(SGTT) - Không xô bồ cũng chẳng vội vã, kênh YouTube của anh chàng nông dân Tô Tiểu Tường giờ đây đã trở thành địa chỉ quen thuộc cho những ai muốn tìm lại cho mình miền ký ức tuổi thơ, thôn quê gắn liền với đồng ruộng, đàn gà, khói lam chiều.
- Mùa dịch bệnh, những nhà sáng tạo nội dung YouTube đang làm gì?
- Hai kênh YouTube về ẩm thực của Việt Nam tham dự YouTube FanFest
Tô Tiểu Tường (tên thật là Tô Văn Lộc, 30 tuổi) sinh ra và lớn lên ở TPHCM. Trước dịch Covid-19, anh từng “bén duyên” với công việc kinh doanh sản phẩm du lịch tại trung tâm thương mại Taka Plaza ở quận 1. Anh chia sẻ, cuộc sống của bản thân khi ấy là một vòng tròn lặp lại kéo dài hơn 12 giờ mỗi ngày và không có nhiều thời gian cho bản thân. Thế nên, đã nhiều lúc, anh có ý định muốn dừng lại để cảm nhận cuộc sống. Vì vậy, khi dịch Covid-19 ập đến, việc kinh doanh gặp khó khăn đã thôi thúc anh đưa ra quyết định “bỏ phố về quê”, dành thời gian cho cuộc sống giản dị của một người nhà nông.
“Mình sinh ra và lớn lên ở TPHCM nên không có quê để trở về. Các mùa Tết nhìn bạn bè nối tiếp nhau về quê nên mình cũng mong muốn tìm đến quê các bạn sống xem sao. Và thế là, mình chia tay mảnh đất TPHCM đầy năng động để về một miền quê yên tĩnh với những trải nghiệm chưa từng có trong cuộc đời. Mình gọi chuyến đi của mình là hành trình đi tìm khu vườn nhỏ”, anh Tường tâm sự.
Cứ thế, với hành trang là 24 triệu đồng, phí sinh hoạt đủ một năm và hai con mèo, anh vẫy tay tạm biệt TPHCM để về Thái Bình - quê của một người bạn thân để bắt đầu cuộc sống mới làm nông dân và YouTuber ẩm thực.
Thời gian đầu về miền quê yên tĩnh, bản thân anh vẫn còn chút “vấn vương” cái ồn ào của thành thị nhưng sau đó là những tháng ngày khá bình yên. Hằng ngày, anh dành nhiều thời gian để cải tạo khu vườn, chăm sóc các loại cây xanh trong vườn. Với sự cần mẫn vốn có, chỉ sau 4 tháng vườn rau của anh đã xanh um, tươi tốt.
“Lúc đầu chưa có kinh nghiệm nhà nông, mình cứ trồng đủ loại cây như bí thiên nga, bí đĩa bay, đậu Hà Lan, nhưng do nghịch mùa nên cây chết rũ rượi. Vì vậy, mình quy hoạch gọn các cây mọc tự nhiên trong vườn thành một khu rồi chăm sóc. Ngoài ra, cải tạo thêm các rãnh thoát nước và làm thêm nhiều giàn trồng mướp, bí đao, khổ qua... Giờ đây, mình đã có thể tự tay thu hoạch rau mình trồng, mùa nào rau củ đó, cứ nương tựa mùa vụ tự nhiên như thế”, chàng nông dân chất phác kể.
Chia sẻ về cơ duyên trở thành nhà phát triển nội dung trên nền tảng YouTube, anh Tường cho biết trước khi về quê thì anh đã từng kiếm sống với nghề tay trái là làm trải nghiệm về âm thanh và game. Đồng thời, anh cũng từng có hơn bốn năm làm dịch vụ quảng cáo nên cũng đã tiếp xúc với YouTube từ khá sớm để phục vụ khách hàng.
Thế nên, với vốn kiến thức từ những công việc trước đó mang lại cộng thêm niềm cảm hứng từ bối cảnh làng quê đã thôi thúc anh thực hiện những thước phim về cuộc sống và ẩm thực thôn quê gắn bó với ký ức của biết bao thế hệ. Và hơn cả, chàng trai trẻ còn mong muốn đưa hình ảnh miền quê Việt Nam tới gần hơn với bạn bè quốc tế.
