Nhiều biện pháp từ cứng rắn chuyển sang nới lỏng rồi lại vòng ngược về cứng rắn được áp dụng với mục tiêu “đảm bảo an toàn cho mỗi người và cả cộng đồng”.
Tuy nhiên, trong khi mải mê đuổi theo mục đích an toàn, Việt Nam cụ thể hơn là từng địa phương dường như bỏ qua cái nhu cầu rất cấp thiết của con người là được đi du lịch, được giao lưu sau hơn nửa năm đóng cửa nằm nhà.
- Điểm đến được nhiều người Việt lựa chọn để du lịch trong năm 2022
- Tàu nhà hàng trên kênh xáng Xà No kỳ vọng đưa du lịch Hậu Giang "cất cánh"
- Du lịch miền Tây rục rịch mở cửa trong tình hình mới
Nhu cầu đi du lịch, giao lưu không thể biến mất sau nửa năm bó gối trong nhà vì Covid mà ngược lại còn bùng lên, cấp thiết chẳng khác loại “thực phẩm thiết yếu” hồi cao điểm giãn cách trong quí ba vừa qua ở TPHCM. Tháng 10-2021, thành phố ngừng giãn cách cũng là lúc những người mê xê dịch, vận động tái khởi động những chặng đi ngắn rồi nối tiếp bằng chặng dài hơn trong hai tháng 11-12, bất chấp biến thể Omicron xuất hiện với thông tin “nay tốt, mai xấu” trên các phương tiện truyền thông và số ca mắc Delta đều đều ở mức trên dưới 1.000, rồi 500-600 người mỗi ngày. Du lịch – không nghi ngờ gì nữa – chính là một phần không thể thiếu của người dân sinh sống ở thành phố này, và có lẽ cũng như vậy ở các thành phố khác của Việt Nam.
Nhưng có lẽ sẽ phải mất ít nhất một năm nữa, nghĩa là phải hết năm 2022, chuyện đi du lịch nước ngoài mới có thể trở lại dễ dàng như trước dịch. Trong tình huống đó, địa phương nào “gãi đúng chỗ ngứa” của người đi du lịch sẽ sớm vực dậy được ngành du lịch của mình.
Một nguyên tắc nhưng nhiều kiểu làm
Là người có cơ hội đi du lịch qua nhiều địa phương sau khi TPHCM bước vào thời kỳ “bình thường mới” từ ngày 1-10-2021, tôi cũng có quan sát, tham khảo ý kiến của nhiều người và thấy rằng, trong dịch dã chưa biết khi nào mới dứt này, những người thích du lịch tự túc sẽ lựa chọn một dạng thức du lịch sao cho vừa thỏa mãn thú vui “xê dịch” vừa bảo đảm an toàn cho bản thân.
Lúc này, khái niệm thuận tiện, thoải mái nhưng vẫn phải an toàn sẽ trở thành lựa chọn hàng đầu của những người khao khát du lịch. Và những địa phương, cơ sở du lịch nào bảo đảm được điều này sẽ có nhiều cơ hội gặt hái thành công trong thời “bình thường mới” – thời sống chung với dịch, bảo đảm nguồn thu từ hoạt động du lịch cho địa phương cũng như đảm bảo sinh kế cho người dân vốn đã quá khổ sở sau nửa năm gắn chốt, giăng dây, cấm đoán.
Đơn cử đầu tháng 12, nhóm chúng tôi chọn đi du lịch ở Ninh Thuận vì địa phương này không đặt ra những rào cản với khách từ TPHCM. Xe ô tô chạy từ TPHCM ra đến Bình Thuận không có tiệm ăn nào mở cửa, hai bên đường chủ yếu thấy dây giăng, đến ranh giới giữa Bình Thuận và Ninh Thuận thì tìm thấy một quán ăn nhưng “chỉ bán mang đi”. Quá giờ trưa, hơi đói bụng nhưng đành ngậm ngùi chạy xe tiếp. Thật may là Ninh Thuận khác hẳn khi có nhiều quán ăn mở cửa.
Chủ quán ăn nơi xe chúng tôi ghé vào niềm nở đón khách, hướng dẫn chỗ để xe dù bãi xe còn vắng và phục vụ tận tình. Trong quán cũng có lác đác vài bàn khách đang ăn, mỗi bàn đều xa nhau ít nhất là 3 mét và trên mỗi bàn đều có nước rửa tay dành cho thực khách. Nhân viên quán không nhiều nhưng ai cũng đeo khẩu trang và theo lời ông chủ quán là “đã chích vaccine hai mũi”. 5K cơ bản + vaccine và mở cửa, cũng nguyên tắc đó nhưng Ninh Thuận cho dân mở quán bán, còn Bình Thuận thì chỉ cho “bán mang đi”.
Trước đây, khi chính quyền các tỉnh thực hiện các biện pháp tăng cường chống dịch triệt để như cấm bán hàng ăn tại chỗ, dựng chốt hạn chế người tỉnh khác đến, hay buộc cách ly y tế người từ TPHCM về thì cái lý chính là tỷ lệ người tiêm vaccine ở địa phương còn thấp. Tuy nhiên, đến tháng 12 thì các tỉnh như Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận đều nằm trong tốp tỉnh có tỷ lệ người dân trên 18 tuổi tiêm hai mũi trên 90%.
