Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Tâm lý yếu, bi quan có thể khiến bệnh nhân Covid-19 trở nặng hơn

(SGTT) - Nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 dễ rơi vào các vấn đề tâm lý như lo lắng, mất ngủ, trầm cảm, rối loạn căng thẳng… Điều này khiến tình trạng bệnh càng trở nặng và gặp khó khăn trong quá trình điều trị.

Ngoài cuộc chiến với bệnh tật, bệnh nhân mắc Covid-19 còn phải đối mặt với nhiều thử thách lớn từ môi trường và xã hội, khiến họ trở nên hoang mang, lo lắng và sợ hãi khi không may nhiễm virus SARS-CoV-2. Không chỉ với nhóm đối tượng có cơ thể yếu đuối, những người trẻ mắc Covid-19 vẫn dễ rơi vào tình trạng ám ảnh hoặc hoang tưởng (rối loạn tâm thần), thậm chí diễn tiến nặng có thể dẫn đến tử vong.

Rơi vào trạng thái hoảng loạn khi mắc Covid-19

BS Đoàn Nhật Trung, Phó Khoa khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, cho biết trong quá trình hỗ trợ điều trị cho nhiều bệnh nhân, trường hợp tử vong của một bệnh nhân 33 tuổi, sống tại TPHCM khiến ông ám ảnh nhất.

Cụ thể, bệnh nhân này vào viện vì u trung thất; hậu phẫu cắt u, nằm hồi sức 6 ngày. “Sau khi tỉnh lại, anh đã chứng kiến bệnh nhân Covid-19 suy hô hấp và chết nên người bệnh bị khủng hoảng”, BS Trung kể lại.

Lý do bệnh nhân hậu phẫu nằm cạnh bệnh nhân Covid-19, theo BS Trung là vì thiếu máy thở, dù giường đã bố trí giãn cách nhưng không khuất tầm mắt. Bệnh nhân vừa mổ xong, tỉnh táo nên thấy bệnh nhân Covid-19 hấp hối và chết trước mắt mình, dẫn đến bị khủng hoảng. Điều không may đã xảy ra, sau thời gian mổ 8 ngày, tình trạng sức khỏe đã tạm ổn, bệnh nhân 33 tuổi lại bị lây nhiễm Covid-19, khó thở và phải trở vào ICU.

Thời điểm này, bệnh nhân thực sự đang cảm giác hoảng loạn. Nhiều đêm liên tục người bệnh không ngủ được. “Một đêm trước khi mất, người nhà nhờ tôi tư vấn và cố trấn an tinh thần của anh nhưng tình trạng bệnh vẫn chưa có tiến triển rõ rệt. Đến tối hôm sau, tôi nghe tin, anh đã không qua khỏi; chia buồn cho gia đình của anh nhưng đó là kết cuộc thấy trước”, BS chia sẻ.

BS Trung phân tích “Tất cả bệnh nhân có sức thở yếu như có bệnh nền, sau phẫu thuật... khi mắc Covid-19 luôn cảm thấy lo lắng, thấy chết trước mắt ai cũng tim đập, chân run, lại nhiều đêm không ngủ… Người thường còn chịu không nổi huống gì là người bệnh Covid-19. Bởi bao nhiêu năng lượng, oxy đưa vào bị hoang phí, tình trạng suy hô hấp càng nhanh do nhu cầu tăng cao, tăng công thở bù đắp”.

Trong quá trình điều trị, nhiều bệnh nhân cảm nhận được nỗi kinh hoàng, cũng như nhận thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh khi những con số báo động về số ca mắc bệnh, số ca tử vong do Covid-19 liên tục tăng... khiến họ càng dễ bị căng thẳng, rơi vào trạng thái hoang tưởng. Rối loạn về tâm lý, tâm thần có thể làm cho virus có cơ hội nhân lên mạnh mẽ, tác động nhiều hơn, từ đó tình trạng bệnh sẽ nặng và khó điều trị hơn.

Rối loạn tâm lý ảnh hưởng đến quá trình điều trị

Theo Healthline, Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia (NCBI) Mỹ đã chỉ ra rằng sau khi được chẩn đoán mắc Covid-19, những bệnh nhân thường xảy ra các vấn đề tâm lý như lo lắng, mất ngủ, trầm cảm và rối loạn căng thẳng.

Tình trạng lo lắng quá độ sẽ làm tăng lượng cortisol trong tuần hoàn, có ảnh hưởng đến sức khỏe bao gồm giảm khả năng miễn dịch. Các nhà nghiên cứu của Anh từng chỉ ra rằng những bệnh nhân mắc Covid-19 có nồng độ hormone cortisol cao khi nhập viện có nguy cơ tử vong tăng lên đáng kể.

“Nồng độ cortisol cao có liên quan đến tăng tỷ lệ tử vong và giảm khả năng sống sót trung bình, có lẽ vì đây là dấu hiệu đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh tật”, TS. Waljit S. Dhillo, Trưởng khoa Bệnh đái tháo đường, Nội tiết và Chuyển hóa tại Trường Đại học Hoàng gia London (Anh) cho biết.