“Đặc trưng của kênh mình là không có đặc trưng nào cả, mình làm văn hóa ẩm thực tất cả các vùng miền của Việt Nam, mỗi vùng miền đều muốn trải nghiệm. Mình biết ơn TPHCM đã dung dưỡng mình từ bé khi nền ẩm thực ở mỗi vùng miền đều có ở thành phố này”, anh bày tỏ.
Bên cạnh đó, kênh YouTube của anh cũng hướng đến việc xây dựng một cuộc sống nông thôn không quá màu hồng. Một cuộc sống cũng có nhiều khó khăn từ thiên nhiên như bão gió, sâu hại, côn trùng... giúp người xem cảm nhận và thấy được niềm vui nào cũng kèm theo những khó khăn và bước đệm.
Để tạo nên những thước phim với nội dung tự nhiên, giản dị và chân thật, hằng ngày, anh Tường phải dành phần lớn thời gian để suy nghĩ ý tưởng và sáng tạo kịch bản. Tuy nhiên, việc quay video cũng phụ thuộc khá nhiều vào mùa vụ và điều kiện thời tiết ở quê. Hơn nữa, vì bản thân là một người cầu toàn trong từng hình ảnh nên anh luôn chăm chút kỹ lưỡng từng góc quay, khung hình để mang đến cho người xem những trải nghiệm tốt nhất.
“Những gì trên video chỉ là 1 phần nhỏ của quá trình mà mình làm ra nó. Có video mình phải quay trong nhiều tháng, từ lúc gieo hạt cho tới lúc thu hoạch, từ khi ủ trứng cho thành trứng muối. Cũng có lúc mình sẵn sàng đợi bão vào để quay cho mọi người biết bão ở quê thì trời lại nắng vỡ đầu. Nói chung mình cũng có nhiều trải nghiệm vui và thú vị với công việc này lắm”, anh cười nói.
Với YouTuber thì lượt xem (view) luôn là động lực và ý chí để tiếp tục thực hiện video. Được biết, kênh của Tô Tiểu Tường cũng từng trải qua thời gian không có người xem và mất hơn 3 tháng thì anh mới đạt được dấu mốc 1.000 người đăng ký. Hiện tại, tổng số người đăng ký kênh đạt gần 9.000 với lượt xem tổng các video có trong kênh là 666.000.
“Mình hài lòng với con số này vì những người theo dõi đó thực sự có tương tác và giúp mình có thêm động lực để tiếp tục làm những video chất lượng chứ không chỉ là những con số đánh dấu”, anh chia sẻ.
Trong quá trình xây dựng kênh, điều vui nhất của anh là gặp gỡ và được giúp đỡ rất nhiều từ người xa lạ ở cả trong và ngoài nước. Nhờ những chia sẻ cảm nhận và tham vấn kinh nghiệm từ mọi người, anh đã học hỏi và tiến bộ hơn rất nhiều trong việc sản xuất video, cũng là điểm tựa tinh thần để anh chia sẻ và vượt qua khó khăn trong quá trình làm việc.
“Có một người bạn ở Mỹ đã nói với mình rằng video của mình là niềm yêu thích nhất của con gái cô ấy. Con gái cô bị bại liệt nên giải trí cũng bằng cách xem các video trên YouTube. Và mỗi tuần mình đều có 1 cuộc hẹn vào tối thứ 5, khi mình ra video mới cũng là lúc những người bạn cũ của mình vào xem mình sống ra sao, vườn rau thế nào”, anh bộc bạch.
Đặc biệt, thời gian gần đây, kênh của anh đã nhận được sự công nhận của bạn bè quốc tế, là đối tác của Taste life - Mạng xã hội về ẩm thực của Mỹ khi một số video của anh được đăng tải trên Taste life đã thu hút hàng triệu lượt xem và hàng nghìn bình luận khen ngợi.
Sắp tới, anh Tường dự định sẽ đầu tư sâu hơn về nội dung, các làng nghề truyền thống ở quê như làm chiếu, làm nón, trạm bạc… Bên cạnh đó, chàng trai này sẽ học thêm vài ngôn ngữ phổ biến để làm phụ đề, giúp phát triển kênh của mình hơn nữa với bạn bè quốc tế.
Kim Hồng