Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Loạn thuốc điều trị Covid-19 trên mạng, cẩn thận tiền mất tật mang

(SGTT) - Nắm bắt nhu cầu của nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 cần đến thuốc điều trị molnupiravir, favipiravir, thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội đã rao bán rầm rộ những loại thuốc điều trị này, được gắn mác là hàng xách tay từ nước ngoài, xuất xứ từ các nước như Anh, Nga, Ấn Độ... và có mức giá lên đến chục triệu đồng.
Theo các chuyên gia y tế, việc tự ý mua và sử dụng thuốc điều trị Covid-19 mà không có chỉ định của bác sĩ có thể khiến bệnh nhân có nguy cơ gặp phải tác dụng phụ và độc tính của thuốc. Trường hợp dùng thuốc không đúng thời điểm có thể làm tình trạng bệnh tồi tệ hơn.
F0 “săn lùng” thuốc điều trị Covid-19

Hiện nay nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 (F0) đang điều trị tại nhà lo lắng vì chậm được cấp các gói thuốc để điều trị. Dù trong tháng 11-2021, Sở Y tế TPHCM đã có đề nghị về việc phát thuốc điều trị Covid-19 cho các F0 đang chăm sóc tại nhà.

Theo đó, tất cả các trường hợp F0 đang cách ly tại nhà và cơ sở cách ly trên địa bàn phải được cấp phát túi thuốc điều trị Covid-19 trong vòng 24 giờ kể từ khi tiếp nhận. Túi thuốc điều trị Covid-19 tại nhà phải đúng thành phần theo hướng dẫn của Sở Y tế TPHCM, đặc biệt lưu ý tuân thủ chỉ định và cấp phát thuốc molnupiravir theo đúng hướng dẫn. Tuy nhiên, hiện nhiều người vẫn rơi vào tình trạng không nhận được gói thuốc A, C.

Từng là bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà, chị N.T.X.P. hiện đang sống tại thành phố Thủ Đức (TPHCM) cho biết ngày 25-11, khi nhận được kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, chị đã liên hệ với trung tâm y tế của phường nhưng không ai bắt máy. Cho đến khi người thân đến trực tiếp trung tâm y tế khai báo, sau 2 ngày mới có người xuống test nhanh và chỉ phát một túi thuốc paracetamol, không có loại thuốc điều trị Covid-19.

Lo ngại về tình trạng sức khỏe của bản thân, chị P. đã nhanh chóng tìm được một người rao bán thuốc điều trị Covid-19 molnupiravir trên mạng xã hội có địa chỉ tại TPHCM.

Nhiều F0 chưa tiếp cận được thuốc Molnupiravir. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố

Tương tự, anh C.P.L. ngụ tại phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân cho biết khi gia đình đều là F0, anh liên hệ với y tế phường và được cấp phát thuốc nhưng gói thuốc anh nhận chỉ là vitamin, thuốc hạ sốt mà không có gói thuốc C dù rất sẵn sàng ký vào cam kết sử dụng thuốc đặc trị theo quy định.

Anh L. cho biết gia đình anh đã tự mua dự phòng các loại thuốc trong gói thuốc A để dự phòng trước đó. Thuốc kháng virus là loại thuốc gia đình đang rất cần nhưng không được phát. Khi hỏi về gói thuốc còn lại, nhân viên y tế thông báo đang hết molnupiravir (gói C), anh L. nói.

Với tâm lý lo sợ có thể diễn tiến nặng khi mắc Covid-19, nhiều F0 đang điều trị tại nhà, cũng như anh L. đã tìm mua thuốc điều trị molnupiravir trên mạng xã hội với mức giá từ 2 triệu đến 10 triệu đồng/hộp tùy loại thuốc của Ấn độ, Nga, Anh.

Thuốc cấp miễn phí… vẫn bán

Dù thuốc kháng virus molnupiravir đang được Bộ y tế cung cấp miễn phí cho người mắc Covid-19 trong chương trình thử nghiệm, rất khan hiếm nhưng trong các hội nhóm kín trên mạng xã hội, không khó để tìm thấy các tài khoản đang quảng cáo loại thuốc này. Dưới mỗi bài viết hỏi về các triệu chứng mắc Covid-19 hoặc những loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 đều có các tài khoản rao bán thuốc kháng virus molnupiravir.

