Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

“Sài Gòn đã đến tháng Mười”

(SGTT) - Năm 1984, bộ phim Bao giờ cho đến tháng mười? (tác giả kịch bản và đạo diễn – Đặng Nhật Minh) công chiếu gây tiếng vang lớn. Nội dung phim là chuyện nhỏ của gia đình thời bình nhưng chiến tranh vẫn hiện diện với những mất mát, đau thương, mong ước, khoắc khoải vào ngày mai tốt đẹp. Thời điểm đó, đất nước ngập tràn gian nan vì bao cấp, đang trăn trở chuyển mình đổi mới.
Nhiều cửa hàng, quán xá, cơ sở kinh doanh vẫn đóng cửa trong ngày đầu tiên TPHCM “mở cửa” trở lại. Ảnh: Lâm Vũ

Và rồi tên phim ấy trở thành thành ngữ mới mà mọi người dân Sài Gòn hay hỏi nhau: “Bao giờ cho đến tháng Mười?”. Không hiểu là do tính toán trước, hay trùng hợp ngẫu nhiên, ngày cuối cùng của tháng 9, Sài Gòn như có phép lạ, tất cả rào chắn với dây kẽm gai chằng chịt và các chốt chặn biến mất.

Sáng 1-10, tôi phải dụi mắt mấy lần bởi Sài Gòn bỗng bừng sáng trong nắng sớm tĩnh lặng. Nhiều người cứ sợ, bỏ rào chắn, dân Sài Gòn sẽ bung như ong vỡ tổ, dịch càng có dịp bùng phát. Đừng “lo bò trắng răng” bởi người dân nơi đây giờ sợ dịch hơn sợ giặc, vẫn ở nhà nghe ngóng và chỉ ra đường khi thật cần thiết.

Sáng điện thoại cho bạn, vẫn giọng nửa miền Tây, nửa Nam Trung bộ nhưng bớt the thé và không còn ra lệnh “Ai ở đâu, ở yên đấy”. Con trai tôi đang học lớp 3, nghe thế liền hỏi: “Như vậy là ngồi yên không được nhúc nhích hả ba?”. Từ 1-10, nghe điện thoại được UBND TPHCM thông báo “Chúc mạnh khỏe và mong bà con bình tĩnh, thận trọng, điều chỉnh thói quen để thích ứng...”. Nghe xong là vui vì thành phố đã thay đổi cách chống dịch, từ việc nhỏ nhất.

Lời nói đâu mất tiền mua, chỉ cần thay mấy từ, đổi giọng nói là hiệu quả khác hẳn. Nhân đây cũng đề nghị, lời thoại trong điện thoại người Sài Gòn phải chuẩn từ giọng nói đến văn phong và cả ngữ điệu. Xin đừng xem đó là những chuyện nhỏ bởi chuyện nhỏ nhưng tác động lớn; chuyện nhỏ mà cẩu thả, tùy tiện thì sao làm được việc lớn?

Thật ra, các chốt chặn đã được tháo gỡ xong từ chiều hôm qua. Chiều 30-9, tôi ship hàng lên thành phố Thủ Đức thấy phơi phới, nhẹ nhàng. Cũng những cung đường ấy, trước đó, chỉ quận 7 qua quận 4, quận 8 mà phải rón rén, hồi hộp, canh giờ, rồi năn nỉ anh em kiểm soát vì shipper truyền thống không có phiếu ngoáy mũi, không có mã QR… Thẻ nhân viên và giấy đi đường của công ty vô dụng.

Sao không gỡ phong tỏa sớm hơn nhỉ? Phong tỏa hết cỡ mà dịch bệnh có giảm được bao nhiêu đâu? Gỡ phong tỏa bà con cũng đâu có tràn ra đường mà vẫn 5K nghiêm chỉnh. Người giao, người nhận đều giữ khoảng cách, dù hàng hóa đã được khử khuẩn. Có nhà còn không mở cửa, chỉ dặn qua điện thoại là “bỏ hàng vào giỏ trước cửa nhà dùm”.

Sáng sớm nghe tiếng rao “Ai bánh mì Sài Gòn hông?” tôi thấy ấm áp lạ thường, âm điệu đầy sức sống. Chị bán bánh mì vui vẻ cho biết “Hôm nay đi bán được rao thoải mái. Ai cũng mua mấy ổ liền. Mấy bữa trước bán lén, không dám rao vì sợ phường đuổi”. Trước dịch chị bán vé số, giờ chuyển nghề, cũng kiếm được tiền chợ qua ngày.