Tương tự, Vox.com cũng cho biết, tình trạng căng thẳng kéo dài cũng khiến hệ miễn dịch suy yếu. Nhiều nghiên cứu cho thấy tình trạng căng thẳng có thể ảnh đến nhiều bộ phận của cơ thể (trí nhớ, cảm xúc), thậm chí còn là nguyên nhân gây ra những thay đổi cấu trúc trong não bộ.

Ngoài ra, công tác điều trị Covid-19 khá phức tạp vì đa số là người nhiễm có bệnh nền kèm theo trước đó. Người bệnh có thể gặp các rối loạn về cảm xúc, nảy sinh tâm lý tiêu cực trong quá trình điều trị.

Sau khỏi Covid-19, nhiều bệnh nhân có thể mất đến hằng tháng để khôi phục sức khỏe; đặc biệt đối tượng mắc các chứng tâm lý trong quá trình điều trị, thời gian hồi phục có thể kéo dài hơn. Điều này khiến nhiều bệnh nhân gặp phải những thách thức như vất vả khi quay lại làm việc, chăm sóc con cái hoặc khó khăn để bắt đầu lại các thói quen bình thường.

Vì vậy, cùng với tập phục hồi chức năng cơ thể như vận động, hô hấp… thì hỗ trợ chức năng về tâm lý hay cảm xúc là một phần quan trọng trong liệu pháp điều trị. Chữa trị tâm lý sẽ giúp người bệnh phục hồi tốt hơn, giảm nhẹ tác động đến bệnh nền (nếu có), đồng thời hạn chế được các biến chứng khi trở lại cuộc sống bình thường như trước đây.

Thuốc fluvoxamine, được bán dưới tên Luvox, có thể giảm tỷ lệ nhập viện ở bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Science News

Mới đây, một cuộc thử nghiệm lâm sàng tại Brazil cũng cho thấy loại thuốc viên chống trầm cảm fluvoxamine có thể giúp giảm nguy cơ nhập viện 66% và giảm tử vong 91% ở bệnh nhân Covid-19.

Cụ thể, thuốc fluvoxamine với tên gọi thương mại là Luvox, có thành phần dược chất chính là fluvoxamine, được biết đến như một chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), thường được sử dụng để điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) và bệnh trầm cảm nhưng nó cũng có tác dụng chống viêm.

Cuộc thử nghiệm ở 1.497 bệnh nhân Covid-19 tại Brazil cho thấy thuốc này ngăn chặn hiệu quả nguy cơ phát triển các triệu chứng nặng, cần phải nhập viện của bệnh nhân. Thuốc fluvoxamine cũng giúp giảm tiểu cầu trong máu, được xem là nguyên nhân gây ra hiện tượng máu vón cục ở bệnh nhân Covid-19.

Đến nay vẫn còn một số câu hỏi về loại thuốc này như liều lượng nào là tốt nhất hay liệu bệnh nhân Covid-19  nguy cơ thấp có thể uống hay không hoặc liệu có nên kết hợp fluvoxamine với các phương pháp điều trị khác hay không.

Theo Thông tấn xã Việt Nam, với các tác giả, phát hiện này có thể góp phần hỗ trợ các phương pháp chữa trị bệnh nhân Covid-19 giúp giảm tỷ lệ người mắc biến chứng nặng hoặc tử vong ở những nước vẫn chưa được vắc-xin bảo vệ.

Tuy nhiên, các tác giả nhấn mạnh cần thêm những nghiên cứu đánh giá hiệu quả của loại thuốc này do fluvoxamine trong nằm trong danh mục thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và có thể gây nghiện. Fluvoxamine là biệt dược chuyên điều trị các bệnh về tinh thần như trầm cảm, ám ảnh cưỡng chế. Loại thuốc này được lựa chọn nghiên cứu về liệu pháp điều trị CovidD-19 do tính kháng viêm mạnh của sản phẩm này.

Minh Thảo

Theo Healthline, Vox.com

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Lượng hàng tồn trên thế giới tăng gần 30% so với...

0
(SGTT) - Lượng hàng tồn trên toàn cầu đạt 2.200 tỉ đô la vào tháng 3-2023, mức cao nhất trong 10 năm. Đến tháng...

Chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B

0
Trong phiên họp thứ 20 diễn ra chiều 3-6, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất chuyển bệnh Covid-19 từ...

Các loại vaccine phòng Covid-19 “made in Vietnam” giờ ra sao?

0
(SGTT) - Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, các công ty trong nước tham gia quá trình nghiên cứu và phát...

Đà Nẵng: Chợ Hàn hút du khách trở lại sau hai...

0
Chợ Hàn – ngôi chợ truyền thống tại Đà Nẵng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến – bắt đầu thu...

Khi nào đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc?

0
Hôm 5-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với đại...

Đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y...

0
Tối ngày 5-5 (giờ Việt Nam), Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus chính thức tuyên bố đại...

Kết nối