Qua tìm hiểu, phóng viên đã liên lạc với một người rao bán thuốc điều trị Covid-19 molnupiravir, favipiravir có số điện thoại 098.88x.xxx nhưng không được. Sau khi để lại tin nhắn với nội dung cần mua thuốc, phóng viên nhận được một cuộc gọi từ số 091.98x.xxx với lời chào mời là đang bán thuốc điều trị Covid-19, đồng thời cũng là chủ nhân của số điện thoại 098.88x.xxx.

Khi được hỏi mua thuốc molnupiravir, người đàn ông cho biết thuốc này nhập khẩu của Ấn độ, có giá 9,6 triệu đồng/lọ/40 viên, đủ dùng cho 2 F0. Loại thuốc này bán nguyên hộp niêm phong, không bán lẻ.

Khi người mua tỏ vẻ ngần ngại về giá thuốc, người này nhanh chóng giới thiệu thuốc favipiravir xuất xứ từ Canada với giá 3,1 triệu đồng/hộp, có thể tách bán lẻ. 10 viên/1 vĩ thuốc muốn mua bao nhiêu bán bấy nhiêu. "Thuốc nhập khẩu từ nước ngoài, không phải hàng Việt Nam nên yên tâm về chất lượng”, người bán nhấn mạnh.

Người đàn ông này liên tục tư vấn, gia đình có 1 F0 nên mua thuốc favipiravir để tiết kiệm chi phí, liều lượng vừa đủ và phải tranh thủ mua sớm để diệt virus trong cơ thể để càng lâu bệnh càng nặng. Hàng có sẵn nếu mua sẽ được giao đến tận nhà để F0 kịp thời có thuốc sử dụng.

Theo ghi nhận, trên thị trường “chợ đen” mức giá bán thuốc điều trị Covid-19 rất chênh lệch. Chẳng hạn như cùng loại thuốc favipivavir 200mg sản xuất tại Ấn Độ nhưng một số nơi bán 3,1 triệu đồng/hộp, có nơi khác bán giá hơn 4 triệu đồng/hộp.

Thuốc điều trị Covid-19 molnupiravir, favipiravir đang được rao bán rầm rộ trên các trang mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình
Dễ dàng mua thuốc trị Covid-19 không cần kê đơn

Bên cạnh tình trạng thuốc điều trị Covid-19 molnupiravir, favipiravir được rao bán tràn lan trên mạng xã hội, hiện nhiều thuốc kháng viêm, kháng đông - loại thuốc được Sở Y tế TPHCM yêu cầu chỉ bán theo đơn, sử dụng có kiểm soát thì việc mua nhóm thuốc điều trị Covid-19 tại các hiệu thuốc rất dễ dàng, không yêu cầu bất kỳ đơn của bác sĩ.

Tại một nhà thuốc trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận 10), nhân viên hiệu thuốc giới thiệu giá của từng loại thuốc điều trị Covid-19; trong đó rivaroxaban 10mg 680.000 đồng/ hộp/10 viên, methylprednisolone 16mg giá 3.000 đồng/viên, còn dexamethasone 0,5mg và prednisolone 5mg đều có giá 500 đồng/viên. Theo khảo sát, ở một số nhà thuốc lớn tại quận Bình Tân, loại thuốc như rivaroxaban có mức giá từ 40.00 - 68.000 đồng/viên, methylprednisolone 16 mg khoảng 1.900 - 3.000 đồng/viên…

Bệnh nhân mắc Covid-19 dễ dàng mua các loại thuốc kháng viêm, kháng đông tại các nhà thuốc ở TPHCM. Ảnh: Minh Thảo
Cẩn trọng mua nhầm thuốc giả

Liên quan đến tình trạng này, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở y tế TPHCM, cho biết công an thành phố đang phối hợp với các cơ quan, cơ sở y tế tại địa phương, cũng như chính quyền địa phương đã có những trường hợp bị xử lý, còn những trường hợp khác vẫn đang theo dõi giám sát.

Ngành y tế thành phố đã nhiều lần khuyến cáo bệnh nhân Covid-19 rằng thuốc phải được dùng đúng mục đích, người bệnh không sử dụng hết phải hoàn trả tuyệt đối không chia sẻ cho người khác kể cả người thân trong gia đình.

