UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Côn Đảo giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, vườn quốc gia sẽ phát triển 17 tuyến du lịch sinh thái, cho thuê hơn 888 héc ta rừng đặc dụng để làm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí.
Thời gian thuê không quá 30 năm, định kỳ mỗi 5 năm sẽ đánh giá lại việc thực hiện hợp đồng.
Giá thuê rừng không thấp hơn 1% doanh thu của năm
Theo đề án vừa được phê duyệt, Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo được phép cho các tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng đặc dụng để kinh doanh dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí.
Đến năm 2030, sẽ có 20 địa điểm với diện tích 888,23 héc ta tại vườn quốc gia sẽ được cho thuê để phát triển du lịch sinh thái kết hợp với bảo tồn thiên nhiên.
Các địa điểm cho thuê gồm những khu vực ở bãi Dài – bãi Mới, bãi Cát lớn, bãi Đầm Trầu nhỏ, Bãi Dương, bãi Nhát – bến Đầm, bãi Ông Cường, Đá Cuội – Suối Thị, Đá Trắng, vịnh Đầm Tre, Đất Thắm – bãi Bàng, hòn Cau, hòn Tài.
Thêm vào đó là hòn Tre lớn, hòn Tre nhỏ, mũi Chim Chim, bãi Ông Câu, bãi Ông Đụng, Sở Rẫy, Suối Ớt và Ma Thiên Lãnh.
Giá cho thuê rừng do các bên tự thỏa thuận nhưng không thấp hơn 1% tổng doanh thu thực hiện trong năm của bên thuê diện tích đó. Mức này cũng là giá khởi điểm để đấu giá trong trường hợp có 2 đơn vị muốn thuê cùng một diện tích.
Thời gian thuê không quá 30 năm, định kỳ 5 năm sẽ đánh giá lại việc thực hiện hợp đồng. Hết thời gian cho thuê, nếu bên thuê thực hiện đúng hợp đồng và có nhu cầu muốn thuê tiếp thì chủ rừng là Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo sẽ xem xét kéo dài thời gian cho thuê.
Chủ đầu tư chỉ được xây dựng công trình ở những nơi đất trống, trảng cỏ, đất có cây bụi không có khả năng tự phục hồi.
Tỷ lệ công trình lưu trú tại các điểm cho thuê rừng không quá 5% tổng diện tích thuê rừng. Tỷ lệ diện tích xây dựng sân, bãi đậu xe, hạ tầng kỹ thuật… không quá 15% với diện tích thuê là 50 héc-ta và không quá 10% với diện tích hơn 50 héc-ta.
Phát triển 17 tuyến du lịch sinh thái
Hiện nay, Côn Đảo có các sản phẩm du lịch thu hút du khách như trải nghiệm xem rùa biển đẻ trứng và thả rùa con về biển, xem chim yến làm tổ, lặn biển, khám phá sân chim biển ở đảo Hòn Trứng.
Trong đề án này, chính quyền tỉnh cho rằng Côn Đảo còn có tiềm năng để phát triển mạnh mẽ các sản phẩm du lịch cho du khách khám phá thiên nhiên, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, giải trí, thể thao…
Trong kế hoạch, có 17 tuyến du lịch sinh thái sẽ được phát triển tại Vườn quốc gia Côn Đảo, bao gồm tuyến đảo Côn Sơn và các đảo nhỏ, đảo Côn Sơn – hòn Tài – hòn Bảy Cạnh, đảo Côn Sơn – hòn Tài – hòn Cau, đảo Côn Sơn – hòn Tre lớn – hòn Tre nhỏ.
Tuyến đảo Côn Sơn – Bãi Dương – vịnh Đầm Tre, đảo Côn Sơn – hòn Trứng – Đầm Tre, Ma Thiên Lãnh – hang Đức Mẹ – Ông Đụng, Ma Thiên Lãnh – hang Đức Mẹ – Đất Thắm – Bãi Bàng, Ma Thiên Lãnh – bãi Đầm Trầu – bãi Ông Cường, Ma Thiên Lãnh – hồ An Hải – núi Thánh Giá.
Ma Thiên Lãnh – Sở Rẫy – bãi Ông Đụng, Ma Thiên Lãnh – mũi Cá Mập – bến Đầm – hòn Bà, Ma Thiên Lãnh – suối Ớt – vịnh Đầm Tre, Ma Thiên Lãnh – núi Chúa – Nhà Bàn – Cỏ Ống, Đất Dốc – núi Nhà Bàn và Sân bay Cỏ Ống – hòn Cau.
Minh Duy
Theo Kinh tế Sài Gòn Online