Sài Gòn đã dỡ phong tỏa và từng bước mở cửa, kinh tế đang dần phục hồi. Về quê, chưa chắc đã có việc làm. Nay mai các ngành nghề hoạt động trở lại, lấy đâu nhân lực đáp ứng, trong khi ở quê không có thu nhập? Sài Gòn nhức đầu thì cả nước cũng sổ mũi, thế nên, mình phải nương nhau mà sống. Sài Gòn vẫn hào nghĩa, năng động, kể cả trong dịch bệnh.

Tháng 10, Sài Gòn như được cởi nút thắt khi dỡ bỏ rào chốt là đoạn tuyệt với tư duy chống dịch kiểu chiến tranh, đến việc đi chợ cũng quân sự hóa. Cứ suốt ngày bóc tách, truy vết rồi thu dung, cách ly, phong tỏa. Hết phun thuốc toàn quốc đến ngoáy mũi đại trà, vài ngày, thậm chí cách ngày lại ngoáy. Dẹp rào chắn là giải phóng tâm lý căng thẳng, hoang mang, tù túng, bất ổn cho người dân.

Tinh thần phấn chấn tin tưởng vì đã thấy ánh sáng cuối đường hầm. Đó chính là những liều kháng sinh, giúp toàn dân chung sức chống dịch hiệu quả. Dỡ phong tỏa, càng đề cao cảnh giác, tham gia chích ngừa toàn dân, thực hiện triệt để 5K, chủ động tăng sức đề kháng, cả tinh thần và vật chất, sẵn sàng tâm thế “Sống chung với dịch”.

Người dân mong đợi và tháng 10 đã đến. Đường phố vẫn vắng vẻ dù không còn rào chắn và lực lượng kiểm soát hay các cửa hàng thực phẩm và dịch vụ thiết yếu đã mở lại. Nhiều người có thêm việc làm, thu nhập và mua được thứ cần dùng. Người dân vui một, thì lực lượng kiểm soát vui gấp đôi, gấp ba. Đêm qua, anh em được ăn cơm đúng bữa với gia đình, được ngủ đầy giấc trong nhà mình bởi không còn phải căng mình kiểm soát bất kể nắng, mưa với áp lực lây bệnh, ăn uống thất thường.

Chỉ có mấy công ty giao hàng công nghệ hơi buồn vì không còn độc quyền giao nhận với giá cước trên trời do “thuật toán”. Mở cửa, giá ship lập tức giảm hẳn, đặc biệt là có sự trở lại của đội ngũ shipper truyền thống, thông thường họ là nhân viên đa năng, có khi là ông bà chủ. Từ 1-10, shipper tôi đã “tái xuất giang hồ”, ngang dọc khắp Sài Gòn, bán hàng trực tuyến miễn phí vận chuyển. Vẫn không quên chuẩn bị cho ngày du lịch hồi sinh, khởi sắc, trở lại với nghề đã chọn như một thứ tôn giáo nghề nghiệp.

Anh em làm việc ở phường xã, lực lượng vũ trang, mấy đơn vị cấp giấy đi đường… cũng bớt vất vả vì không phải làm việc cả ngày lẫn đêm vì “chống dịch như chống giặc” theo nghĩa đen. Dồn sức điều trị F0, an sinh và khôi phục kinh tế. Bây giờ, nói đúng ra là sống chung với dịch, mà muốn sống chung mà không bị kẻ thù gây hại, mình phải giỏi hơn, mạnh hơn, chủ động khống chế được chúng.

Nguyễn Văn Mỹ (Chủ tịch Lửa Việt Tours)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Lượng hàng tồn trên thế giới tăng gần 30% so với...

0
(SGTT) - Lượng hàng tồn trên toàn cầu đạt 2.200 tỉ đô la vào tháng 3-2023, mức cao nhất trong 10 năm. Đến tháng...

Chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B

0
Trong phiên họp thứ 20 diễn ra chiều 3-6, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất chuyển bệnh Covid-19 từ...

Các loại vaccine phòng Covid-19 “made in Vietnam” giờ ra sao?

0
(SGTT) - Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, các công ty trong nước tham gia quá trình nghiên cứu và phát...

Đà Nẵng: Chợ Hàn hút du khách trở lại sau hai...

0
Chợ Hàn – ngôi chợ truyền thống tại Đà Nẵng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến – bắt đầu thu...

Khi nào đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc?

0
Hôm 5-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với đại...

Đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y...

0
Tối ngày 5-5 (giờ Việt Nam), Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus chính thức tuyên bố đại...

Kết nối