Vậy lý do cho những cấm đoán nêu trên là gì, hay chỉ là đem đến phiền phức cho người muốn đi du lịch mà thực sự cũng không thể kéo giảm số ca mắc mới xuống. Đó là chưa nói việc đếm số ca mắc mới cũng không còn là điều cần thiết nếu thực sự sống đúng với tinh thần “sống chung với SARS-CoV-2”.
Cũng nói thêm rằng, đến ngày 19-12-2021 thì Bình Thuận đã bỏ các chốt kiểm soát vào Phan Thiết và cho phép bán hàng ăn tại chỗ, tuy nhiên, vẫn chưa nhiều khách du lịch muốn đến vì đường phố còn vắng vẻ. Khi tôi đến nơi này vào ngày 21-12, các quán ăn chuyên phục vụ khách du lịch thì vẫn cửa đóng then gài. Còn đến ngày 9-12 thì Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã cho phép khách sạn, nhà hàng phục vụ trở lại, thế nhưng khách sạn tôi thường ở dường như chưa có sự chuẩn bị gì nên hẹn đến 22-12 mới mở cửa lại.
Sống chung với dịch: nói được, làm… chưa được
Tuần thứ hai của tháng 12 vừa qua, nhóm chúng tôi đã đến Đà Lạt – nơi vẫn khá gắt gao với việc đón khách từ TPHCM.
Trong các khách sạn mở cửa thời điểm chúng tôi đến, một khách sạn có vốn Nhà nước vẫn yêu cầu khách ra trạm y tế test nhanh, còn đa số khách sạn tư nhân tuyên bố chỉ nhận khách có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính, nhưng buộc khách phải test tại phòng chờ khách sạn.
Test nhanh tại chỗ trước khi nhận phòng cũng là cách chấp nhận được, và một cách nào đó, khách lưu trú được yên tâm hơn. Còn nhớ vào tháng 10 trước đó, những người tỉnh khác đến Lâm Đồng phải tự ra trạm y tế phường khai báo và thực hiện xét nghiệm nhanh tại trạm y tế địa phương dù họ có sẵn trong tay giấy chứng nhận test nhanh của các địa phương khác.
Tuy nhiên, có một điều thực sự vẫn chưa theo tinh thần sống chung với virus, đó là nếu phát hiện F0 thì cả F0 và F1 đi chung đoàn sẽ phải đi cách ly tập trung, cả nhân viên khách sạn đứng giám sát chúng tôi thực hiện test cũng phải “đi” luôn. Trong khi Bộ Y tế thời điểm này đã đồng ý cho F0 không triệu chứng được cách ly tại nhà vậy thì việc “hốt” cả F0, F1 đi như vậy có thực sự đúng tinh thần này? Chưa kể còn gây sợ hãi cho những người muốn du lịch.
Tháng 12, tuần nào tôi cũng ghé Phan Rang xem cách mảnh đất làm du lịch này nỗ lực hồi sinh. Thật vui khi thấy lượng khách ở quán ăn và các khách sạn tại Phan Rang đã cải thiện dần qua mỗi tuần, cho thấy cuộc sống phần nào đã trở lại bình thường, điều này hiếm ở các tỉnh khác ở dải đất miền Trung giàu tiềm năng du lịch.
Tháng 12, những thành phố nổi như cồn về du lịch, như Nha Trang, Tuy Hòa, Phan Thiết vẫn rất đìu hiu, các khách sạn 4-5 sao tắt đèn tối thui, những nơi mở cửa thưa vắng khách, cả tòa khách sạn chỉ lác đác vài ô cửa sáng đèn. Khách sạn nào cũng trang bị cồn rửa tay và thực hiện các yêu cầu phòng dịch như yêu cầu có giấy xét nghiệm còn hiệu lực hoặc tự test tại chỗ, khách đã tiêm hai mũi vaccine.
Nhưng có vẻ việc bảo đảm an toàn cho khách vẫn ở mức cơ bản, có phần máy móc, thiếu sự chu đáo dành cho du khách.
Còn nhớ một khách sạn Nhật Bản đã đặt vào rổ vật dụng sát khuẩn ngừa Covid ở mỗi phòng một chiếc túi nhỏ đựng một chai cồn khô mini và túi giấy cồn sát khuẩn. Là vì khách sạn đã nghĩ giùm cho những vị khách lơ đễnh quên mang cồn rửa tay hay đột nhiên bị hết nước rửa tay giữa chừng thì vẫn có thứ để dùng. Nghĩ giùm cho khách cũng là cách bảo vệ sự an toàn cho họ. Thật chu đáo.
Do vậy, những điểm đến thực sự nghĩ đến khách hàng bằng cách tạo sự thuận tiện, thoải mái và an toàn cho du khách chắc chắn sẽ chiếm được trái tim của họ.
Thủy Triều
Theo Kinh tế Sài Gòn Online