(SGTT) - Ngày 28-12, Bộ Y tế vừa thông tin về trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam.
- Sở Y tế TPHCM bác thông tin xuất hiện biến chủng Omicron
- TPHCM bố trí bệnh viện điều trị riêng cho người nhiễm biến chủng Omicron
- TPHCM lên kế hoạch ứng phó thế nào với biến chủng Omicron?
Theo Bộ Y tế, thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam và báo cáo sơ bộ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Trung tâm Nghiên cứu y học Việt Đức) đã thông báo về trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam.
Theo đó, ngày 19-12, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận 1 trường hợp là hành khách K.V.H.M. trên chuyến bay QH9028 từ Anh Quốc về Việt Nam. Khi về đến sân bay Nội Bài (tối ngày 19-12), hành khách có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2.
Với yếu tố dịch tễ của bệnh nhân K.V.H.M. là trở về từ Anh Quốc, ngày 20-12, Bệnh viện đã tiến hành giải trình tự bộ gene SARS-CoV-2 nhiễm trên bệnh nhân này bằng phương pháp giải trình tự thế hệ mới sử dụng công nghệ Oxford Nanopore (ONT), kết quả nghi ngờ nhiễm biến chủng Omicron.
Tuy nhiên, do biến chủng Omicron có chứa đến 36 đột biến trong gai protein, trong đó có một số đột biến điểm, đột biến mất đoạn trong lần giải trình tự này còn chưa rõ ràng. Vì vậy, ngày 21.12.2021 Bệnh viện tiếp tục tiến hành lấy mẫu, giải trình tự lại cho bệnh nhân M.
Kết quả xác định bệnh nhân mang biến chủng Omicron (B.1.1.529) với 34 đột biến trên protein gai. Đây là trường hợp đầu tiên nhiễm biến chủng Omicron ghi nhận tại nước ta từ người nhập cảnh, đã được cách ly, quản lý kịp thời ngay từ khi nhập cảnh.
Chuyên gia nêu "điểm nguy hiểm nhất" ở biến thể Omicron
Mới đây nhất, ngày 28-12, Bộ Y tế vừa có thông báo về trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam.
Theo báo Người lao động, các chuyên gia cho rằng điểm nguy hiểm nhất ở biến thể này là virus mang 32 gen đột biến khi xâm nhập thì khả năng tương tác với chủng Delta sẽ dễ tạo thành biến chủng khác. Khi số ca mắc tăng nhanh có thể gây quá tải hệ thống y tế, nguy cơ tăng nặng và tử vong cũng gia tăng.
Biến thể này được WHO từ Nam Phi báo cáo lần đầu vào ngày 24-11. Hiện có hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận các ca nhiễm mang biến thể Omicron.
Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ trả lời câu hỏi tại sao chọn Việt Á?
Theo báo Thanh niên, ngày 28-12, Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Phạm Công Tạc đã chia sẻ với báo giới quanh vụ việc liên quan đến Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á).
Trước câu hỏi tại sao Công ty Việt Á được chọn sản xuất kit xét nghiệm Covid-19, ông Tạc nói trước khi giao nhiệm vụ cho Học viện Quân y, nhiều người khuyến cáo ở Việt Nam lựa chọn công ty nào có thể sản xuất được kit xét nghiệm lên tới hàng triệu cái. Công ty Việt Á là một trong những đơn vị sản xuất kit xét nghiệm và các nhà khoa học Học viện Quân y đã đề xuất Việt Á tham gia.
Về việc kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Á được cấp phép "thần tốc", theo ông Tạc, vào tháng 3-2020, Việt Nam vô cùng thiếu kit xét nghiệm. Trong kho của Bộ Y tế có lúc còn 50 cái. Tuy nhiên muốn đặt mua cũng không mua được.
Các nhà khoa học về dịch tễ yêu cầu Bộ Khoa học - Công nghệ cho nghiệm thu ngay kit xét nghiệm. "Chúng tôi họp nghiệm thu và sau đó hội đồng này đã có biên bản gửi Bộ Y tế đề nghị cấp phép khẩn cấp cho bộ kit test do Học viện Quân y phối hợp với Việt Á sản xuất", ông nói.
Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ cũng cho biết kinh phí hơn 18 tỉ đồng cho Học viện Quân y, trong đó có 20.000 kit xét nghiệm, hoàn toàn là tiền ngân sách Nhà nước để thử nghiệm ở tất cả các tỉnh thành; 500 cái gửi cho Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và tặng cho Indonesia, Hungary.
Minh Thảo tổng hợp