(SGTT) - Vì tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nên nhiều người dân sốt cao nhưng e ngại không dám đi khám, khi chuyển đến cơ sở y tế, bệnh có nguy cơ diễn tiến nặng.
- Sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng, Bộ Y tế chỉ cách phòng bệnh
- Sai lầm thường gặp khiến sốt xuất huyết khó chữa
Hết sốt, bệnh trở nên nguy hiểm!
Theo Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế, hiện nay đang là thời điểm dịch sốt xuất huyết, số ca mắc hằng tuần có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại Hà Nội và một số tỉnh khu vực miền Nam.
Thông tin cập nhật của Bộ Y tế từ báo cáo của các địa phương, tính từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 50.473 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 18 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2020, số ca tử vong tăng 5 trường hợp, nếu tính theo tỷ lệ thì tăng gần 40%.
Số ca tử vong do sốt xuất huyết tập trung ở các tỉnh, thành phố như Bình Phước (6), TPHCM (2), Đồng Nai (2), Bình Dương (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Phú Yên (2), Sóc Trăng (1), Tây Ninh (1) và Bình Thuận (1).
Theo BS Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM, kiêm Phó giám đốc Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi, bệnh sốt xuất huyết bắt đầu vào mùa mưa từ khoảng tháng 6, 7. Số lượng bệnh nhân tăng đỉnh điểm vào tháng 10, 11 và 12.
So với năm 2020, số ca mắc sốt xuất huyết giảm nhưng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết vì tâm lý e ngại, sợ dịch Covid-19 nên không dám tới bệnh viện để khám và điều trị; chỉ khi chuyển đến cơ sở y tế, bệnh đã diễn tiến nặng.
“Với các bệnh truyền nhiễm như viêm phổi, nhiễm trùng tiểu, nhiễm siêu vi, nhiễm trùng máu… hết sốt là mừng nhưng riêng sốt xuất huyết, hết sốt mới đáng lo. Thông thường từ 5-7 ngày trở về sau, bệnh nhân hết sốt và chuyển sang giai đoạn nguy hiểm”, BS Thanh Phong nhấn mạnh.
Không chủ quan với bệnh
Về dấu hiệu nhận biết, BS Phong cho biết trong 3-4 ngày đầu tiên, bệnh nhân sốt cao, đau đầu, da niêm sung huyết (da nổi ửng đỏ), lạnh run, nhức mỏi… Từ 5-7 ngày kế tiếp, các triệu chứng giảm dần nhưng bắt đầu xuất huyết niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu chân răng, có trường hợp nặng ói ra máu, đi ngoài phân đen, suy đa cơ quan … Đặc biệt, sốt xuất huyết suy đa cơ quan có tỷ lệ tử vong rất cao.
Hầu hết các ca sốt xuất huyết đều có diễn tiến thuận lợi và tự khỏi nhưng một số trường hợp diễn tiến phức tạp, dẫn đến tử vong. Khi có các triệu chứng sốt xuất huyết, người bệnh không nên chủ quan mà phải đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị; tuyệt đối không nên tự mua thuốc uống và điều trị tại nhà, BS Phong khuyến cáo.
Ngoài ra, đối tượng béo phì, bệnh nhân có bệnh mãn tính đi kèm như tiểu đường, cao huyết áp, thiếu máu cơ tim… có nguy cơ diễn tiến bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm hơn. Đặc biệt, phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết có nguy cơ sinh non, sẩy thai.
Để hạn chế tối đa tỷ lệ mắc và số ca tử vong trong cộng đồng, BS. Phong nhấn mạnh, vấn đề này cần sự phối hợp của nhiều ngành chức năng như trung tâm y tế dự phòng, chính quyền địa phương, phường, xã... nên tổ chức truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân với mục đích chủ yếu tác động vào nhận thức của mọi người, từ đó thể hiện bằng hành động thực tiễn như diệt muỗi, loăng quăng (bọ gậy), không còn ao tù, nước đọng trong chum, vại…
Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
- Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá.
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
- Khi bị sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
Minh Thảo