Thứ bảy, Tháng mười một 9, 2024

Muốn đi du lịch, phải chấp nhận… bị ngoáy mũi

(SGTT) - Hiện nay, tại nhiều khách sạn trên cả nước và một số địa phương vẫn yêu cầu có giấy xét nghiệm hoặc test nhanh âm tính. Như vậy, khách muốn lưu trú hoặc đi du lịch vẫn phải chấp nhận bị ngoáy mũi dù các quy định về đi lại đã “giãn” hơn trước rất nhiều.
Khách từ TPHCM, Cần Thơ di chuyển nội địa bằng đường hàng không sẽ không phải cung cấp giấy xác nhận âm tính với Covid như trước.

Chiều ngày 27-12 vừa qua, Bộ GTVT đã có văn bản bỏ quy định hành khách bay từ TPHCM, Cần Thơ phải có chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ; chỉ còn áp dụng đối với trường hợp hành khách cư trú, lưu trú trước chuyến bay tại địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).

Trước đó, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người dân di chuyển từ tỉnh này đến tỉnh khác không phải xét nghiệm, cách ly (nếu không đến từ vùng dịch cấp 3, 4 hoặc không tiếp xúc gần với F0). Việc xét nghiệm, cách ly chủ yếu áp dụng đối với người chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đủ liều; người đi từ khu vực nguy cơ rất cao, khu vực nguy cơ cao đến vùng nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn...

Như vậy, nếu khách khởi hành từ TPHCM, Cần Thơ hoặc các tỉnh phía Nam không thuộc vùng dịch cấp độ 4 hoặc vùng phong tỏa sẽ không phải bị "ngoáy" mũi để test Covid trước khi đi máy bay như trước. Nhưng hiện tại, nhiều khách sạn trên cả nước và một số địa phương vẫn yêu cầu có giấy xét nghiệm hoặc test nhanh âm tính. Như vậy, khách muốn lưu trú hoặc đi du lịch vẫn phải chấp nhận bị "ngoáy" mũi.

Điệp khúc… ngoáy mũi

Sáng ngày 28-12, chị Uyên (ngụ TPHCM) có chuyến du lịch 3 ngày đến Tuyên Quang. Hành trình của chị phải ghé vào Hà Nội nghỉ 1 đêm. Trước khi khởi hành từ TPHCM, ngày hôm trước chị đã phải đi test Covid (lúc này chưa có thông báo bỏ quy định hành khách bay từ TPHCM phải có chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính). Lúc làm các thủ tục check-in khách sạn, nhân viên lại yêu cầu kiểm tra giấy xét nghiệm, nếu không có, khách sẽ được test nhanh tại chỗ thì mới được nhận phòng.

Ngày hôm sau, theo chia sẻ của chị Uyên, khi đến Tuyên Quang, nhóm của chị cũng phải rồng rắn xếp hàng để trình giấy xét nghiệm âm tính Covid mới được vào, nếu ai không có giấy (xét nghiệm) thì phải chịu cảnh ngoáy mũi (test nhanh) tại chỗ.

Tại các điểm tham quan ở Côn Đảo, du khách phải khai báo y tế bằng ứng dụng PC-Covid, khai báo giấy và sát khuẩn trước khi vào tham quan.

Trước đó, ngày 27-12, chị Trương Thị Lan (ngụ Bình Phước) có chuyến du lịch đến Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), trước khi bay, chị cũng đã đi test nhanh Covid. Tới nơi, về khách sạn, chị cũng bị ngoáy mũi thêm lần nữa (chi phí từ 110.000 – 150.000 đồng/mẫu, khách tự trả) trước khi làm thủ tục nhận phòng, dù kết quả test trước của chị đó vẫn trong thời gian 72 tiếng.

Trong chuyến bay khởi hành từ TPHCM hôm ấy của chị Lan, hệ thống y tế thông báo đến các khách sạn tại Côn Đảo, có một khách test nhanh cho ra kết quả dương tính với Covid, nhóm của chị được yêu cầu ở tại khách sạn không ra ngoài. Sau khi vị khách kia thực hiện test lại bằng phương pháp PCR và cho ra kết quả âm tính, nhóm của chị cũng được đội ngũ y tế tới để test lại (test nhanh) trước khi được ra ngoài.

“Thở phào nhẹ nhõm vì kết quả tất cả đều âm tính nhưng thật tình chúng tôi hồi hộp và lo lắng”, chị Lan chia sẻ và cho biết nếu chẳng may trong chuyến bay có F0, cả máy bay bị cách ly 7 ngày thì không biết sẽ phải như thế nào.

Theo tìm hiểu, bên cạnh các khách sạn hiện vẫn áp dụng biện pháp test nhanh Covid với khách trước khi nhận phòng, một số địa phương cũng yêu cầu người vào tỉnh phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 hoặc sẽ test nhanh.