Các loại thuốc điều trị Covid-19 hiện đang được rao bán trên mạng xã hội là bất hợp pháp, không được cấp phép và rất dễ mua nhầm thuốc giả, thuốc kém chất lượng. 

Theo TS. DS. Nguyễn Quốc Hòa, Giảng viên Bộ môn Dược lâm sàng, Khoa Dược, Trường Đại học Y Dược TPHCM, bệnh nhân mắc Covid-19 thường có tâm lý hoang mang lo sợ, tìm cách dùng thuốc càng sớm càng tốt, thậm chí mua theo các đơn thuốc tràn lan trên mạng. Việc này có thể khiến bệnh nhân trước nguy cơ gặp phải tác dụng phụ và độc tính của thuốc. Trường hợp dùng thuốc không đúng thời điểm có thể làm tình trạng tồi tệ hơn.

Việc dùng dexamethasone và methylprednisolone ngay khi bệnh nhân mắc Covid-19 dường như không có lợi mà có thể gây hại, tăng nguy cơ làm bệnh nặng hơn. Thời điểm có thể xem xét dùng thuốc này thường sau 7 ngày tính từ lúc có triệu chứng Covid-19 (sốt, ho..) và trên những bệnh nhân có dấu hiệu chuyển biến nặng (giảm nhiều SpO2).

Tùy vào từng giai đoạn để bệnh nhân dùng thuốc kháng virus như remdesivir (chỉ định tại bệnh viện trong vòng 10 ngày đầu ở bệnh nhân nặng) hay molnupiravir. Hiện các thuốc này chỉ được kê bởi nhân viên y tế. Các thuốc kháng virus khác như acyclovir, oseltamivir không có hiệu quả trên Covid-19. Đối với bệnh nhân vào giai đoạn triệu chứng tiến triển hay trở nặng cần chuyển ngay đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế để theo dõi và kịp thời điều trị.

Thuốc kháng virus molnupiravir có tác dụng giảm tải lượng virus, nằm trong chương trình do Bộ Y tế thực hiện thí điểm điều trị có kiểm soát cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ ở 22 địa phương, trong đó có TPHCM. Khi phát gói thuốc C, tức thuốc kháng virus molnupiravir, nhân viên y tế phải giải thích rõ ràng và người sử dụng phải ký vào văn bản đồng ý sử dụng thuốc. Sau đó, cơ sở y tế quản lý rất chặt danh sách người uống, theo dõi mỗi ngày khi uống thuốc có vấn đề gì hay không. Vì vậy, trên nguyên tắc gói thuốc C dù phục vụ điều trị F0 tại nhà hay bệnh viện dã chiến đều phải được quản lý đặc biệt, thuốc không sử dụng hết phải được trả về Sở Y tế TPHCM.Đây là loại thuốc thử nghiệm với các tiêu chuẩn kiểm soát rất chặt chẽ. Nhóm đối tượng không sử dụng molnupiravir gồm phụ nữ mang thai và cho con bú, người suy gan, viêm gan siêu vi cấp, suy thận, viêm tụy cấp hoặc mạn tính. 

Minh Thảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Biến thể phụ XBB.1.5 mới xuất hiện ở TPHCM nguy hiểm...

0
Ngày 14-4, thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết, vừa qua, thành phố đã tiến hành giải trình tự gene các mẫu...

Dịch có xu hướng giảm, phòng chống Covid-19 có được điều...

0
Vừa qua, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, Covid-19 sẽ thành một bệnh như cúm mùa trong năm 2023....

Cảnh báo tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế

0
Theo báo cáo của ngành y tế, tình trạng bội chi quỹ khám chữa bệnh đang rất nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân...

Bản tin 360 độ sống khỏe: Nỗi lo “dịch chồng dịch”...

0
(SGTT) - Cùng với dịch Covid-19, các bệnh viêm đường hô hấp, sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm mùa… vẫn đang diễn biến...

TPHCM: Các trường không quy định học sinh tiêm vắc-xin trước...

0
Theo ghi nhận tại các trường học ở TPHCM, hiện không có nhà trường nào yêu cầu bắt buộc học sinh tiêm vắc-xin ngừa...

Thời đại số, doanh nghiệp vẫn xem tương tác trực tiếp...

0
(SGTT) - Đại dịch Covid-19 khiến tuyển dụng và đào tạo bước đầu trực tuyến trở thành giải pháp hàng đầu. Sau dịch, các...

Kết nối