Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Sống chung với Covid-19: Tăng nguồn lực đầu tư cho y tế dự phòng

Đã có gần 20.000 người dân tử vong vì Covid-19, để thực sự sống chung với dịch, cần khống chế tỷ lệ nhiễm và giảm được số ca nặng và giảm tử vong. Thảo luận ở hội trường Quốc hội ngày 8-11, các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều đề nghị với Chính phủ để giải quyết tình trạng này.

Đóng góp ý kiến về báo cáo phòng, chống dịch của Chính phủ, bà Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội TPHCM cho rằng, chúng ta đã tương đối kiểm soát được tình hình của dịch bệnh. Tuy nhiên, đã có gần 20.000 người dân tử vong vì Covid-19. Chưa kể rất nhiều người dân, nhiều bệnh nhân không được chăm sóc y tế tốt trong giai đoạn nhiễm Covid-19 có thể cũng gián tiếp tử vong. Cho nên, phải làm sao để cho công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả hơn trong thời gian sắp tới và khắc phục được những gì đã xảy ra. “Để thực sự sống chung với dịch, cần khống chế tỷ lệ nhiễm và cũng làm sao giảm được số ca nặng và làm sao giảm được tử vong”, bà Lan nói.

Bà Lan cho rằng thời gian vừa qua tại TPHCM, còn nhiều việc chưa làm được nên mới dẫn đến tỷ lệ tử vong cao trong những ca nhiễm Covid-19. Đây là những bài học xương máu.

Từ đó, đại biểu Quốc hội xuất thân từ ngành y tế này cho rằng Chính phủ cần phải xem lại về thực trạng y tế cơ sở, hệ thống y tế cơ sở. Bà cho biết đã tham gia đại biểu Quốc hội ba khóa và trong tất cả các khóa đó chỉ có một chỉ tiêu 30% ngân sách dành cho y tế dự phòng, y tế cơ sở. Nhưng số địa phương thực hiện được điều này vẫn còn đếm trên đầu ngón tay. Chưa kể là 30% đó cũng không đáng kể, nếu so với sự cần thiết và nhu cầu của người dân. phải có phân bổ như thế nào để thực sự đáp ứng với quy mô dân cư chứ không phải là chỉ trên vấn đề là phân chia về địa lý.

Về vấn đề y tế cơ sở, bà Lan cho rằng không chỉ có vấn đề về tiền mà còn về nhân lực. Làm sao để thu hút được nguồn nhân lực có trình độ cao, có những hiểu biết đủ để hoạt động cho tốt. Ví dụ, cách đây mười mấy năm, từ các trung tâm y tế của các quận, huyện chúng ta chia ra thành ba phần: bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng và phòng y tế, từ đó dẫn đến thực trạng đã yếu mà còn bị chia. Trong khi đó, nếu có sự nhập chung lại thì có thể sẽ tốt hơn.


Điều trị bệnh nhân Covid-19. Ảnh minh họa: TTXVN

Về vấn đề hệ thống điều trị, vị đại biểu của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cho rằng Covid-19 là một phép thử để nhìn lại năng lực điều trị thực sự của cả nước. Nếu chỉ tập trung vào phòng, chống dịch Covid-19 để cấp cứu là không đủ. Các bệnh viện từ khi trở thành các đơn vị sự nghiệp nhưng chưa được chuẩn bị những cơ sở về mặt pháp lý, về những kiến thức cần thiết để có thể bảo đảm cung ứng được trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, đặc biệt vấn đề cơ chế tài chính. Người nhiễm Covid-19 thì ngân sách lo, nhưng sự phân công giữa ngân sách và bảo hiểm chưa rõ ràng, nên các bệnh viện rất khó khăn trong khâu thanh toán.

“Về xét nghiệm Covid-19, nếu có sự phân công rạch ròi, để cho bảo hiểm làm việc đó, cùng với cơ chế đấu thầu chặt chẽ từ trước tới giờ, lựa giá thấp nhất thì chắc không có tình trạng loạn giá xét nghiệm xảy ra. Thêm nữa, hệ thống y tế tư nhân chưa được huy động kịp thời, chưa có được những cơ chế để tham gia vào phòng, chống dịch cho đúng. Bởi vì, chúng ta muốn bao cấp, mà bao cấp thì lo theo giá nhà nước, y tế tư nhân không thể tham gia được. Chúng ta vẫn chưa cho phép vaccine dịch vụ trong khi nó cũng là một hình thức để xã hội đóng góp”, bà Lan nêu ý kiến.

Cũng tại phiên thảo luận tại hội trường, ông Nguyễn Công Long, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, cho biết ông rất tán thành với ý kiến của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, điều hành hệ thống y tế hiện nay để đề ra các giải pháp.

Cũng nói về công tác phòng, chống dịch Covid-19, ông Phạm Văn Thịnh, đại biểu Quốc hội Bắc Giang, nhận xét thực tiễn chống dịch ở cơ sở thời gian qua đã bộc lộ hạn chế của hệ thống y tế dự phòng vừa yếu về đội ngũ, lại thiếu trang thiết bị và nguồn lực triển khai nhiệm vụ.

“Chỉ xét riêng cho năng lực phòng, chống bệnh lây nhiễm trước đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, số trung tâm y tế dự phòng cấp tỉnh làm được xét nghiệm khẳng định virus SARS-CoV-2 cũng rất hạn chế. Đến nay, phần lớn các trung tâm y tế tuyến huyện vẫn chưa có phòng xét nghiệm sinh học phân tử nên việc xét nghiệm đều dồn về tỉnh và thành phố – làm chậm trễ công tác xác định ca bệnh, ảnh hưởng nhiều đến công tác phòng, chống dịch”, ông Thịnh nói.

Và ông Thịnh cũng đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần dành nhiều nguồn lực hơn nữa để đầu tư cho hệ thống y tế dự phòng với phương châm phòng bệnh hơn, chữa bệnh.

Vân Ly

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Biến thể phụ XBB.1.5 mới xuất hiện ở TPHCM nguy hiểm...

0
Ngày 14-4, thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết, vừa qua, thành phố đã tiến hành giải trình tự gene các mẫu...

Dịch có xu hướng giảm, phòng chống Covid-19 có được điều...

0
Vừa qua, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, Covid-19 sẽ thành một bệnh như cúm mùa trong năm 2023....

Thời đại số, doanh nghiệp vẫn xem tương tác trực tiếp...

0
(SGTT) - Đại dịch Covid-19 khiến tuyển dụng và đào tạo bước đầu trực tuyến trở thành giải pháp hàng đầu. Sau dịch, các...

Các hãng bay toàn cầu đối mặt “núi” nợ hàng trăm...

0
Tác động vô hình của đại dịch sẽ đeo bám ngành hàng không trong nhiều năm tới. Các hãng bay lớn nhất thế giới...

Hơn 60,8 triệu lượt người Việt đi du lịch trong nửa...

0
Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, thị trường du lịch nội địa đã không những hồi phục mà còn tăng trưởng cao...

Tồn đọng 22 triệu liều vắc-xin, Bộ Y tế yêu cầu...

0
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, đến giữa tháng 6-2022 còn hơn 22,2 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 loại Moderna và Pfizer...

Kết nối