(SGTT) - Bộ Y tế khẳng định chưa cấp phép lưu hành cho bất kỳ sản phẩm có thành phần địa long nào có tác dụng hỗ trợ, điều trị Covid-19, cũng như chưa nhận báo cáo khoa học nào chứng minh địa long hiệu quả với bệnh nhân Covid-19.
- Thuốc molnupiravir có hiệu quả rõ rệt trong điều trị Covid-19 thể nhẹ
- Loạn thuốc điều trị Covid-19 trên mạng, cẩn thận tiền mất tật mang
- Thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 không phải là “thần dược” cho tất cả F0
Mới đây, một nữ diễn viên vẫn tiếp tục đăng tải thông tin giun đất chữa khỏi Covid-19 trên mạng xã hội, khiến nhiều người phản ứng với nội dung gây hiểu nhầm về khả năng phòng, điều trị bệnh của sản phẩm từ địa long (giun đất).
Cụ thể ngày 5-12, nữ diễn viên này đã đăng tải bài viết về việc mẹ của cô mắc Covid-19. Sau đó, bà đã sử dụng giun đất (địa long) để chữa khỏi. Nội dung bài viết khiến nhiều người không khỏi hoang mang, “mẹ mình tự uống 1 ngày gần 150 viên địa long, chia làm 3 lần uống trong ngày và mẹ nấu trà thập toàn gồm địa long khô, cỏ mực, đỗ đen, táo đỏ, sắc 3 bát còn 1 bát và mẹ đã uống được 3 bát trong ngày”.
Cùng với đó, vào ngày 6-12, nữ diễn viên này tiếp tục đăng tải một đoạn video quay lại cảnh bà mẹ của diễn viên này ăn cháo được nấu từ giun đất. Theo nội dung chia sẻ, mẹ cô đã khỏi bệnh sau 3 ngày chữa trị bằng giun đất (địa long).
Theo Bộ Y tế, lợi dụng tâm lý người dân về việc tìm kiếm các sản phẩm có tác dụng phòng, chống Covid-19, một số cá nhân sử dụng mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải, chia sẻ những thông tin không chính xác, không có căn cứ khoa học, chưa được kiểm chứng về tác dụng hỗ trợ, điều trị Covid-19 của dược liệu địa long trong thời gian qua.
Theo Dược điển Việt Nam V, dược liệu địa long (tên khác là giun đất) là toàn thân đã phơi hay sấy khô của con giun. Loại đầu tiên là Quảng Địa long, 3 loại còn lại là Hồ Địa long.
Địa long có vị mặn, tính hàn với tác dụng chữa sốt cao bất tỉnh, kinh giãn co quắp, đau khớp, chân tay tê bại, bán thân bất toại, trúng phong ho suyễn do phế nhiệt, phù thũng, tiểu ít, cao huyết áp. Về cách dùng, liều lượng, ngày dùng 4,5 - 9g, dạng bột, thường phối hợp trong các bài thuốc.
Đến nay, Bộ Y tế chưa cấp phép lưu hành cho bất kỳ sản phẩm nào có thành phần địa long để hỗ trợ, điều trị Covid-19. Đồng thời, Bộ cũng chưa nhận được bất kỳ báo cáo khoa học nào chứng minh hiệu quả hỗ trợ điều trị Covid-19 của địa long.
Để đảm bảo an toàn, hiệu quả, người dân không nên tự ý mua, sử dụng dược liệu, các sản phẩm từ dược liệu theo lời quảng cáo trên mạng xã hội khi thông tin chưa được kiểm chứng và chưa được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền, để tránh tiền mất tật mang.
Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực y học cổ truyền, hiện nay các thầy thuốc Đông y sử dụng địa long trong điều trị, nhưng không dùng đơn thuần một vị thuốc địa long mà tùy theo thể bệnh, tùy từng trường hợp bệnh cụ thể, giai đoạn bệnh mà kết hợp vị thuốc địa long với các vị thuốc khác để điều trị.
Các chuyên gia cũng khẳng định chưa có bất kỳ một nghiên cứu hay bằng chứng khoa học nào chứng minh tác dụng của địa long trong điều trị Covid-19. Thực tế lâm sàng điều trị, các thầy thuốc Đông y thường hay dùng địa long điều trị khó thở trong hen suyễn. Địa long có trong thành phần bài thuốc điều trị hen. Ngoài địa long, các thầy thuốc còn dùng thêm các vị thuốc khác như cam thảo, cát cánh, trần bì, bán hạ… để điều trị hen.
Trước đó, nữ diễn viên trên đã từng bị phạt vì cung cấp thông tin sai sự thật về giun đất chữa bệnh.
Minh Thảo