Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Nỗi niềm thầy cô giáo thời Covid

(SGTT) - Thời điểm hiện tại, nhiều địa phương trên cả nước vẫn tổ chức dạy học bằng hình thức trực tuyến. Giảng dạy trong hoàn cảnh đặc biệt, khi bục giảng là chiếc máy tính và nối kết với người học qua mạng, chính là trải nghiệm mới của không ít thầy cô.

Để tiết học hiệu quả

Khác với việc giảng dạy trực tiếp theo giáo án thông thường, yêu cầu về phương pháp lên lớp thay đổi, nhằm giúp cho lớp học sinh động, lôi cuốn học sinh, các giáo viên cũng đầu tư cho bài dạy kỳ công. Nhiều người thừa nhận việc chuẩn bị giáo án tốn thời gian.

“Để có một tiết dạy 45 phút hoặc một nội dung bài, số thời gian bỏ ra cho việc biên soạn, tìm tài liệu, hình ảnh minh họa, thiết kế… là gấp đôi. Rất may, vì là người trẻ nên việc tìm tòi và thực hiện giáo án trình chiếu không khó với tôi”, cô Bùi Thị Quỳnh, giáo viên Ngữ văn trường THCS Chi Lăng (quận 4, TPHCM) chia sẻ.

Phụ trách môn tiếng Anh, tại một trường nông thôn, làm sao để cuốn học sinh vào bài dạy, tận dụng thời gian học trực tuyến là trăn trở của thầy Trần Châu Thành, giáo viên trường THPT Đầm Dơi, Cà Mau: “Khi dạy trực tiếp, ít có điều kiện để gửi cho các em xem những hình ảnh, đoạn hội thoại với nội dung phong phú. Học trực tuyến thế này, đòi hỏi giáo viên dụng tâm lắm nhưng tôi nhìn thấy được điểm thuận lợi của thời gian này để có thể đưa vào bài dạy các nội dung mới mẻ, chủ yếu phát triển thêm kỹ năng nghe và nói của học sinh”.

Giáo viên dạy trực tuyến thường mất thời gian chuẩn bị cho tiết học nhiều hơn.

Thầy cũng chia sẻ thêm, hơn hai tháng dạy qua mạng, hầu như việc trường, lớp, chuyên môn lẫn phụ trách chủ nhiệm đã chi phối toàn bộ thời gian. Hầu hết thời gian trong ngày làm việc với máy tính.

Đối với các giáo viên trẻ, chưa lập gia đình riêng, việc dành toàn bộ thời gian vào soạn bài, quan tâm lớp bộ môn hay chủ nhiệm có thể xem là dễ dàng, song với nhiều thầy cô, phải sắp xếp giữa việc nhà, cân bằng với thời gian dạy, chuẩn bị là cả bài toàn khó.

Cô Đặng Thị Kim Ngân (Trung tâm GDNN - GDTX quận 12) cho biết, được phân công giảng dạy cả ba khối lớp 10,11,12 nên khâu soạn giáo án đã tốn nhiều giờ: “Thật ra, trên mạng, có nhiều kênh cung cấp tài liệu, giáo án mẫu cho giáo viên sử dụng, tải về. Chỉ cần tải về, chỉnh sửa là được nhưng tôi vốn cầu toàn và quan niệm nội dung bài dạy là sản phẩm tinh thần của mình, là những gì tôi tâm huyết nên dù bận soạn nhiều bài cũng cố gắng. Lịch dạy thì liên tục, cả hai buổi. Về các việc sinh hoạt trong nhà, ông xã cũng san sẻ với tôi để cả hai vợ chồng vừa đảm bảo công việc riêng và việc chung”. Thêm vào đó, việc theo dõi, động viên học sinh, làm hồ sơ,… đã ngốn khá nhiều thời gian và đòi hỏi các thầy cô thật cố gắng.

Nối kết với học trò

Học trực tuyến từ đầu năm học đến nay, nên việc liên hệ với học sinh ở nhiều trường giữa giáo viên và học sinh chủ yếu qua các phương tiện mạng xã hội. Cô Nguyễn Thị Y Linh (THPT Thuận Hưng, TP Cần Thơ) cho biết do tình hình dịch chưa ổn định nên việc trao đổi, liên lạc với học sinh qua zalo, facebook là chính.

“Các thông báo từ phía nhà trường hay từ học sinh cũng chỉ trao đổi qua mạng. Ít có thể gặp trực tiếp, để phòng bệnh. Điều này làm nên sự bất tiện. Tuy nhiên, trong lớp, tôi khuyến khích các em năng động, tích cực hơn để xây dựng tập thể lành mạnh, hỗ trợ nhau khi học”.

