Sau khi tạo những thay đổi bước ngoặt trong ngành hàng không Đông Nam Á hai thập niên trước, hãng hàng không giá rẻ AirAsia đang nỗ lực cạnh tranh gay gắt trong mảng gọi xe công nghệ. Hãng bay này có tham vọng vượt mặt Grab và Gojek trên thị trường gọi xe công nghệ vốn đang do hai hãng này thống lĩnh.
- Ứng dụng xe công nghệ đồng loạt nhận giao hàng liên quận
- Ứng dụng gọi xe công nghệ Be bổ nhiệm Tổng giám đốc mới
Đương đầu với những “người khổng lồ”
Dịch vụ gọi xe AirAsia Ride đang định vị để có thể đương đầu với hai “người khổng lồ” nêu trên, trong tham vọng trở thành hãng gọi xe công nghệ hàng đầu trong 5 năm tới – Amanda Woo, giám đốc điều hành của AirAsia SuperApp, bộ phận quản lý mảng kinh doanh phi hàng không. Bên cạnh mảng gọi xe công nghệ, bà Woo còn phụ trách mảng giao nhận thực phẩm và bưu kiện, cũng như kinh doanh hàng miễn thuế và hàng tạp hóa.
Sau khi ra mắt vào tháng 8, dịch vụ gọi xe của AirAsia hiện đã có mặt ở tất cả các thành phố lớn ở Malaysia, với tổng số lượt đặt xe (booking) hơn 6 chữ số mỗi tháng và thu hút 30.000 tài xế – CEO Woo nói với tờ báo Nikkei Asia.
“Tôi luôn vững tin rằng AirAsia Ride sẽ chiếm lĩnh thị trường trong khu vực, giống như cách chúng ta đã từng làm trong lĩnh vực hàng không”, bà nói.
AirAsia Ride là một bộ phận của tập đoàn AirAsia, do nhà sáng lập Tony Fernandes đồng sở hữu. “Ông trùm” về hàng không giá rẻ bắt đầu chuyển sang các mảng kinh doanh phi hàng không sau khi Covid-19 làm tê liệt hoạt động du lịch hàng không từ tháng 2-2020.
Từ những bước đầu tiên trong mảng vận tải hàng hóa và đại lý du lịch trực tuyến, tỉ phú Fernandes hiện đang nắm trong tay một đế chế gồm nhiều doanh nghiệp trực tuyến từ nhà hàng đến thực phẩm, cửa hàng tạp hóa và chuyển phát bưu kiện cũng như bảo hiểm và cho vay nhỏ. Bộ phận kinh doanh kỹ thuật số của AirAsia được định giá 1 tỉ đô la vào tháng 7. Và ông Fernandes mong rằng bộ phận này sẽ tạo ra một nửa tổng thu nhập của tập đoàn trong trung hạn.
Hồi tháng 7, AirAsia Digital đã mua lại hoạt động của Gojek tại Thái Lan trong một hợp đồng mua bán cổ phần trị giá 50 triệu đô la. Khoản đầu tư của Gojek trị giá 40 triệu đô la, trong khi của dịch vụ thanh toán số GoPay là 10 triệu đô la – đổi lại gần 5% cổ phần của AirAsia Digital.
Theo báo cáo “Thị trường dịch vụ đi chung ASEAN năm 2021” của hãng Frost & Sullivan, thị trường xe công nghệ vẫn còn non trẻ và sẽ tiếp tục phát triển mặc dù tỷ lệ sở hữu xe riêng tương đối cao ở một số quốc gia ASEAN. Lý do: giao thông đông đúc và lưu lượng xe cao tại vài thành phố chính trong khu vực sẽ khiến nhu cầu gọi xe công nghệ gia tăng.
Hiện cư dân đô thị ở Đông Nam Á gặp nhiều khó khăn trong việc tìm chỗ đậu xe hay phải trả phí cao cho đậu xe hay gửi xe, chẳng hạn tại các tòa nhà văn phòng và thương mại. Gọi xe công nghệ giúp khắc phục những nhược điểm này. Nhưng các hãng mới sẽ gặp rất nhiều thách thức do Grab và Gojek đã hình thành được đội xe và lượng khách đông đảo nhất tại Đông Nam Á. “Vì thế, các rào cản gia nhập thị trường gọi xe công nghệ tương đối cao”, báo cáo viết.
Thế mạnh của hệ sinh thái công nghệ
Theo các tài liệu cho đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vừa qua, Grab đã trở thành hãng gọi xe công nghệ hàng đầu ở Malaysia kể từ khi Uber rút lui năm 2018. Công ty đã chiếm lĩnh hơn 72% thị trường địa phương tính đến năm 2020. AirAsia Ride sẽ cạnh tranh với Grab trên thị trường chính ở Malaysia, sau đó mở rộng sang Thái Lan trong năm nay và tiếp đó là Indonesia và Philippines. Hãng đã bắt đầu quá trình xin giấy phép ở các nước này.
“Chúng tôi không gặp bất cứ vấn đề gì trong việc xin phép bởi chúng tôi là một thương hiệu nổi tiếng ở những quốc gia này,” bà Woo cho biết.
AirAsia cũng đang hợp tác với các công ty đối tác địa phương ở ba quốc gia trên để đảm bảo mọi chuyện hoạt động suôn sẻ khi ra mắt.
Tuy nhiên, bà Woo từ chối giải thích chi tiết về kế hoạch tài chính cho việc mở rộng AirAsia Ride và các doanh nghiệp kỹ thuật số lớn hơn. “Tất cả được hoàn thiện theo quy mô của dòng vốn đầu tư vào tập đoàn,” bà Woo nói.
So với các đối thủ cạnh tranh, lợi thế của AirAsia Ride là hệ sinh thái hoàn chỉnh cũng như khả năng chia sẻ dữ liệu từ các hoạt động hàng không của hãng. CEO Woo nhấn mạnh rằng đây là điều khiến AirAsia Ride trở nên “độc nhất vô nhị” trong khu vực.
“Chẳng bao lâu nữa chúng tôi sẽ kết hợp chia sẻ thông tin chuyến đi đến sân bay khi ai đó mua vé máy bay của họ. Hệ thống sau đó sẽ chỉ định người lái xe đang ở gần nhất lúc khách đáp máy bay. Đây là một phần của hệ sinh thái của chúng tôi… Điều này là duy nhất và không ai khác có thể làm điều này”, bà giải thích.
Ricky Hồ
Theo Kinh tế Sài Gòn Online