Quy định có giấy xét nghiệm âm tính bằng test nhanh còn hiệu lực trong 48 giờ hoặc PCR trong 72 giờ được Bắc Giang duy trì từ cuối tháng 10 đến nay. Ban đầu, quy định chỉ áp dụng với người từ nơi có ca nhiễm cộng đồng, về địa phương dự sự kiện, hội họp đông người, sau mở rộng ra với tất cả người vào Bắc Giang. Nếu không có giấy xét nghiệm trước, người dân sẽ được test nhanh ngay tại chốt, chi phí tự trả.

Các tỉnh như Vĩnh Phúc cũng yêu cầu người về tỉnh này phải có xét nghiệm âm tính bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh, khai báo y tế và báo với địa phương. Ninh Bình hiện cũng yêu cầu người từ Hà Nội và một số tỉnh có nguy cơ cao, khi về phải khai báo y tế và lấy mẫu test nhanh kháng nguyên hoặc PCR phù hợp các vùng dịch tễ.

Du khách khai báo y tế.

Quảng Ninh không yêu cầu giấy xét nghiệm nhưng sẽ cách ly tập trung với người đến từ vùng dịch cấp độ 3,4. Người đã tiêm đủ hai liều vắc-xin cách ly tập trung 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ nhất và thứ bảy, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày; người chưa tiêm đủ hoặc đã tiêm đủ liều vắc-xin nhưng liều cuối cùng chưa qua 14 ngày sẽ phải cách ly tập trung 14 ngày, xét nghiệm 3 lần vào ngày thứ nhất, thứ bảy và thứ 14.

Lào Cai, Cao Bằng quy định cách ly tập trung đối với người đến từ vùng đỏ; cách ly tại nhà người từ vùng cam. Trong đó, người từ vùng đỏ thuộc diện F0 khỏi bệnh hoặc đã tiêm đủ liều, khi đến Lào Cai sẽ phải cách ly tập trung 7 ngày và lấy mẫu xét nghiệm 2 lần; người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều phải cách ly tập trung 14 ngày và lấy mẫu xét nghiệm 3 lần.

Với người ở vùng cam, ngành y tế Lào Cai yêu cầu cách ly tại nhà 7 ngày người đã khỏi bệnh hoặc tiêm đủ liều, lấy mẫu xét nghiệm hai lần; người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi phải cách ly tại nhà 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm hai lần.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đức Hiệp, Tổng giám đốc Công ty du lịch Viettourist, việc phân vùng theo cấp độ dịch thay đổi hàng ngày nên rất khó lường. “Hiện nay, độ phủ vắc-xin 2 mũi của cả nước đã đạt hơn 80% nên có thể xem là tạo được miễn dịch cộng đồng”, ông Hiệp nói và cho biết thêm các địa phương vẫn áp dụng biện pháp test Covid với người vào tỉnh vì lý do hạ tầng y tế yếu, sợ lây nhiễm cộng đồng dân cư và “sợ cả trách nhiệm”.

Theo các doanh nghiệp lữ hành, nhu cầu khách đi du lịch là có nhưng hiện các địa phương mỗi nơi áp dụng biện pháp phòng dịch khác nhau nên rất khó để đẩy mạnh bán tour.

Để khách đi du lịch “dễ thở” và doanh nghiệp lữ hành có thể triển khai được tour, nhiều giám đốc công ty du lịch cho rằng, cần có một hướng dẫn chung, quy định hết các điều kiện đi du lịch, đón và phục vụ khách.

Hiện nay, mỗi nơi áp dụng một kiểu phòng chống dịch trong khi nhu cầu khách đi du lịch nhiều, dễ dẫn tới khách bị “mắc kẹt” hoặc tăng khả năng lây nhiễm nếu có.

Nguyễn Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Tour du lịch thích ứng thời tiết: Không nên chỉ là...

1
(SGTT) – Theo nhận định từ một số chuyên gia du lịch và đơn vị lữ hành, sản phẩm du lịch thích ứng với...

Tour du lịch thích ứng thời tiết tại miền Trung

2
(SGTT) - Tình hình mưa lũ ngày càng diễn biến phức tạp đã đặt ra nhiều thách thức cho ngành du lịch. Tuy nhiên,...

Du lịch miền Bắc ảnh hưởng nặng nề vì bão lũ

0
(SGTT) - Bão Yagi không chỉ gây ra những tổn thất nặng nề về người và của, mà còn khiến ngành du lịch miền...

Loạt tour du lịch miền Bắc bị hoãn, hủy do ảnh...

0
(SGTT) – Ghi nhận tại một số doanh nghiệp lữ hành, bão Yagi và hệ quả sau bão đã khiến nhiều tour du lịch...

Chuyện cái nhà vệ sinh ở điểm đến hàng đầu Đông...

0
(SGTT) - Năm 2023, tôi bất ngờ khi đọc được tin tức “Malaysia là địa điểm du lịch quốc tế hàng đầu Đông Nam...

Khám phá 9 khu du lịch quốc gia ở Việt Nam

0
(SGTT) - Tính đến tháng 5-2024, đã có 9 khu du lịch quốc gia (DLQG) được công nhận, gồm khu DLQG Tuyền Lâm (Lâm...

Kết nối