Với một số gia đình khó khăn, thiết bị học tập cũng là một trong những trở ngại của học sinh khi học bằng hình thức mới này. Cô Đào Kim Thúy (THPT Lê Qúy Đôn, Hậu Giang) cho biết, có những bạn học sinh nghèo, việc mua máy tính hay thậm chí điện thoại để kết nối với lớp là cả một vấn đề.

Đầu năm, nhận lớp chủ nhiệm, biết tình hình học trực tuyến sẽ kéo dài nên cô đã chú ý đến điều kiện, thiết bị học tập của các em và kịp thời hỗ trợ cho học sinh chưa có điện thoại.

“Điều kiện tối thiểu để theo dõi, liên lạc với lớp và học đó là điện thoại. Dĩ nhiên, nhà học sinh nào có thể lắp đặt máy tính bàn hay trang bị máy tính xách tay cho các em thì càng tốt, để các em làm quen với công nghệ thông tin từ sớm.

Ở quê, đòi hỏi có máy tính đều hết là chuyện không thể được, bởi thực tế có nhiều hoàn cảnh còn nghèo lắm. Ngay như lớp tôi chủ nhiệm, có trường hợp học sinh không có di động, giáo viên chủ nhiệm đã hỗ trợ và vận động các bạn cũng đóng góp, giúp bạn mình. Tôi nghĩ chính việc này sẽ làm các em yêu thương nhau, động viên tinh thần các bạn, góp phần tạo nên tập thể đoàn kết. Học sinh vùng quê, vốn dễ thương, tình nghĩa…”, cô Thúy nói.

Bài giảng sinh động để thu hút học sinh.

Thời gian vừa qua, một số địa phương tổ chức tiêm vắc xin cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Là giáo viên chủ nhiệm, các thầy cô cũng đồng hành, tận tình hỗ trợ. Cô Tạ Thị Thu Lan (Trường Cao đẳng Viễn Đông, TPHCM) cho biết trường có phân hệ cao đẳng nghề, các lớp vừa học nghề, vừa học văn hóa song song, đảm nhận các em nhỏ tuổi nên cô theo dõi sát sao tình hình: “Ngày tiêm, giáo viên chủ nhiệm túc trực điện thoại bên cạnh việc có mặt tại địa điểm để hướng dẫn học sinh và phụ huynh. Trong mùa dịch, tuy có vất vả, song được gặp các em và nhận trách nhiệm với lớp mình thì phải hoàn thành hết nhiệm vụ, không thể bỏ rơi các em”. Cô Thu Lan cũng bày tỏ mong ước ình hình dịch bệnh khả quan hơn, học sinh các nơi đi học lại bình thường.

Bởi, khi ấy, việc dạy học trên lớp sẽ thuận lợi hơn và học sinh, khi đến trường cũng có những kỷ niệm đẹp của tháng năm tuổi học trò, trong thực tế.

Một mặt, các giáo viên chuẩn bị giáo án, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng bài dạy, mặt khác, trong việc quản lý lớp, các thầy cô cũng sát sao, đồng hành. Tất cả những điều này, để làm tốt, đòi hỏi sự tâm huyết nơi người thầy. Trong mùa dịch, có thể thấy và hiểu thêm sự vất vả của những thầy cô giáo.

Anh Nguyên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Ngành giáo dục rà soát điều kiện, cấp bằng cho liên...

0
(SGTT) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến cho dự thảo nghị định quy định về điều kiện, trình tự,...

Khó tìm việc sau tốt nghiệp, điểm yếu của sinh viên...

0
(SGTT) – Theo các chuyên gia, có nhiều lý do khiến sinh viên ra trường khó tìm được việc làm như thiếu kỹ năng...

Bộ Y tế lo ngại bệnh truyền nhiễm tăng cao trước...

0
So với cùng kỳ năm 2023, số ca mắc sởi tăng hơn 8 lần, số ca mắc ho gà tăng hơn 25 lần... Bộ...

Hà Nội: Bế mạc giải bóng đá dành cho học sinh...

0
(SGTT) - Ngày 18-8-2024, tại TP Hà Nội đã diễn ra lễ bế mạc giải bóng đá Grifted Students Cup 2024, giải đấu dành...

Nhu cầu xe đạp, xe máy điện của học sinh, người...

0
(SGTT) - Doanh thu của các cửa hàng phân phối xe máy, xe đạp điện trong năm nay có sự tăng trưởng tích cực...

TPHCM: miễn, giảm học phí, điều chỉnh một số khoản thu...

0
(SGTT) - Trẻ em mầm non 5 tuổi được miễn học phí từ năm học 2024-2025. Học sinh Trung học Cơ sở được miễn...

Kết nối