Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Caravan lên Tây Nguyên: Trải nghiệm Trường Sơn Đông và Măng Đen

Du lịchHành trình nối những miền xanhCaravan lên Tây Nguyên: Trải nghiệm Trường Sơn Đông và Măng Đen

(SGTT) – Tiếp sau những trải nghiệm thú vị tại suối đá cổ Làng Vân và núi lửa Chư Đăng Ya, người viết chia sẻ tiếp những câu chuyện hòa mình vào không gian đại ngàn trong chuyến caravan cuối năm.

Sáng ngày xuất phát, đoàn caravan đón cơn mưa mùa Đông tại Đà Nẵng. Nhưng cơn mưa không làm giảm đi sự hưng phấn của đoàn, đặc biệt là các bạn từ nhóm Caravan Việt Nam – những người đã chạy xe suốt một ngày đêm để đến Đà Nẵng tháp tùng cùng đoàn.

Sau khi thưởng thức đặc sản của Đà Nẵng – mì Quảng, Ban tổ chức làm việc với 12 trưởng xe thống nhất một lần nữa về hành trình và phát bộ đàm để liên lạc.

Điểm đến đầu tiên của đoàn là Trường Sơn Đông đoạn nối Quảng Ngãi và Kontum.

Chúng tôi đi theo hướng quốc lộ 24B để đi vào con đường đèo Trường Sơn Đông huyền thoại uốn lượn, trải dài và êm ả.

Đến đây, đoàn bắt đầu thực sự cảm nhận được cái se lạnh, sự hùng vĩ, không gian xanh mát của Đại Ngàn. Một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, thấp thoáng giữa những tầng mây, sương mù thoắt ẩn, thoắt hiện và tan dần khi nắng lên.

Đoàn dừng lại tại một đoạn suối có tâm bia đá ghi địa danh Trường Sơn Đông giữa núi đồi trùng điệp với bạt ngàn rừng xanh tươi tốt để “hít” không khí trong lành và “check-in”, tạm thoát khỏi ồn ào phố thị.

Đến chiều, đoàn đặt chân đến Măng Đen, tham quan một số điểm du lịch dã ngoại tại đây, bao gồm hồ Đắk Ke và trải nghiệm vườn cam rộng bạt ngàn trước khi về đến Homestay Măng Đen – Sóc’s House để ngủ nhà sàn và ngủ lều.

Ấn tượng đầu tiên là khu nhà được làm hoàn toàn bằng vật liệu tự nhiên sẵn có tại địa phương, thân thiện môi trường. Sự kết hợp mộc mạc, đơn giản của gỗ và đá, tôn thêm sự sang trọng nhẹ nhàng của những căn phòng.

Chị Y Trang, chủ Sóc’s House kể gỗ dựng nhà được mua lại từ những nhà cũ của người đồng bào địa phương. Thông và từng cái cây xung quanh đất được gìn giữ hoàn toàn. Không một cái cây nào bị chặt đi để nhường đất xây nhà, mà là nhà xây lên phải né cây.

Ngủ lều giữa đồi núi, đốt lửa, nướng khoai, ngâm nga những bài hát giữa núi rừng Măng Đen là cảm giác mà các thành viên không thể nào quên trong đêm đầu tiên của chuyến đi.

Sáng hôm sau, cả đoàn dậy sớm, tạm biệt chị chủ nhà tốt bụng để tham quan thác Pa Sỹ nằm ở độ cao khoảng 1.500 m so với mực nước biển. Thác được hình thành từ 3 ngọn suối lớn nhất ở Măng Đen, nên được gọi là Pau Suh, theo tiếng dân tộc Rơ Mâm có nghĩa là 3 nguồn suối chụm lại thành một dòng. Sau này tên thác được đọc chệch đi thành Pa Sỹ.

Nhà rông Kon Klor Kon Tum - được coi là nhà rông lớn nhất Kon Tum và Tây Nguyên – và cầu treo Kon Klor là điểm đến thú vị khác trong ngày. Nhà rông Kon Klor được thiết kế theo kiểu truyền thống với chất liệu hoàn toàn bằng gỗ, tranh, tre, nứa, lá với những hoa văn, họa tiết sắc xảo đặc trưng của dân tộc Ba Na. Đặc biệt, toàn bộ phần trụ và mặt sàn mới đều được làm bằng gỗ xoay - một loại gỗ quí hiếm. Nhà rông Kon K’lor nằm trong một khuôn viên có cổng và tường bao quanh, nhà rông nằm gần bên sông Dak b’la “nước chảy ngược dòng" và cầu treo Kon Klor. Nơi đây là điểm thu hút khách tham quan du lịch chụp ảnh cưới, “check-in” khi tới Kontum.

Xen lẫn trong hai điểm đến trên, đoàn ghé thăm chùa Khánh Lâm với kiến trúc độc đáo và Nhà thờ Gỗ Kontum nổi tiếng.

Đoàn kết thúc ngày thứ hai với tiệc đêm mừng Giáng sinh muộn tại Homestay Nhà Tôi – nơi mà chủ nhà luôn truyền tải thông điệp “Hãy đến nhà tôi và xem như nhà của mình”. Nằm giữa đồng ruộng mênh mông, đây là điểm “check-in” sinh thái cho những ai muốn hòa mình với thiên nhiên.

Trong kỳ cuối cùng của loạt bài Caravan lên Tây Nguyên, người viết sẽ nói về tiềm năng phát triển sản phẩm caravan – một mô hình phù hợp sống chung với dịch.

Nhân Tâm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục