Những ngày khó khăn này làm tôi nhớ đến năm tháng ấu thơ. Khi ấy quê tôi còn rất nghèo, hạn hán kéo dài khiến cây lúa không trụ nổi trên cánh đồng đất đai nứt nẻ. Vết nứt to đến mức có khi nuốt trọn cả bàn chân bé nhỏ của chúng tôi lúc băng qua cánh đồng tìm hái loài rau dại. Nhưng ông trời không bao giờ đẩy ai đến đường cùng. Trên mảnh đất trung du “chó ăn đá, gà ăn sỏi” những cây rau dại vẫn mọc lên. Qua bàn tay lao động nhọc nhằn khoai sắn cỗi cằn vẫn nuôi người ấm bụng.
Thiên nhiên dạy tôi sống lạc quan. Đêm nằm ngủ ngắm vầng trăng qua vết nứt của bức tường đất trộn rơm. Ngắm sao qua mái nhà lá cọ đã mục nát lỗ chỗ khắp nơi. Gậm giường nhà nào cũng để đầy khoai. Tôi chìm trong giấc mơ về những củ khoai nảy mầm biết hát. Sự lạc quan giúp những người nông dân nuôi hy vọng những cơn mưa rơi xuống. Rồi ngày ấy cũng đến, những đám mây bã bừa tan đi, cơn giông kéo về, trút xuống một cơn mưa trắng trời. Quên đi ngày khó khăn, người dân quê tôi chỉ nhìn tới những ngày phía trước. Phải cày bừa ra sao? Phải gieo trồng giống lúa gì cho năng xuất cao? Đến khi vụ mùa trĩu hạt thu về cũng là lúc nhắc nhau đừng quên ngày đói.
Phải tích trữ lương thực. Phải đắp lại tường, lợp lại mái nhà. Bởi biết đâu ngày nắng lại kéo dài. Hoặc biết đâu những cơn mưa bão đến…
Tôi biết ơn nơi mình sinh ra không chỉ bởi quê hương bao bọc nuôi lớn hình hài. Mà quê hương nghèo khó còn dạy cho tôi biết chắt chiu, ngày ấm no biết thương ngày “giáp hạt”. Sau khi đã phơi phóng xong xuôi, lúa xúc vào từng tải. Mẹ tôi nhìn lượng lúa mà đoán sẽ ăn được trong bao nhiêu tháng.
Mỗi khi nấu cơm mẹ thường dặn “đừng xúc gạo quá tay” mà đói ngày giáp hạt. Sau này khi cuộc sống khấm khá hơn, mẹ vẫn dặn các con đồng tiền kiếm được “đừng vung tay quá trán” mà lúc vợ chồng, con cái ốm đau lại không có lo toan.
Mùa dịch quét qua đã để lại những vết sẹo dài. Biết bao nhiêu người con mất cha mẹ già, vợ mất chồng, người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh. Biết bao cuộc chia ly không nhìn thấy mặt nhau. Biết bao nhiêu công ty, nhà hàng phá sản. Bao gia đình đói khổ, mòn mỏi mong dịch bệnh sớm qua đi. Đằng sau những cánh cửa nhà khép kín kia là: “Thằng bé nhớ những đôi giày trên chân của người dưng/Anh thợ hồ nhớ mồ hôi rơi trên từng xô vữa/Hàng quán vỉa hè nhớ từng đồng tiền lẻ/Trăm cuộc mưu sinh nhớ phố nhọc nhằn”. Bởi vậy mọi người dân Sài Gòn đều mừng vui khi thành phố mở cửa trở lại sau ba tháng phỏng tỏa vì dịch Covid-19. Nhiều tỉnh thành trên cả nước cũng thích nghi với trạng thái bình thường mới để triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội một cách an toàn.
Đã đến lúc dần quên đi những ngày cơ cực. Tạm quên đi những mất mát đau thương để tiếp tục chặng đường phía trước. Bên cạnh việc tăng tốc bao phủ vắc-xin cho người dân cả nước, nhiều chính quyền nhiều địa phương đã cùng doanh nghiệp tìm giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch. Hơn lúc nào hết mỗi người dân quay trở lại với cuộc sống bình thường, tích cực lao động sản xuất. Hàng quán đã bắt đầu mở lại. Ngoài phố những tiếng rao quen lại được cất lên…
“Sống chung với dịch” là điều hết sức khó khăn nhưng là lựa chọn cần thiết lúc này. Tôi tin rằng những ngày tháng đã qua sẽ khiến chúng ta phải ngẫm nghĩ và thay đổi nhiều điều.
Trước đây, nhà bận bịu nên tôi lười mua sắm, có những ngày phải vét đến hạt gạo cuối cùng, mở tủ lạnh trống không, sữa cho con cũng hết. Vợ chồng bảo nhau “sáng mai mua, lo gì. Hết tiền mới lo, chứ hết đồ thì đâu sợ”. Bởi chợ ngày nào cũng mở, cửa hàng tạp hóa cách nhà vài trăm mét. Hẳn cũng có nhiều người từng suy nghĩ như tôi nên trong đợt giãn cách xã hội vừa rồi họ đã thiếu lương thực ngay từ những ngày đầu tiên.
Tôi lại nhớ đến lời mẹ hay nói: “Đừng để nhà hết gạo, vườn hết rau, trong hộc bàn hết các loại thuốc thông dụng cần dùng đến bất cứ lúc nào”. Thế mới biết không chỉ là bớt chút tiền kiếm được cất để dành mà còn có nhiều thứ cần tích trữ trong nhà. Ta cũng đừng quên chiu chắt và “dự trữ” thương yêu. Bởi ngày mai đâu ai biết thế nào…
Vũ Thị Huyền Trang
Theo KTSG